Tổng thư ký NATO chìa “cây gậy và củ cà rốt” với Nga

QĐND - Tân Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Gien Xtôn-ten-bớc (Jens Stoltenberg) ngày 6-10 đã cùng lúc chìa “cây gậy” và “củ cà rốt” về phía Nga, khi nói rằng liên minh quân sự này muốn có các mối quan hệ xây dựng với Mát-xcơ-va ngay cả khi NATO tăng cường hiện diện tại các quốc gia thành viên ở Đông Âu.

Phát biểu với nhật báo "Gazeta Wyborcza" khi đang ở thăm Ba Lan, ông Gien Xtôn-ten-bớc nhấn mạnh, NATO sẽ tôn trọng các cam kết quốc tế, trong đó có cả thỏa thuận hậu Chiến tranh Lạnh với Nga về việc triển khai quân sự của phương Tây tại các quốc gia từng thuộc Liên Xô (trước đây). Ông Gien Xtôn-ten-bớc nói: "Không có sự trái ngược nào giữa một NATO hùng mạnh và việc tạo dựng các quan hệ xây dựng với Nga. Điều đó xuất phát từ kinh nghiệm chính trị của tôi. Na Uy là một quốc gia nhỏ bé giáp với Nga, song bất chấp điều đó, có lẽ ngay cả trong giai đoạn lạnh giá nhất của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chúng tôi vẫn có thể hợp tác về vấn đề năng lượng, ngư nghiệp và phân định hải giới".

Tân Tổng thư ký NATO Gien Xtôn-ten-bớc phát biểu tại cuộc họp báo ở Vác-xa-va (Ba Lan) ngày 6-10. Ảnh: Roi-tơ

Đây không phải là lần đầu tiên tân Tổng thư ký NATO tự tin cho rằng, không có mâu thuẫn nào NATO và Mát-xcơ-va bất chấp những biến động ở U-crai-na thời gian vừa qua. Trước đó, ngày 1-10, phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi trở thành lãnh đạo NATO thay thế người tiền nhiệm An-đơ P.Ra-xmu-xen (Anders Fogh Rasmussen), ông Gien Xtôn-ten-bớc khẳng định, ông không nhìn thấy sự mâu thuẫn giữa một NATO vững mạnh và các nỗ lực nhằm xây dựng một mối quan hệ với Nga, đồng thời nhấn mạnh trên thực tế “chỉ có một NATO vững mạnh mới có thể xây dựng mối quan hệ này”.

Theo giới phân tích, quan điểm của ông Gien Xtôn-ten-bớc trong vấn đề cải thiện quan hệ giữa phương Tây và Nga cho thấy một xu hướng mềm mỏng hơn so với thái độ khá cứng rắn nhưng không được lãnh đạo một số quốc gia thành viên ủng hộ của người tiền nhiệm, cựu Thủ tướng Đan Mạch An-đơ P.Ra-xmu-xen (Anders Fogh Rasmussen). Hồi tháng 4, NATO đã đình chỉ tất cả quan hệ hợp tác với Nga nhằm phản đối nước này sáp nhập bán đảo Crưm. Mặc dù, cơ chế đối thoại chính trị giữa NATO và Nga không bị hủy bỏ nhưng đại sứ hai bên chỉ gặp nhau vỏn vẹn hai lần kể từ khi cuộc khủng hoảng U-crai-na bùng nổ. Đặc biệt trong những tháng gần đây, ông A.P.Ra-xmu-xen vẫn luôn cáo buộc Nga "phá hủy môi trường an ninh ở châu Âu", cũng như không hình dung hai bên có thể sớm hòa giải.

Do đó, theo nhận định của tờ Nhật báo Phố Uôn (Mỹ), cách tiếp cận mới của ông Gien Xtôn-ten-bớc có thể sẽ được một số quốc gia chủ chốt trong NATO ủng hộ nhằm giảm bớt áp lực đối với liên minh khi cùng lúc đối mặt hàng loạt vấn đề bao gồm giải quyết cuộc khủng hoảng tại U-crai-na, tình hình an ninh ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, tương lai chưa đoán định của Áp-ga-ni-xtan, mối đe dọa từ cuộc chiến không gian mạng và vấn nạn hải tặc.

Thế nhưng, vừa “chìa củ cà rốt” ra với Mát-xcơ-va, tân Tổng thư ký NATO cũng không quên đưa kèm luôn “chiếc gậy” khi tuyên bố, liên minh quân sự này có thể triển khai lực lượng ở bất kỳ đâu, nếu muốn, vì thỏa thuận hậu Chiến tranh Lạnh đã bị làm lung lay sau hành động của Nga ở Crưm và U-crai-na. Kênh TVP Info dẫn lời ông Gien Xtôn-ten-bớc cho hay: "Năm tới, tại cuộc họp cấp bộ trưởng, các nhà lãnh đạo NATO sẽ đưa ra các quyết định liên quan tới lực lượng phản ứng nhanh. Chúng tôi có thể triển khai quân ở bất kỳ nơi nào chúng tôi muốn".

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO cách đây một tháng, các lãnh đạo NATO đã nhất trí thành lập một lực lượng phản ứng nhanh "mũi nhọn" có thể được đưa tới một “điểm nóng” chỉ trong vài ngày, đồng thời chuẩn bị trước trang thiết bị và quân nhu để các nước Đông Âu tiếp nhận lực lượng này nếu cần thiết. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đã từ chối yêu cầu của các nước thành viên NATO ở Đông Âu, trong đó có Ba Lan, về việc đồn trú thường trực hàng nghìn quân ở khu vực này, một phần là do không muốn phá vỡ hiệp ước được ký năm 1997, theo đó NATO đã cam kết với Nga rằng, tổ chức này sẽ không đồn trú lâu dài các lực lượng tác chiến ở Đông Âu.

LINH OANH

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/binh-luan-quoc-te/tong-thu-ky-nato-chia-cay-gay-va-cu-ca-rot-voi-nga/325304.html