Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc: Tạo dựng nên diện mạo Hải quan Việt Nam thân thiện và hiện đại

(HQ Online)- Từ Xuân Tân Mão 2011 cho đến Xuân Bính Thân 2016, tính ra đã 6 lần Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc dành thời gian trả lời phỏng vấn của Báo Hải quan mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc. Ảnh: HỮU LINH.

5 năm tới, Hải quan Việt Nam phấn đấu đạt trình độ ASEAN-4, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ với các giải pháp có tính chất thường xuyên như cải cách, hiện đại hóa; chống buôn lậu, gian lận thương mại; xây dựng lực lượng... Trong đó, tôi cho rằng, vấn đề con người vẫn là then chốt, quyết định sự thành bại trong mọi chủ trương, mục tiêu đề ra.

Ngần ấy thời gian, Tổng cục Hải quan đã đi được nửa chặng đường của Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, hoàn thành Kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa Hải quan giai đoạn 2011-2015. Quan trọng hơn, những chương trình, mục tiêu lớn Hải quan Việt Nam đề ra trong chặng đường 5 năm vừa qua đều đã gặt hái thành công, “ngôi nhà” Hải quan hiện đại dần được hình thành trên nền móng vững chắc từ hiện đại hóa hải quan. Vì lẽ đó, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được từ tâm thế của người đứng đầu ngành Hải quan trong buổi trò chuyện ngày cuối năm là sự vui vẻ, cởi mở và hết sức chân tình. Và câu chuyện đã được mở ra, trải dài cả chặng đường 5 năm với nhiều dấu ấn đậm nét...

2015: Một năm sôi động

Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc mở đầu buổi trò chuyện với chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt và một lời sẻ chia: Lúc này đây tôi cảm thấy rất vui bởi “người lính Cụ Hồ” đã hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng dễ hiểu khi người đứng đầu ngành Hải quan trải lòng vậy. Ngày 16-6-2010, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký quyết định bổ nhiệm Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc; ngày 23-6-2010, Tổng cục trưởng nhậm chức. Trong bài trả lời phỏng vấn trên Báo Hải quan ngay sau lễ nhậm chức, ông nhấn mạnh: Ưu tiên lớn nhất là tập trung cho công tác hiện đại hóa hải quan. Phấn đấu đến năm 2015, mức độ tự động hóa hải quan đạt ngang tầm với các nước ASEAN tiên tiến hiện nay. Để đạt được mục tiêu, điều quan trọng đầu tiên là bằng mọi cách chăm lo, đào tạo được một đội ngũ CBCC chuyên gia, làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả. Đề ra những biện pháp nhằm cải thiện bằng được hình ảnh người cán bộ công chức hải quan trong mắt DN và cộng đồng.

Những gì Tổng cục trưởng nói khi bắt đầu nhiệm kỳ công tác, đã được chứng minh bằng kết quả của nhiều nội dung công việc lớn mà toàn ngành Hải quan đã làm trong 5 năm qua, tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm là: Cải cách, hiện đại hóa hải quan; Thu ngân sách Nhà nước; Xây dựng hình ảnh Hải quan Việt Nam Chuyên nghiệp, Minh bạch, Hiệu quả… Đặc biệt, năm 2015 đã gặt hái nhiều kết quả quan trọng.

Tổng cục trưởng tiếp lời: Năm 2015 khép lại, ngành Hải quan đón nhận thêm nhiều tin vui. Tháng 12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về Cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016- 2020, tạo cơ chế thuận lợi để Hải quan Việt Nam tiếp tục cải cách hiện đại hóa, xây dựng đội ngũ CBCC chuyên nghiệp; Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 65/2015/QĐ-TTg quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan. Trong một năm kinh tế nước ta đã có sự hồi phục, nhưng vẫn còn không ít thách thức, đặc biệt là những yếu tố tác động giảm số thu ngân sách, toàn ngành Hải quan đã dốc sức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước. Đến tháng cuối năm, ngành Hải quan tưởng chừng không thể đạt được chỉ tiêu. Nhưng với quyết tâm cao độ, sự đồng lòng của toàn Ngành, đến những phút giây cuối cùng của năm, kết quả thu ngân sách đạt hơn 261.823 tỷ đồng, bằng 100,7% dự toán được giao (dự toán 260.000 tỷ đồng). Đây thực sự là cuộc “lội ngược dòng” ngoạn mục của Hải quan Việt Nam trong bối cảnh thu ngân sách vô cùng khó khăn.

Ngành Hải quan giữ vai trò là “cánh cửa quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của đất nước” (Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong buổi làm việc với Tổng cục Hải quan ngày 9-7-2014- PV), nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Hải quan không chỉ là thu ngân sách, mà còn là đáp ứng yêu cầu tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế; chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ an ninh, an toàn cộng đồng… Đó luôn là khối lượng công việc rất nặng nề. Thách thức ấy cũng chính là cơ hội, là động lực cho sự phát triển của ngành Hải quan.

Theo mạch cảm xúc của Tổng cục trưởng, chúng tôi hỏi: Điểm lại công tác Hải quan năm 2015, Tổng cục trưởng cảm thấy ấn tượng với kết quả nào nhất?

Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc phấn khởi nói:

Chúng ta có thể tự hào khi hoàn thành được nhiều mục tiêu quan trọng.

Thứ nhất, Việt Nam chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), kết nối giữa 9 Bộ gồm: Tài chính; Công Thương; Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) với 4 nước: Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore, trong đó Hải quan Việt Nam giữ vai trò Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về ASW và NSW. Lễ triển khai chính thức NSW, kết nối ASW được tổ chức tại Tổng cục Hải quan ngày 8-9-2015, Thủ tướng Chính phủ, hai đồng chí Phó Thủ tướng, Tổng thư ký ASEAN và nhiều bộ trưởng tới dự. Đây là bước đi quan trọng để hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam trong khu vực ASEAN cũng như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ hai, đưa Phòng Giám sát hải quan trực tuyến vào hoạt động. Qua đó thực hiện việc kết nối, tích hợp các hệ thống công nghệ, thiết bị giám sát hiện đại của ngành Hải quan như hệ thống camera giám sát, hệ thống máy soi container... để thực hiện điều hành, chỉ huy trực tuyến, kịp thời nắm bắt tình hình tại các cửa khẩu lớn, góp phần phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, phòng chống tiêu cực, phiền hà sách nhiễu của CBCC trong thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, cuối năm 2015, triển khai Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa XNK theo Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Hết tháng 1-2016, đã triển khai tại 7 địa bàn XNK trọng điểm là Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh. Với vai trò nòng cốt của cơ quan Hải quan, việc bố trí địa điểm KTCN “một cửa” tại cửa khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong thực hiện KTCN, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng DN.

Thứ tư, phát hiện, triệt phá thành công nhiều chuyên án buôn lậu lớn, kịp thời ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là hàng cấm như động vật hoang dã, ma túy, vũ khí, tài liệu phản động… Đặc biệt, có 3 thành tích nổi bật nhất từ trước đến nay, đó là: Bắt giữ lượng hàng bách hóa trị giá lớn nhất; thu giữ lượng ma túy lớn nhất; hàng hóa vi phạm Công ước CITES có khối lượng lớn nhất.

Thứ năm, năm 2015 nhiều sự kiện ghi dấu mốc son 70 năm xây dựng và phát triển của Hải quan Việt Nam (10/9/1945-10/9/2015). Dịp này, Tổng cục Hải quan đã tổ chức thành công Hội nghị điển hình tiên tiến lần thứ V và vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, nhiều tập thể, cá nhân được tặng các phần thưởng cao quý.

Diện mạo mới của Hải quan Việt Nam

Năm 2015 có tính chất bản lề trong tiến trình hiện đại hóa hải quan khi Tổng cục Hải quan hoàn thành Kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa giai đoạn 2011-2015 để mở ra một chặng đường mới với những mục tiêu cao hơn, chúng tôi đặt câu hỏi tới Tổng cục trưởng: Giai đoạn 2011-2015 đã tạo được sự chuyển mình như thế nào trong tiến trình cải cách, phát triển, hiện đại hóa của Ngành?

Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc (hào hứng):

Nhìn lại 5 năm qua, trước yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Hải quan Việt Nam đã nỗ lực không ngừng và đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật sau:

Lần đầu tiên trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020. Trình các cấp có thẩm quyền ban hành Luật Hải quan 2014 thay thế Luật Hải quan 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan 2005, tạo khung khổ pháp lý quan trọng cho hiện đại hóa hải quan và nội luật hóa cơ bản những chuẩn mực, thông lệ quốc tế để sẵn sàng cho hội nhập khu vực và quốc tế.

Về hiện đại hóa hải quan, Hải quan Việt Nam đã tiếp nhận, xây dựng, vận hành thành công Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS do Nhật Bản tài trợ, giúp Ngành sớm hoàn thành mục tiêu 5 “e” là: e- Declaration (tờ khai của người xuất nhập khẩu); e-Manifest (bản lược khai hàng hóa điện tử); e-Payment (nộp thuế, lệ phí qua phương thức điện tử), e- C/O (cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử), e-Permit (cấp giấy phép các bộ, ngành).

Về thu ngân sách, dù chịu sự tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới (năm 2012) hay sự sụt giảm mạnh của giá dầu (năm 2015) nhưng về tổng thể, nhiệm vụ chính trị số một này vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2011-2015, số thu của toàn ngành tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước đó, góp phần quan trọng vào đảm bảo tiềm lực tài chính quốc gia và cân đối thu-chi của đất nước.

Bên cạnh đó, công tác kiểm soát, chống buôn lậu ngày càng chuyên sâu, chuyên nghiệp với việc tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại kết hợp với các công cụ quản lý hải quan hiện đại như quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan... Các vụ việc bắt giữ không chỉ là hàng tiêu dùng thông thường mà còn có nhiều hàng cấm như vũ khí, ma túy, động vật hoang dã, các sản phẩm tiêu dùng độc hại tới sức khỏe người dân… Vai trò của Hải quan Việt Nam trong bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn cho cộng đồng được khẳng định.

Năm 2014, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được thành lập (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan giữ vai trò Thường trực của Ban Chỉ đạo.

Đối với công tác xây dựng lực lượng Hải quan trong sạch vững mạnh, với mục tiêu cải thiện và xây dựng hình ảnh CBCC hải quan ngày càng thân thiện, chuyên nghiệp, Tổng cục Hải quan là cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên ban hành Tuyên ngôn phục vụ khách hàng với phương châm “Chuyên nghiệp-Minh bạch-Hiệu quả” được thực hiện từ đầu năm 2011, năm 2015 tiếp tục được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, đồng thời ban hành các quy tắc trong giao tiếp, ứng xử với người dân, DN.

Tổng cục trưởng ấn tượng nhất với kết quả công tác nào, vì sao?

Nghe chúng tôi hỏi, ánh mắt Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc lấp lánh niềm vui và tự hào: “Tôi ấn tượng nhất với việc hoàn thành được mục tiêu 5 “e”, giúp chuyển đổi căn bản hoạt động nghiệp vụ hải quan từ thủ công truyền thống sang tự động hóa, đồng thời giúp Hải quan Việt Nam tiệm cận với trình độ của các nước tiên tiến hàng đầu khu vực ASEAN.

Đối với e-Declaration, với việc triển khai thành công VNACCS/VCIS, thủ tục hải quan điện tử được “phủ sóng” trong phạm vi cả nước và tạo được bước đột phá trong tiến trình hiện đại hóa hải quan.

E-Manifest cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến cuối năm 2015, 100% hồ sơ đối với tàu biển xuất nhập cảnh đã được tiếp nhận qua phương thức điện tử tại 9 Cục Hải quan địa phương có cảng biển lớn.

Kết quả nổi bật trong thực hiện e-Payment là 28 ngân hàng thương mại tham gia phối hợp thu ngân sách với Tổng cục Hải quan. Tháng 11- 2015, số thu bằng phương thức điện tử chiếm hơn 97% số thu nộp ngân sách của toàn Ngành.

Đối với e-Permit và e-C/O, việc thực hiện chính thức NSW đã tạo được tiền đề quan trọng về cải cách thủ tục hành chính nói chung đối với hàng hóa XNK. Trong khuôn khổ thực hiện ASW, Việt Nam và 4 quốc gia kết nối đầu tiên đã thực hiện trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D (C/O form D) bằng phương thức điện tử”.

Đặc biệt, người đứng đầu Ngành không giấu được sự phấn khởi bởi với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong xây dựng lực lượng Hải quan trong sạch vững mạnh, chủ động, quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng. Có thể nói, đến nay, CBCC ngành Hải quan đã phát huy tốt truyền thống của thế hệ Hải quan cha, anh đi trước, “màu cờ sắc áo”, hình ảnh Hải quan Việt Nam đã được cải thiện trong mắt người dân, DN và cộng đồng xã hội. Báo cáo tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc (tháng 12-2015) do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trình bày, hai chữ “HẢI QUAN” lần đầu được xuất hiện trong văn kiện có tầm quốc gia.

“Giờ đây, các thế hệ CBCC ngành Hải quan vui mừng và có quyền tự hào khi thấy diện mạo của Hải quan Việt Nam đã thay đổi rõ rệt theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Liêm chính Hải quan được đề cao, dần trở thành tiêu chí cho đạo đức và phẩm chất công chức Hải quan thời kỳ đổi mới”- Tổng cục trưởng chia sẻ.

Niềm tin quyết định thắng lợi

Tổng cục trưởng gắn bó với ngành Hải quan 36 năm, gần như trọn cả quá trình công tác, trải qua nhiều vị trí, Tổng cục trưởng có cảm nhận như thế nào về sự thay đổi của Ngành?

Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc:

Với bề dày truyền thống 70 năm xây dựng, phát triển và những thành tựu đáng mừng trong giai đoạn vừa qua, chúng ta tin tưởng vào Hải quan Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, chuyên sâu, chuyên nghiệp, minh bạch, được trang bị và làm chủ phương tiện, kỹ thuật hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

5 năm tới, Hải quan Việt Nam phấn đấu đạt trình độ ASEAN-4, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ với các giải pháp có tính chất thường xuyên như cải cách, hiện đại hóa; chống buôn lậu, gian lận thương mại; xây dựng lực lượng... Trong đó, tôi cho rằng, vấn đề con người vẫn là then chốt, quyết định sự thành bại trong mọi chủ trương, mục tiêu đề ra.

Nhắc đến vấn đề con người, Tổng cục trưởng bày tỏ sự trăn trở: “Những kết quả về cải cách hiện đại hóa rất tích cực, nhưng mới chỉ là bước đầu. Một bộ phận CBCC còn tiêu cực, tham nhũng, gây phiền hà cho người dân và DN, thậm chí có công chức vi phạm pháp luật. Vì vậy, còn rất nhiều việc phải làm để biến những chủ trương tốt đẹp thành hiện thực, để người dân và DN ngày càng thuận lợi hơn khi thực hiện thủ tục hải quan. Ngoài chú trọng thực hiện Liêm chính Hải quan, triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp về mặt nghiệp vụ còn phải luôn quan tâm chăm lo đời sống cho CBCC, người lao động. Có những ý tưởng, kế hoạch đã trở thành hiện thực như Cơ chế quản lý tài chính và biên chế giai đoạn 2016-2020, nhưng có một điều tôi chưa thể triển khai đó là xây dựng nhà tập thể để phần nào hỗ trợ cho những CBCC còn khó khăn về nhà ở...”.

Chúng tôi vội nhìn đồng hồ, đã hơn 1 tiếng nhưng câu chuyện dường như còn say sưa lắm. Tổng cục trưởng nhắc lại câu nói: Lúc này đây tôi cảm thấy rất vui bởi “người lính Cụ Hồ” đã hoàn thành nhiệm vụ...

Với một người rất kiệm lời khi nói về mình, luôn giản dị, gần gũi với đồng nghiệp, lời chia sẻ đơn giản vậy nhưng đủ để chúng tôi hiểu rằng để hoàn thành được trọng trách người đứng đầu Ngành trong gần 6 năm qua là cả một chặng đường đầy gian lao, thử thách đối với ông, bởi như Tổng cục trưởng từng chia sẻ: Lĩnh vực Hải quan luôn “nóng” và 3 công tác trọng tâm mà ngành đang theo đuổi theo cả vào trong giấc ngủ của tôi…

Trước khi chia tay Tổng cục trưởng, chúng tôi hỏi: Nếu chỉ chọn 2 từ để có thể đi đến thành công trong lãnh đạo, điều hành, Tổng cục trưởng chọn 2 từ nào?

Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc khẳng định:

Để có thể thành công cần rất nhiều yếu tố, nhưng với tôi là NIỀM TIN. Đó là niềm tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Tài chính đối với ngành Hải quan và đối với cá nhân tôi, đồng thời cũng chính là niềm tin, sự ủng hộ của tập thể lãnh đạo Tổng cục, toàn thể đội ngũ CBCC trong Ngành với tôi trong những năm đảm nhiệm ví trí đứng đầu Ngành. Cá nhân tôi cũng luôn dành trọn niềm tin vào năng lực, bản lĩnh chính trị và sự tận tâm với công việc của CBCC trong Ngành.

Nhân dịp này, qua Báo Hải quan, tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí trong Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc các bộ, ngành đã luôn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ ngành Hải quan và cá nhân tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đối với ngành Hải quan, tôi xin bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến tập thể lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc và toàn thể CBCC Hải quan qua các thế hệ đã luôn ủng hộ, đồng hành và nỗ lực phấn đấu giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi mong muốn rằng với bề dày truyền thống, đội ngũ CBCC toàn Ngành tiếp tục chung sức, đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm xây dựng Hải quan Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.

Nhân dịp năm mới Bính Thân 2016, thay mặt tập thể lãnh đạo Tổng cục Hải quan và nhân danh cá nhân, qua Báo Hải quan, tôi xin gửi lời chúc tới các thế hệ CBCC Hải quan đã và đang công tác trên mọi miền Tổ quốc năm mới: An lành, Mạnh khỏe, Hạnh phúc và Thành công!

Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc Tổng cục trưởng cùng gia đình Năm mới An khang, Thịnh vượng!

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tong-cuc-truong-tong-cuc-hai-quan-nguyen-ngoc-tuc-tao-dung-nen-dien-mao-hai-quan-viet-nam-than-thien-va-hien-dai.aspx