Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp, Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

Ngày 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp (GĐTP) và Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp có lãnh đạo Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp

Thời gian qua, các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh dần quan tâm hơn đến công tác GĐTP, từng bước nhận diện và triển khai, thực hiện rõ nét hơn các nhiệm vụ được giao về GĐTP, nhất là sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều chỉ đạo về GĐTP, đồng thời kiểm tra công tác này tại một số bộ, ngành và địa phương.

Từ năm 2018 đến nay, đã có 12 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành quy định về quy trình giám định, thời hạn giám định; 14 bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn về điều kiện cơ sở vật chất của tổ chức giám định, thành phần, lưu trữ hồ sơ giám định… ở các lĩnh vực. Về tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giám định tư pháp, các địa phương đã tổ chức khoảng 124 lớp tập huấn, trong đó đa phần mời báo cáo viên của Bộ Tư pháp tham gia giảng dạy…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thi hành Luật GĐTP cũng gặp một số tồn tại, hạn chế. Qua đó, Bộ Tư pháp đề ra phương hướng, giải pháp trong thời gian tới theo hướng mở rộng phạm vi lĩnh vực được thành lập Văn phòng GĐTP ở những lĩnh vực có nhu cầu lớn, thường xuyên; có chế độ, chính sách thỏa đáng về vật chất và tinh thần nhằm thu hút, huy động các chuyên gia giỏi, các tổ chức chuyên môn có năng lực tốt ở các ngành nghề, lĩnh vực tham gia hoạt động GĐTP… Đồng thời, đề xuất nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.

Về Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP, sau 5 năm triển khai thực hiện, với sự chỉ đạo kịp thời của Ban Chỉ đạo ở cấp Trung ương và sự quan tâm, nỗ lực các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh nên các nhiệm vụ đặt ra trong Đề án đã và đang được triển khai, thực hiện, trong đó có một số nhiệm vụ đã hoàn thành.

Ngoài các quy trình giám định ở lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thì quy trình giám định, áp dụng quy chuẩn chuyên môn, thời hạn giám định ở hầu hết các lĩnh vực giám định kiêm nhiệm được các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo xây dựng, ban hành. Hệ thống tổ chức GĐTP công lập được củng cố, kiện toàn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện giám định; công tác tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý cho đội ngũ người làm giám định ở các địa phương và bộ, ngành từng bước được quan tâm, tăng cường...

Qua đó, Bộ Tư pháp đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện Đề án trong thời gian tới; Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục quan tâm chỉ đạo về việc mở rộng phạm vi thành lập Văn phòng GĐTP và ban hành các chế độ, chính sách ưu đãi hợp lý, thỏa đáng, đủ sức giữ chân, thu hút người làm giám định trong các lĩnh vực giám định chuyên trách và các tổ chức, nhà chuyên môn có năng lực ở các lĩnh vực kiêm nhiệm tham gia làm GĐTP…

Thanh Trúc

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/phap-luat/tong-ket-thi-hanh-luat-giam-dinh-tu-phap-va-de-an-tiep-tuc-doi-moi-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-giam-122429.aspx