Tổng thống Mỹ đối mặt với sức ép lớn về Syria tại G20

VOV.VN - Nhiều nhà lãnh đạo cho rằng dự định can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria có thể làm tổn hại kinh tế toàn cầu và làm tăng giá dầu.

Căng thẳng về cuộc xung đột Syria đã phủ bóng lên nội dung thảo luận của Hội nghị Thượng đỉnh G20. Thay vì cố gắng tìm ra được sự đột phá, các nhà lãnh đạo lại dành nhiều thời gian để khẳng định lại lập trường của mình trong các bài phát biểu.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hi vọng tranh thủ các cuộc đối thoại tại Hội nghị lần này để kêu gọi sự ủng hộ đối với kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria.

Tuy nhiên, Ông Obama lại phải chịu sức ép lớn về quyết định đối với Syria, không chỉ từ phía Nga mà còn nhiều nước khác trên thế giới tại hội nghị lần này.

Quá khó để ông Obama tìm được tiếng nói chung (Ảnh Reuters)

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, quốc hội Mỹ không có quyền thông qua việc sử dụng vũ lực nhằm vào Syria mà không có sự ủng hộ từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nếu được thực hiện, đây sẽ là một hành động gây hấn.

“Chúng tôi đang hướng đến các cuộc thảo luận tại quốc hội Mỹ về việc sử dụng vũ lực tại Syria. Không có quốc hội nào trên thế giới lại có thể thông qua một quyết định như thế”, ông Putin khẳng định.

“Họ thông qua điều gì? Họ đang thông qua một hành động gây hấn, bởi vì tất cả những gì không phù hợp với nghị định khung của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cũng là gây hấn, ngoại trừ tự vệ. Syria không tấn công Mỹ, vì thế chúng ta không thể nói về sự tự vệ”.

Lãnh đạo các nước Nhóm các nước mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) bày tỏ lo ngại cuộc tấn công nhằm vào Syria sẽ tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi.

Trung Quốc- một nước có lá phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho rằng, giải pháp chính trị là cách duy nhất để giải quyết vấn đề Syria. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bác bỏ sự tham gia của nước này trong bất cứ cuộc không kích nào nhằm vào Syria, đồng thời nhận định, khó có cơ hội cho sự thỏa hiệp giữa Nga và Mỹ về vấn đề Syria.

Một đồng minh của Mỹ - Anh trước đó cũng khẳng định, không tham gia chiến dịch can thiệp của Mỹ. Các nhà lãnh đạo Liên Minh châu Âu nhấn mạnh, giải pháp quân sự không phải là cách đúng đắn để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy khẳng định: “Không có giải pháp quân sự đối với cuộc xung đột tại Syria. Chỉ có một giải pháp chính trị mới có thể chấm dứt được xung đột, tình trạng vi phạm nhân quyền và sự phá hủy đối với Syria. Đã có quá nhiều mất mát. Người dân Syria cần phải bảo vệ cơ hội để khôi phục hòa bình, hòa giải và tái thiết đất nước”.

Trong khi các cường quốc vẫn chưa hàn gắn được bất đồng về Syria thì Liên Hợp Quốc tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực tìm ra một giải pháp hòa bình cho Syria thông qua việc tổ chức Hội nghị hòa bình quốc tế Geneve 2 tại Thụy Sỹ.

Phát biểu tại cuộc gặp với Đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab về Syria Lakhdar Brahimi hôm 6/9, Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, cung cấp nhiều vũ khí cho bất kỳ bên nào tại Syria cũng đều không phải là giải pháp: “ Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về vấn đề kinh tế thế giới, tình hình Syria đang được quan tâm bởi các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học và tình trạng nhân đạo xấu đi tại nước này.”

“Điều đó đòi hỏi tất cả các nhà lãnh đạo tập trung ý nguyện chính trị để giải quyết vấn đề. Đó là lí do Liên Hợp Quốc đang thúc đẩy tổ chức hội nghị Geneve 2. Không nên có giải pháp quân sự. Chỉ có giải pháp chính trị mới có thể mang lại hòa bình và chấm dứt đổ máu."

Trong hai ngày họp, Đặc phái viên Lakhdar Brahimi sẽ tổ chức các cuộc thảo luận bên lề Hội nghị G20 để thúc đẩy một hội nghị quốc tế nhằm chấm dứt cuộc nội chiến Syria.

Bất cứ quyết định nào về Syria tại hội nghị lần này sẽ không có tính ràng buộc. Mặc dù nhận được sự ủng hộ tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ liên quan đến quyết định về Syria, nhưng rõ ràng những tuyên bố của các nước tại G20 này cho thấy Tổng thống Obama đang phải chịu một sức ép lớn đối với quyết định của mình.

Cách đây không lâu trong Hội nghị nhóm các nước phát triển G8 vào tháng 6 vừa qua tại Bắc Ireland, Tổng thống Nga Putin dường như bị cô lập về vấn đề Syria, song theo giới quan sát, tình thế hiện nay đã có sự thay đổi./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/tong-thong-my-doi-mat-voi-suc-ep-lon-ve-syria-tai-g20/279421.vov