Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất: Hàn Quốc đối mặt nhiều thách thức

Quyết định phế truất bà Park Geun-hye của Tòa án Hiến pháp hôm 10/3 đã tạo bước ngoặt, giúp chấm dứt thời kỳ khủng hoảng chính trị của Hàn Quốc, song vẫn chưa thể đem lại giải pháp cho những vấn đề nhức nhối của quốc gia này.

Tòa án Hiến pháp ra phán quyết phế truất bà Park Geun-hye hôm 10/3.

Phán quyết lịch sử

Sáng 10/3, quyền Chánh án Lee Jung-mi của Tòa án Hiến pháp đã tuyên bố giữ nguyên quyết định luận tội bà Park Geun-hye mà Quốc hội đã đưa ra hồi tháng 12/2016. Điều này đồng nghĩa với việc bà Park buộc phải rời khỏi vị trí trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 2/2018 và trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc bị bãi nhiệm. Theo Tòa án Hiến pháp, hành vi vi phạm luật pháp và Hiến pháp của bà Park trong vụ bê bối liên quan đến bạn lâu năm Choi Soon-sil từ cuối năm 2016 đủ để phế truất bà khỏi cương vị Tổng thống vĩnh viễn. Các công tố viên Hàn Quốc đã chuẩn bị tổng cộng 13 cáo trạng nhắm vào bà Park, trong đó có hành vi lạm dụng quyền lực, ép buộc gây quỹ và tiết lộ bí mật quốc gia.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/3, chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc đã tăng 6,29 điểm, tương đương tăng 0,3%. Giới quan sát nhận định, tâm lý của các nhà đầu tư tăng lên đáng kể, trước kỳ vọng chính phủ sớm đưa ra biện pháp ổn định nền kinh tế.

Sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp, bà Park Geun-hye sẽ không được hưởng lương hưu hay các khoản tiền trợ cấp khác. Mặt khác, bà Park cũng nghiễm nhiên mất quyền miễn trừ dành cho Tổng thống và phải chuẩn bị mọi hồ sơ, tài liệu cho cuộc điều tra chống tham nhũng và bê bối thao túng quyền lực. Nhiều khả năng, bà Park sẽ bị truy tố vì hành vi cấu kết với bạn thân Choi - người bị cáo buộc nhận hối lộ và tham nhũng sau khi gây sức ép buộc nhiều tập đoàn lớn (chaebol) ở Hàn Quốc đưa tiền nhằm đổi lấy những lợi ích trong hoạt động kinh doanh.

Giải quyết những thách thức

Quyết định phế truất bà Park Geun-hye của Tòa án Hiến pháp được đưa ra trong bối cảnh, Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài. Hiện, an ninh Hàn Quốc đang phải đương đầu với nguy cơ từ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên. Gần đây nhất, Bình Nhưỡng đã phóng thử liên tiếp 4 tên lửa đạn đạo, 3 trong số đó được xác định rơi xuống vùng biển của Nhật Bản. Tuy nhiên, tuyên bố "Mỹ tiếp tục là đồng minh, đối tác vững chắc của Hàn Quốc" của người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Hàn Quốc ngay sau khi phiên tòa kết thúc là cam kết hỗ trợ mạnh mẽ của Washington dành cho Seoul. Trước đó, bất chấp những bất ổn chính trị trong và ngoài nước, chính quyền Mỹ - Hàn khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao (THAAD) “càng sớm, càng tốt”.

Người dân ăn mừng phán quyết phế truất bà Park Geun-hye của Tòa án Hiến pháp hôm 10/3.

Trong khi đó, nền kinh tế Hàn Quốc đã chìm trong cuộc khủng hoảng suốt một thời gian dài do thiếu vắng sự hiện diện của lãnh đạo trong việc đưa ra các chính sách điều hành quan trọng. Bất ổn về chính trị đã buộc các DN phải hoãn kế hoạch đầu tư kinh doanh năm 2017, bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình tỏ ra lo ngại đối với vấn đề chi tiêu. Theo nhận định của các nhà quan sát, Hàn Quốc cần tích cực khắc phục những khó khăn đối với nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hành động “trả đũa” nhằm vào ngành du lịch và thương mại, do Seoul triển khai THAAD. Ngoài ra, Hàn Quốc có thể phải đối mặt với nguy cơ “rạn nứt lớn” trong xã hội, nếu những người phản đối việc phế truất bà Park Geun-hye không chấp nhận phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Hàn Quốc – vốn đang phải đương đầu với nhiều khó khăn từ trong và ngoài nước.

Đảng cầm quyền thất thế

Trước tình cảnh rối ren của chín quyền, lãnh đạo tạm thời In Myung-jin của đảng Hàn Quốc tự do cầm quyền (LKP) đã công khai xin lỗi, vì không hoàn thành nghĩa vụ là một đảng cầm quyền, không bảo vệ được vị thế và niềm kiêu hãnh của Hàn Quốc do người dân tạo nên. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp về việc phế truất bà Park một lần nữa trở thành “đòn giáng mạnh” và khiến đảng cầm quyền “thất thế” trong cuộc chạy đua vào Nhà Xanh tới đây.

Một cuộc bầu cử sớm sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày tới sẽ mở ra cơ hội cho chính trường Hàn Quốc. Theo kết quả cuộc thăm dò gần đây do hãng Gallup thực hiện, ứng cử viên Tổng thống Moon Jae-in – cựu lãnh đạo đảng Dân chủ ghi nhận mức tăng khả quan, khi có tới 32% số người được hỏi hy vọng ông Moon sẽ dành chiến thắng trong cuộc tranh cử Tổng thống. Tuy nhiên nếu Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn quyết định tham gia cuộc đua vào Nhà Xanh, ông Hwang sẽ phải từ chức vào ngày 9/4 theo quy định và để lại một khoảng trống trong chính quyền, gây ra nhiều rối ren trong quá trình điều hành đất nước.

Box: Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn, tiếp tục là người lãnh đạo đất nước và điều hành cuộc bầu cử tới. Trước ngày 20/3, ông Hwang phải nộp kế hoạch triển khai kỳ bầu cử trước thời hạn. Theo quy định, bầu cử Tổng thống phải được tổ chức trước ngày 9/5, tức 60 ngày sau khi bà Park bị phế truất.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tong-thong-park-geun-hye-bi-phe-truat-han-quoc-doi-mat-nhieu-thach-thuc-282540.html