Tổng kết thực tiễn trước khi luật hóa các quy định về lực lượng kiểm ngư

Trong phiên làm việc 14-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi); và dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Một trong những nội dung được bàn thảo sôi nổi nhất là quy định liên quan đến lực lượng kiểm ngư.

Thảo luận tại kỳ họp thứ ba diễn ra vào tháng 5 vừa qua, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất quan điểm có kiểm ngư Trung ương, nhưng còn ý kiến khác nhau liên quan đến kiểm ngư cấp tỉnh. Theo phương án tại dự thảo luật do Chính phủ trình, sẽ thành lập kiểm ngư tại tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lại cho rằng chỉ nên thành lập kiểm ngư ở một số tỉnh, thành phố ven biển có tính đặc thù.

Góp ý về dự án này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tỏ ý băn khoăn vì hoạt động thực tiễn của lực lượng này chưa được tổng kết, đánh giá và cho rằng những quy định về lực lượng kiểm ngư tới đây cần được tập hợp, nâng lên thành pháp lệnh hoặc luật riêng. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định kiểm ngư là lực lượng rất quan trọng nhưng cần đánh giá hoạt động từ khi thành lập đến nay như thế nào.

Bà Nga cũng cho rằng: Dự thảo luật nói về nội dung thì có vẻ rất chi tiết, nhưng lại chưa quy định hệ thống cơ quan kiểm ngư và chức năng nhiệm vụ của từng cấp. Với trách nhiệm, quyền hạn được quy định rất rộng, hoạt động kiểm ngư bao gồm cả điều tra, xử lý vi phạm theo pháp luật hình sự, được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, truy đuổi, bắt giữ, áp dụng các biện pháp cưỡng chế... có liên quan đến Hiến pháp và nhiều luật khác, nên bà Nga cho rằng: Về lâu dài phải được điều chỉnh bằng riêng một luật thay vì quy định trong Luật Thủy sản (sửa đổi). Một số ý kiến khác cũng cho rằng trước khi luật hóa quy định về lực lượng kiểm ngư cần có sự tổng kết thực tiễn.

Trả lời những góp ý này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của lực lượng kiểm ngư trong bối cảnh Biển Đông như hiện nay. Tuy nhiên, ông Cường cũng cho biết thời gian hoạt động của lực lượng này quá ngắn, mới có hơn một năm; thêm vào đó lại thiếu kinh phí, nên để tổng kết hoạt động là rất khó khăn.

Không đồng tình với lập luận của Bộ trưởng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, năm 2014, lực lượng kiểm ngư đã đi vào hoạt động thì đến nay là ba năm chứ không phải một năm, nên có thể tổng kết được. Bà Hải cũng nhấn mạnh: “Tiếp xúc anh em kiểm ngư, họ còn rất nhiều băn khoăn, nên cần có tổng kết nghị định quy định về kiểm ngư trong thời gian qua còn bất cập gì để luật hóa”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đồng ý với nhận định: Lực lượng kiểm ngư đặc biệt cần thiết, nên tổ chức ở cấp trung ương và cấp tỉnh, nhưng nhấn mạnh “Để làm chuyện này, nhất thiết phải có sơ kết, tổng kết. Nếu không, cơ sở đâu để anh đề xuất như thế? Không tổng kết mà đưa vào luật là thiếu trách nhiệm”.

Liên quan đến đề nghị bổ sung “nhóm hộ gia đình”, “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” là chủ rừng tại dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: Trong hệ thống pháp luật hiện hành thì trách nhiệm pháp lý của nhóm hộ gia đình còn chưa được quy định rõ ràng; pháp luật về dân sự, hình sự cũng không quy định điều chỉnh đối tượng này, pháp luật về đất đai cũng không quy định giao, cho thuê đất đối với nhóm hộ gia đình. Do vậy, xin không bổ sung đối tượng “nhóm hộ gia đình” này là chủ rừng để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Cũng theo ông Dũng, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, mặc dù Luật Bảo vệ và Phát triển rừng hiện hành quy định là một loại chủ rừng, Luật Đất đai quy định đối tượng này được Nhà nước giao, cho thuê đất, nhưng do quỹ rừng của nước ta còn rất ít (khoảng 2,7 triệu ha) trong khi nhu cầu được giao đất, cho thuê đất của người dân địa phương là lớn, nên cần ưu tiên giao cho người dân tại chỗ để phát triển sản xuất, bảo đảm việc làm, ổn định đời sống người dân nơi có rừng. Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường và Ban soạn thảo không bổ sung quy định đối tượng này là chủ rừng trong Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, quy định của Hiến pháp và Luật Đất đai cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được làm chủ rừng, nên cần phải cân nhắc thêm về quy định này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với quan điểm trên.

Vũ Hân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/tong-ket-thuc-tien-truoc-khi-luat-hoa-cac-quy-dinh-ve-luc-luong-kiem-ngu-453833/