Tổng thống Erdogan: Mỹ và Nga cùng dùng ''tiêu chuẩn kép''

Thổ Nhĩ Kỳ bị từ chối tại bàn đàm phán hòa bình Syria tại Geneva đã trở mặt với Nga và Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ tố cả Nga và Mỹ hành xử “hai mặt”

Ngày 1/2, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn phát biểu của Tổng thống Erdogan khi ở thăm Santiago (Chile) cho biết, Nga và phương Tây đều không thật tâm chống khủng bố và cả hai đếu áp dụng “những tiêu chuẩn kép”.

“EU cho đến giờ vẫn không hành xử một cách chân thành. Họ còn đang cho phép một số đại diện của đảng Công nhân người Kurd (PKK) tới phát biểu ở Hội đồng châu Âu… Thử nhìn xem, tất cả số vũ khí mà lực lượng an ninh thu giữ gần đây ở khu vực Đông Nam đều có nguồn gốc từ Nga.

Trước đó, chúng tôi có cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Lực lượng bảo vệ người Kurd (PYD). Họ đáp lại thế nào? PYD, YPG (đảng Liên minh người Kurd tại Syria) đang chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố IS. Cùng lúc, chúng tôi cũng là người Nga cũng đang tham chiến. Rồi thì phải gọi Nga là ‘người tốt’?”, ông Erdogan nhấn mạnh.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng lớn tiếng chỉ trích việc giới lãnh đạo phương Tây đang nhầm lẫn về PYD dựa trên khái niệm có “khủng bố tốt và khủng bố xấu” trong khi trên thực tế chỉ có một.

“PYD lẫn YPG cần phải bị liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố, vì đây cũng là các tổ chức tương tự như IS hay al-Qaeda. PKK tồn tại ở Mỹ hay EU thì đương nhiên Washington và Brusells đều xem đây là lực lượng ngoài vòng pháp luật.”, Tổng thống Erdogan khẳng định.

Chưa dừng lại, người đứng đầu chính phủ Ankara cũng bày tỏ sự thất vọng với vai trò của Mỹ trong liên minh chống IS khi Washington không tỏ rõ quyết tâm trong vấn đề ra đi của tổng thống Assad để giải quyết tình hình căng thẳng tại quốc gia Trung Đông này.

Thổ Nhĩ Kỳ tố Nga và Mỹ hai mặt khi thăm Chi Lê.

“Sự thật là lực lượng liên minh đã không cho thấy quyết tâm như những gì mà Nga thể hiện (trong nỗ lực bảo vệ ông Assad tại vị). Liên hợp quốc cũng nên hành động. Thế nhưng họ không làm vậy. Chúng tôi tin rằng mở đường cho một người phản bội như ông Assad không phải là một cách làm đúng”, ông Erdogan thẳng thắn với Mỹ.

Trong bài phát biểu nhân chuyến thăm Santiago, ông Erdogan cũng hướng mũi nhọn dư luận vào phía Nga khi cho rằng những căng thẳng giữa Moskva –Ankara thời gian qua là do chính sách gây hấn của điện Kremlin.

“Lấy ví dụ, có một quả tên lửa bắn đi từ biển Caspi nhằm vào Syria và không nổ tung (trên không); nhưng nó cũng có thể nổ và cái giá khi đó sẽ rất nặng nề. Thật không may, trong những vấn đề như vậy người Nga không tính đến", ông Erdogan gay gắt.

Có thể thấy rằng Ankara đang tỏ thái độ gay gắt với Nga và Mỹ xung quanh vấn đề hòa bình tại Syria cũng như những căng thẳng sẵn có với Moskva. Phát biểu trong chuyến thăm Santiago của Tổng thống Erdogan được coi là mang nhiều mục đích chính trị.

Thổ Nhĩ Kỳ trở mặt vì bị từ chối đàm phán hòa bình Syria?

Giới phân tích cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Thổ Nhĩ Kỳ tỏ thái độ gay gắt với Mỹ và Nga trong chuyến thăm nhà nước đến Santiago (Chile). Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do cuộc đàm phán hòa bình tại Syria không được thực hiện theo ý muốn của Ankara. Điều này không phải là không có cơ sở.

Hôm 24/1, Moskva và Washington đã đạt được sự đồng thuận với nhau về thành phần tham dự phiên đàm phán hòa bình của Syria.

Theo Bloomberg, đặc phái viên của LHQ về Syria, Staffan de Mistura, sẽ mời đến Geneva, Thụy Sĩ hai đoàn đại biểu riêng biệt của phe đối lập Syria.

Các nguồn tin của Bloomberg cho biết, Nga đã phản đối sự hiện diện của một lực lượng dân quân Hồi giáo cực đoan - Quân đội Hồi giáo (Army of Islam) - trong phái đoàn đối lập do Saudi tài trợ và được sự ủng hộ của Mỹ.

Sự nhân nhượng giữa Mỹ, Nga khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng hơn bao giờ hết, đặc biệt khi Ankara bị cự tuyệt tại đàm phán hòa bình về Syria

Phía Moskva đã yêu cầu những lực lượng đối lập ôn hòa tham gia các cuộc đàm phán, bao gồm Qadri Jamil, cựu phó thủ tướng Syria, và Saleh Muslim, thủ lĩnh Đảng Liên minh Dân chủ của người Kurd tại Syria (PYD).

Để có một giải pháp thỏa hiệp, Nga sẽ không phản đối đại diện nhóm quân đội Hồi giáo xuất hiện tại các cuộc đàm phán để đổi lấy một phái đoàn riêng biệt do phía Nga đề xuất.

Trước thông tin này, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối gay gắt về thành phần người Kurd và cho rằng điều này sẽ khiến cuộc đàm phán rơi vào bế tắc, thất bại.

Hôm 23/1, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thủ tướng Ahmet Davutoglu cho biết, YPG đang ngày càng trở thành một mối nguy đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tong-thong-erdogan-my-va-nga-cung-dung-tieu-chuan-kep-3299575/