Tổng quản mâm cơm 12 triệu dân ở TPHCM: 'Hết nơi để đá bóng trách nhiệm'

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, đại biểu Quốc hội, hiện đảm nhiệm vai trò thủ lĩnh trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm của TPHCM, nói như vậy trong cuộc trò chuyện với Tiền Phong về nhiệm vụ và giải pháp cho vị trí mới.

Hơn 40 tấn thịt heo bẩn vừa bị phát hiện tại huyện Bình Chánh ngày 9/3.

Bà Phạm Khánh Phong Lan nói: Khi nhận nhiệm vụ Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, mô hình mà thành phố được Thủ tướng chọn để thí điểm đầu tiên trong cả nước nên cảm thấy áp lực rất lớn, bởi tình hình an toàn thực phẩm đang rất cấp bách. Nếu trước đây tôi phụ trách lĩnh vực dược phẩm, đối tượng chỉ là người bệnh, thì nay thực phẩm liên quan đến toàn xã hội. Tôi hiểu là mọi người, từ các cấp lãnh đạo đến người dân, đều kỳ vọng rất nhiều.

So với những lĩnh vực mà bà quản lý trước đây như dược, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm được đánh giá là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp và khó quản lý, khó kiểm soát hơn, bà thấy thế nào?

Mỗi lĩnh vực đều có những phức tạp riêng và không dễ quản lý. Nhưng thực phẩm tuy ảnh hưởng đến mọi người dân, nhưng hậu quả xấu thì không thể hiện ngay lập tức, nên các chuẩn quản lý chưa đầy đủ bằng dược phẩm, mọi người cũng chủ quan hơn trong ý thức, vi phạm cũng trên diện rộng hơn nên khó quản lý, kiểm soát.

Phát biểu với báo chí trong lễ nhận nhiệm vụ mới, bà có nói “nếu sau 3 năm thí điểm mà không đạt kết quả đề ra, tôi sẽ nhận kỷ luật”. Vậy kế hoạch và mục tiêu cụ thể mà bà đề ra trong 3 năm tới là gì?

Trước mắt, chúng tôi thống nhất bộ máy, tiếp tục các công việc dở dang trên cơ sở phân tích những điểm còn bất cập để giải quyết. Chúng tôi lên kế hoạch tổ chức lại hệ thống thanh tra, tăng cường năng lực kiểm nghiệm, cải cách hành chính và tăng cường thông tin tuyên truyền cho người dân ý thức chung sức bảo đảm an toàn thực phẩm. Ở đây không chỉ chống thực phẩm bẩn mà còn ủng hộ thực phẩm an toàn.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan.

Bà có dám đưa ra một con số cụ thể, sau 3 năm nữa thì bao nhiêu % người dân thành phố sẽ được tiếp xúc với thực phẩm sạch?

Cấp bách nhất chính là tình trạng thực phẩm nhiễm độc từ nguồn, với chất bảo vệ thực vật, chất cấm, chất phụ gia công nghiệp. Phải quyết liệt kiểm soát bằng hàng rào kỹ thuật, giám sát quy trình như chúng ta đã và đang làm với các sản phẩm xuất khẩu.

Phạm Khánh Phong Lan

Hiện nay vẫn đánh giá đa tiêu chí, cũng chưa có một phương thức tính toán nào để đưa ra con số cụ thể thực trạng tỷ lệ người dân được dùng thực phẩm sạch. Nhưng tôi đặt mục tiêu phải cải thiện được tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm thể hiện ở tỷ lệ sử dụng sản phẩm chuỗi thực phẩm an toàn. Sự phát triển mô hình chợ, cửa hàng an toàn, kết quả truy xuất nguồn gốc trên các nhóm hàng và tỷ lệ kéo giảm các vụ ngộ độc thực phẩm...

Theo bà, khó khăn lớn nhất trong việc quản lý an toàn thực phẩm là gì? Bà có đề xuất gì với lãnh đạo thành phố trong việc hỗ trợ BQL thực hiện tốt nhiệm vụ không?

Để kiểm soát tận gốc thực phẩm, nhất là nông sản đòi hỏi phải có sự quan tâm, vào cuộc của các địa phương khác. Rất mong lãnh đạo thành phố theo sát việc thực hiện cam kết giữa các địa phương. Việc cung ứng thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, chợ chiều của công nhân có rất nhiều nguy cơ do giá rẻ, chất lượng thấp, cần được quan tâm đầu tư chính sách thỏa đáng.

Trước đây, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm được coi là “cha chung không ai khóc”, khi có một vụ việc xảy ra thì cả 3 ngành “đá bóng” trách nhiệm cho nhau, nay đã gom về một mối, theo bà quả bóng trách nhiệm sẽ như thế nào?

Trách nhiệm thuộc về chúng tôi nên không có tình trạng “đá bóng” nữa. Ban quản lý an toàn thực phẩm sẽ là đầu mối xử lý thông tin, tham mưu chính sách, triển khai pháp luật về an toàn thực phẩm như đã quy định rất chi tiết trong Quy chế hoạt động của Ban đã được Chủ tịch UBND TPHCM ký ban hành.

Ý thức và nhận thức người dân được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Bà sẽ làm gì để tác động vào ý thức của những người kinh doanh cũng như tiêu thụ thực phẩm?

Chúng tôi tăng cường đưa thông tin đến người dân thành phố qua nhiều hình thức. Thí dụ như trang web của Ban sẽ cập nhật các hoạt động: công khai các cơ sở vi phạm, cũng như các chuỗi thực phẩm an toàn, các cơ sở đạt chuẩn. Chúng tôi cũng tăng cường phổ biến kiến thức lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn, bảo đảm dinh dưỡng cho người dân. Phải huy động sức mạnh của tất cả các tổ chức quần chúng, trong đó có Mặt trận Tổ quốc, Đoàn TNCS, Hội LHPN... Vì ý thức của từng người dân mới đóng vai trò quyết định trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, chứ không phải là cơ quan quản lý, dù lực lượng thanh tra có hùng hậu tới đâu.

Cảm ơn bà.

Lê Nguyễn (ghi)

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/tong-quan-mam-com-12-trieu-dan-o-tphcm-het-noi-de-da-bong-trach-nhiem-1129077.tpo