Tổng hợp tin hàng hóa thế giới tuần từ 21-27/11

Chỉ số S&P's GSCI theo dõi giá 24 hàng hóa nguyên liệu giảm gần 2%, xuống 636,12 điểm, đánh dấu tuần giảm thứ 2 liên tiếp sau khi tăng 4 tuần.

Kinh tế thế giới bất ổn tiếp tục kéo giá hàng hóa tuần này. Lợi suất trái phiếu Đức và Italia liên tục lập kỉ lục, đồng euro giảm mạnh và ghi nhận tuần giảm thứ 4 so với USD. Các thông tin không khả quan từ ngành công nghiệp và thị trường lao động từ các nền kinh tế chủ chốt càng làm nhà đầu tư bi quan hơn về nền kinh tế và không muốn nắm giữ những tài sản rủi ro.

Chỉ số S&P's GSCI trong 1 tuần qua (Nguồn: Bloomberg)

Đồng: Giá đồng chuẩn giao 3 tháng tại London chốt tuần tại 7.230 USD/tấn, giá giao tháng 12 tại New York chốt tại 3,27 USD/pound. Tuần qua, giá trên 2 sàn đều giảm 4%.

Giá đồng liên tục đi xuống do những thông tin không khả quan từ kinh tế nhiều nước tại châu Âu bất chấp lượng tồn kho tại sàn LME London đã giảm tổng cộng 4.900 tấn trong tuần này (theo dữ liệu của FT). Đây là tuần thứ 4 liên tiếp, giá đồng thế giới giảm.

Dầu: Giá dầu thô giao tháng 12 tại New York giảm 0,7%, chốt tuần tại 96,77 USD/thùng. Giá dầu Brent giao cùng kì hạn tại London giảm 1%, chốt tuần tại 106,4 USD/thùng. Giá dầu thế giới đã giảm 2 tuần liên tiếp sau khi tăng 6 tuần trước đó.

Tuần qua, các thông tin kinh tế vĩ mô tác động tiêu cực đến giá dầu mỏ, ngược lại với các thông tin cơ bản. Trong nỗ lực gây sức ép về vấn đề hạt nhân của Iran, Mỹ, Anh và Canada đồng loạt áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành ngân hàng và năng lượng nước này. Pháp đơn phương cấm vận dầu mỏ với Iran và tuyên bố sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh EU để áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn. Trong khi đó, bạo loạn tại Ả Rập Xê Út, Syria và Ai Cập cũng gây lo ngại cho việc xuất khẩu dầu mỏ của Trung Đông - mỏ dầu lớn nhất thế giới.

Vàng: Giá vàng kỳ hạn tháng 12 tại New York giảm 2,3% so với tuần trước, đánh dấu tuần thứ 2 giảm giá. Dù được coi là tài sản trú ẩn an toàn khi kinh tế bất ổn, nhưng kim loại này ngày càng trở nên dễ chịu áp lực giảm theo thông tin tiêu cực do thường xuyên bị bán tháo bù lỗ cho các tài sản rủi ro khác.

Đường: Ấn Độ - nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới đã cho phép xuất khẩu 1 triệu tấn đường sau khi phải cấm vận để đảm bảo nguồn cung trong nước. Lượng xuất khẩu cho phép này gấp đôi so với dự báo trước đó chỉ là 500.000 tấn.

Nguồn DVT.vn

Nguồn Gafin.vn: http://gafin.vn/2011112605061618p0c39/tong-hop-tin-hang-hoa-the-gioi-tuan-tu-212711.htm