Top 10 vũ khí nổi tiếng nhất của công nghiệp quân sự Ấn Độ

Trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây, công nghệ quân sự Ấn Độ đã đạt được những thành tựu vượt bậc, vũ khí hiện đại do Ấn Độ chế tạo nội địa đã có mặt trong tất cả các binh chủng hải, lục, không quân.

Trong những năm gần đây, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ đã bị chỉ trích vì các dự án bị kéo dài và chi phí duy trì chúng, dẫn tới việc Ấn Độ phải nhập khẩu vũ khí để đáp ứng 70% nhu cầu phòng thủ của mình. Vũ khí nội địa đáp chỉ đáp ứng 30% còn lại.

Tên lửa đạn đạo do Ấn Độ chế tạo rời bệ phóng thử

Dù thế, theo chính sách “chế tạo tại Ấn Độ”, DRDO đã thành công trong nhiều dự án nghiên cứu, phát triển và chế tạo vũ khí nội địa. Các hệ thống điện tử hàng không, UAV, các hệ thống tên lửa, sonar, hệ thống chỉ huy và kiểm soát, tàu ngầm hạt nhân và tàu chiến tàng hình... ra đời đã khẳng định Ấn Độ có thể chế tạo vũ khí đạt tầm tiên tiến trên thế giới.

Dưới đây là 10 loại vũ khí tiên tiến được “chế tạo tại Ấn Độ”.

1. Agni-V - tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni 5 do Ấn Độ chế tạo

Là một phiên bản mới trong dòng tên lửa Agni, Agni-V là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa có phạm vi tác xạ hơn 5.000 km. Tên lửa có kết cấu 3 tầng, sử dụng nhiên liệu rắn, đặt trên xe tải Tatra Truck. Trong vòng 5 phút từ thời điểm xác định mối đe dọa, hệ thống Agni-V có thể khai hỏa đáp trả. Mỗi quả tên lửa có thể mang 1 đầu đạn hạt nhân nặng 1,5 tấn.

Tên lửa này là thành quả lớn nhất của DRDO, là một phần của chiến lược răn đe hạt nhân của Ấn Độ. Có nguồn tin cho rằng DRDO đang phát triển loại đầu đạn hạt nhân có thể phân tách độc lập (MIRV) cho Agni-V.

Agni-V là kết quả của hơn 30 năm Ấn Độ nghiên cứu về công nghệ tên lửa.

2. INS Arihant - tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo

Tàu ngầm hạt nhân Arihant do Ấn Độ chế tạo

Sơ đồ tàu ngầm Arihant

Arihant là lớp tàu ngầm chạy bằng động cơ hạt nhân đầu tiên được Ấn Độ thiết kế và chế tạo, là một bước đột phá kỹ thuật lớn. Trước Ấn Độ, chỉ có 5 nước có khả năng tự chế tạo tàu ngầm hạt nhân.

Tàu đầu tiên của lớp, INS Arihant, xuất hiện lần đầu vào năm 2009 và bắt đầu thử nghiệm trên biển vào tháng 5/2014. Lớp tàu ngầm Arihant có thể mang tên lửa đạn đạo, hiện đang được chế tạo cho Hải quân Ấn Độ. Có kế hoạch đóng 4 tàu lớp này, dự kiến sẽ đi vào phục vụ từ năm 2023.

Arihant có bốn ống phóng thẳng đứng, có thể mang theo 12 tên lửa K-15 (3 tên lửa trong mỗi ống phóng), hoặc 4 tên lửa K-4 (1 tên lửa/ống). K-4 là tên lửa tầm xa (3.500 km) đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tàu ngầm được trang bị sonar USHUS (do DRDO phát triển) để phát hiện và theo dõi tàu ngầm, tàu mặt nước, và ngư lôi của địch. Sonar này còn được sử dụng để liên lạc dưới nước và tránh chướng ngại vật.

3. NIRBHAY – Tên lửa hành trình có tốc độ cận âm

Phóng thử Nirbay từ một tàu ngầm ở Balasore, Odisha.

Tên lửa Nirbhay đang trong hành trình.

Nirbhay là tên lửa hành trình tầm xa có độ chính xác, có tốc độ bay cận âm, tầm bắn 700 – 1.000 km, được phát triển bởi phòng thí nghiệm ADE ở Bangalore. Nó còn là loại tên lửa hoạt động được trong mọi thời tiết, nhưng lại có chi phí thấp. Tên lửa có tầm bắn hơn 1.000 km và có thể được phóng đi từ một bệ phóng di động. Là loại tên lửa có cánh, cánh ở trạng thái gập khi phóng và sẽ mở ra trong hành trình bay, Nirbay sẽ có nhiều biển thể khác nhau được chế tạo nhằm mục đích trang bị cho hải quân, lục quân và không quân Ấn Độ. Đặc biệt, đã có dự định trang bị Nirbhay cho máy bay Su-30MKI.

Nirbay có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được coi là loại vũ khí bổ sung cho BrahMos chỉ có tầm bắn 290 km. Nirbay có thể bay ở độ cao thấp – có khả năng bay bám địa hình, radar đối phương rất khó bám bắt nó.

Việc phát triển thành công Nirbay được cho là bước đột phá của Ấn Độ, không kém khi so sánh với Brahmos. Nirbay là tên lửa Ấn Độ 100%, được so sánh với Babur của Pakistan và Tomhawk của Mỹ. Khi được gắn trên tiêm kích Su-30 MKI, nó sẽ giúp tăng sức mạnh răn đe của Ấn Độ.

4. Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos

Mẫu tên lửa Brahmos II được trưng bày tại một triển lãm.

BrahMos là sản phẩm của BrahMos Aerospace – liên doanh giữa DRDO (Ấn Độ) và Phòng thiết kế tên lửa NPO Mashinostroyeniya (Nga). BrahMos là tên ghép từ tên sông Brahmaputra và sông Moskva.

Đây là tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới đã đi vào hoạt động. Tên lửa đạt tốc độ bay Mach 2,8 - 3,0. BrahMos ở phiên bản Block I đã có đủ 4 biến thể phóng từ trên không, trên mặt đất, trên tàu mặt nước và từ tàu ngầm, đưa Ấn Độ thành nước duy nhất trên thế giới có tên lửa hành trình siêu thanh trong lục quân, hải quân, và không quân.

Phiên bản BrahMos-II hiện đang được phát triển, dự kiến có tốc độ Mach 7 để tăng khả năng tấn công nhanh trên không, sẽ sẵn sàng cho thử nghiệm trong năm 2017.

Giống như BrahMos, tầm tấn công của BrahMos II cũng được giới hạn ở 290 km để tuân thủ quy định về kiểm soát công nghệ tên lửa toàn cầu. Tốc độ Mach 7 của block II hơn gấp đôi tốc độ của tên lửa BrahMos block I, và là tên lửa siêu thanh nhanh nhất thế giới.

5. UAV chiến đấu tầm trung RUSTOM-II

UAV_RUSTOM-II

UAV chiến đấu không người lái (UCAV) tầm trung RUSTOM-II được phát triển bởi Aeronautical Development Establishment (trụ sở chính ở Bangalore) cho các lực lượng vũ trang Ấn Độ, dựa trên dòng UAV Mỹ Predator.

RUSTOM-II là UAV đầu tiên của Ấn Độ mang được vũ khí, nó được trang bị tên lửa không đối đất tầm trung. Rustom-II xác định mục tiêu bằng hệ thống quang-điện tầm trung – xa tinh vi, thiết bị đo xa laser có độ phân giải cao.

Rustom-II được trang bị những hệ thống công nghệ tiên tiến, bao gồm hệ thống dẫn đường và điều khiển kỹ thuật số, tự động cất cánh và hạ cánh, hệ thống kết nối dữ liệu thông tin liên lạc kỹ thuật số giúp kiểm soát và vận hành UAV.

Thông số kỹ thuật chính: Trần bay: 6.700 mét; bán kính hoạt động: 300 km; tốc độ khi bay ở độ cao tối đa: 150 knot (278 km/h); thời gian bay liên tục: 15 giờ ; trọng lượng cất cánh tối đa: 800 kg.

6. Tên lửa Prithvi

Ấn Độ phóng thành công tên lửa đạn đạo siêu âm Prithvi-II.

Ấn Độ muốn thiết lập một hệ thống đa tầng phòng thủ nhằm bảo vệ đất nước trước tên lửa đạn đạo thù địch tấn công trong phạm vi 5.000 km. Đây là một dự án giàu tham vọng. Hiện có rất ít quốc gia trên thế giới có công nghệ tương tự.

Hệ thống phòng thủ hai tầng sử dụng 2 loại tên lửa khác nhau để đánh chặn, cụ thể là: Prithvi Air Defence (PAD) – tên lửa Prithvi sẽ đánh chặn ở độ cao khí quyển 50 - 80 km, và AAD – dùng loại tên lửa khác đánh chặn ở độ cao tối đa 30 km. 2 tầng “lá chắn” đó được kỳ vọng sẽ ngăn chặn bất kỳ tên lửa thù địch nào.

Hệ thống được triển khai bao gồm nhiều loại xe phóng, radar, các trung tâm kiểm soát nhiệm vụ... được phân tán về mặt địa lý và kết nối bằng một mạng lưới thông tin liên lạc được bảo mật.

7. Dự án tàu khu trục Project 15B

Tàu chiến INS Visakhapatnam được chế tạo theo Đề án 15B.

Ngày 20/4/2016, Hải quân Ấn Độ hạ thủy tàu khu trục tàng hình mang tên lửa INS Visakhapatnam được chế tạo theo Project 15B. Nó là tàu khu trục mạnh mẽ và tiên tiến nhất nhất do Ấn Độ tự đóng, có chiều dài 163 mét, và nặng 7.300 tấn, mang 8 tên lửa siêu âm chống hạm BrahMos, 32 tên lửa phòng không tầm trung-xa Barak-8 (sản phẩm do Ấn Độ và Israel hợp tác chế tạo), hệ thống radar cảnh báo đa chức năng, và ống phóng kép để phóng ngư lôi và rocket chống ngầm.

INS Visakhapatnam cũng là tàu chiến Ấn Độ duy nhất có hệ thống kiểm soát áp suất không khí tổng thể tạo khả năng phòng vệ NBC (tác hại hạt nhân, sinh học và hóa học) cho thủy thủ đoàn.

Ít nhất sẽ có 4 tàu được chế tạo theo dự án 15B.

8. Hệ thống phóng rocket đa nòng Pinaka

Hệ thống Pinaka phóng đạn

Được DRDO thiết kế cho quân đội Ấn Độ, Pinaka đã thể hiện được tính ưu việt ở các vùng lạnh và cao trong cuộc xung đột Kargil năm 1999. Có thể phóng đến 12 đạn tên lửa trong 44 giây, thời gian nạp lại đạn ngắn - 4 phút. Mỗi hệ thống phóng được gắn trên 1 xe tải Tatra 8×8, được nạp 12 tên lửa có tầm bắn từ 40 - 65 km.

Pinaka có một hệ thống dẫn đường quán tính (INS) rất tiên tiến, trong đó sử dụng một máy tính, cảm biến chuyển động và cảm biến xoay để tính toán vị trí, định hướng và chiều của mục tiêu chuyển động. Pinaka có khả năng làm việc trong các chế độ khác nhau, như tự điều khiển, chế độ độc lập, chế độ điều khiển từ xa và chế độ làm việc theo điều khiển của xạ thủ. DRDO cũng đang lắp hệ thống dẫn đường GPS trên các tên lửa, và phát triển các tên lửa tầm bắn xa tới 120km. Điều đáng ngạc nhiên là trong thực tế, Pinaka là rẻ hơn khoảng 10 lần so với loại tương tự của Mỹ là M270.

9. Tên lửa NAG và xe mang phóng NAMICA

Tên lửa NAG vừa rời xe phóng.

Hệ thống gồm xe xích Namica và tên lửa NAG được trưng bày trong triển lãm Defexpo năm 2008

4 tên lửa NAG đã được nạp vào bệ trên xe mang-phóng Namica.

Phiên bản mới nhất của hệ thống tên lửa chống tăng hiện đại NAG – Namica với 6 tên lửa được nạp sẵn

Được phát triển với chi phí 3 tỉ rupee, NAG là một tên lửa chống tăng "bắn-và-quên" do DRDO phát triển ở Ấn Độ. Được coi là tên lửa chống tăng duy nhất trên thế giới có một cấu trúc hoàn toàn bằng sợi thủy tinh, NAG nặng 42 kg, sử dụng hệ thống hình ảnh hồng ngoại để tìm mục tiêu, có tốc độ bay 230 mét/giây và có thể đánh trúng các mục tiêu cách khoảng 4 - 5 km.

NAMICA là xe chở kiêm bệ phóng tên lửa NAG, nó mang tối đa 12 tên lửa với 8 quả trong số đó trong chế độ sẵn sàng bắn. NAMICA là xe xích lưỡng cư, có khả năng lội nước tốt, mang ngoại hình giống dòng xe BMP của Nga.

10. Dhruv - Máy bay trực thăng hạng nhẹ tiên tiến

Dhruv là sản phẩm của Chương trình máy bay trực thăng hạng nhẹ đa chức năng được khởi xướng tháng 5 năm 1979 của Không quân và Hải quân Ấn Độ. Hãng HAL đã nhận được hợp đồng từ chính phủ Ấn Độ vào năm 1984 để phát triển Dhruv.

Dhruv từng được kỳ vọng là hệ thống vũ khí đầu tiên của Ấn Độ có thể được xuất khẩu với số lượng lớn. Năm 2004, HAL nói rằng họ hy vọng sẽ bán 120 chiếc Dhruvs trong 8 năm tiếp theo, và đã tổ chức triển lãm hàng không Dhruv airshows để giới thiệu nó.

Dhruv có đơn giá thấp hơn ít nhất 15% so với các đối thủ của mình. Loại trực thăng hạng nhẹ này đã được hơn 30 quốc gia ở Mỹ Latinh, châu Phi, Tây Á, Đông Nam Á và các quốc gia Thái Bình Dương quan tâm tìm hiểu.

Đỗ Minh (theo Indiandefence News)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/10-thanh-tuu-vu-khi-trang-bi-quan-su-noi-bat-nhat-cua-an-do-post209382.info