TP.HCM 'bó tay' với nạn lừa đảo giới thiệu việc làm?

Tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM diễn ra ngày 7.12, đại biểu đề cập gay gắt về việc nhiều người dân bị lừa đảo giới thiệu việc làm và cách khám chữa bệnh chặt chém, vẽ bệnh, hù dọa ở các phòng khám có 'bác sĩ Trung Quốc'.

Kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM diễn ra từ ngày 6.12 đến ngày 9.12 - Ảnh: PD

"Bó tay” với nạn lừa đảo?

Tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM diễn ra ngày 7.12, liên quan về những vấn đề dân sinh, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm phản ánh nhiều điều “mắt thấy tai nghe” từ cử tri.

Cụ thể, thời gian qua, nhiều người dân bị lừa đảo giới thiệu việc làm ở khu vực ngã tư An Sương (quận 12). Theo đó, các doanh nghiệp lừa đảo không đăng ký ngành nghề giới thiệu việc làm mà đăng ký loại hình doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Sau đó, họ tuyển dụng công khai trên mạng, quảng bá giới thiệu những công việc nhẹ nhàng, hấp dẫn, lương cao nhưng khi đến nơi thì doanh nghiệp bắt “ký quỹ”.

Tiền mà người dân phải bỏ ra để mua bảo hộ lao động, thẻ ra vào mỗi người từ 300.000 – 400.000 đồng nhưng thực tế công việc chỉ là bốc vác, tiền lương khá thấp.

Người lao động bức xúc đòi trả lại tiền đều không được, còn nếu trình báo cơ quan chức năng thì cũng không có giấy tờ hợp đồng nào để chứng minh. Hơn nữa, các doanh nghiệp này đổi tên liên tục nên chính quyền cũng khó khăn khi xử lý.

“Người dân đặt vấn đề là không lẽ chính quyền TP bó tay với các đối tượng lừa đảo?” bà Trâm nêu câu hỏi.

Thêm một kiểu lừa đảo nữa đó là cách khám chữa bệnh chặt chém, vẽ bệnh, hù dọa ở các phòng khám có “bác sĩ Trung Quốc”.

Theo đại biểu Tố Trâm, các phòng khám này đã tồn tại khá lâu, báo chí đã phản ánh rất nhiều thế nhưng các cơ sở vẫn hiện vẫn lộng hành, lừa đảo bệnh nhân.

“Cơ quan quản lý là Sở Y tế TP.HCM lại dường như không có biện pháp căn cơ trước thực trạng này. Chẳng lẽ cơ quan chức năng đành bó tay sao?”, đại biểu Tố Trâm chất vấn.

Lượng khách giảm, xe buýt vẫn trợ giá nghìn tỉ

Trong khi đó, một vấn đề khác làm nóng hội trường là việc trợ giá xe buýt chưa có hiệu quả.

Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy hỏi rằng việc trợ giá có giúp nâng chất lượng dịch vụ và tính hiệu quả của xe buýt hay không? Bởi lẽ hiện tại, chỉ những đối tượng không có cách nào sử dụng xe cá nhân mới đi xe buýt. Tỷ lệ người đi xe buýt năm sau luôn giảm so với năm trước, trong khi năm nào ngân sách TP cũng phải chi hàng nghìn tỉ đồng để trợ giá.

“Xe buýt chưa tạo ra hứng khởi cho đối tượng người có khả năng di chuyển bằng xe máy, họ không bao giờ có mong muốn đi xe buýt. Sở Giao thông – Vận tải đã khảo sát và tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng trên để tìm ra giải pháp hay chưa?”, bà Thúy hỏi.

Đại biểu này nói vấn đề nhiều người rất quan tâm là làm sao giảm chi, nuôi dưỡng nguồn thu. Do đó về ngắn hạn, bà Thúy đề nghị nên trợ giá cho người trực tiếp sử dụng xe buýt thay vì trợ giá cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải công cộng như hiện nay. Việc trợ giá cho doanh nghiệp xe buýt đang làm cho TP phải gánh một chi phí lớn và tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, không cải tiến dịch vụ.

Trước câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Bùi Xuân Cường cho biết hiện nay học sinh, sinh viên, công nhân là nhóm chính đi xe buýt.

Trong năm 2016, Sở đã đầu tư đổi mới xe buýt và hiện đã có hơn 1.200 xe được lắp đặt camera nhằm phục vụ công tác giám sát, quản lý. Thời gian tới, Sở này sẽ tập trung triển khai nhiều nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xe buýt.

Theo ông Cường, hiện nay TP.HCM đang khai thác 142 tuyến xe buýt, trong đó có 107 tuyến có trợ giá, tăng 6 tuyến so với năm 2015, và hiện có 25 doanh nghiệp vận tải tham gia vận tải xe buýt. Thế nhưng năm 2016 là năm thứ 3 liên tiếp lượng hành khách đi xe buýt giảm số lượng.

Nói tới đây, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải đi thẳng vào vấn đề là vì sao lượng hành khách tham gia xe buýt giảm.

Về vấn đề này, ông Cường cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến sản lượng khách đi xe buýt giảm. Cụ thể như TP chưa đầu tư nhiều phương tiện mới; chính sách hạn chế xe cá nhân chưa thực hiện được; chưa kết nối mạng lưới xe buýt với phương tiện vận tải công cộng khác..

Về vấn đề trợ giá, ông Cường cũng đồng tình với quan điểm trợ giá trực tiếp cho hành khách chứ không theo tuyến như hiện nay. Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải nói đang nghiên cứu về phương pháp trợ giá nhưng việc thực hiện còn chậm. Nếu muốn trợ giá cho hành khách thì TP phải đưa vé thông minh vào sử dụng và nghiên cứu chính sách cho đồng bộ với việc sử dụng thẻ thông minh.

Phan Diệu

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/tphcm-bo-tay-voi-nan-lua-dao-gioi-thieu-viec-lam-50599.html