TP.HCM: Cả quý I/2024 chỉ có thêm 1 dự án nhà ở mới

Thông tin trên được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra trong báo cáo mới đây về thị trường nhà ở thành phố.

Nguồn cung nhà ở tại TP.HCM đang suy giảm nghiêm trọng do vướng pháp lý. Ảnh: Bình Minh.

Nguồn cung nhà ở tại TP.HCM đang suy giảm nghiêm trọng do vướng pháp lý. Ảnh: Bình Minh.

Theo HoREA, Trong quý I/2024, TP.HCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” với diện tích 3.647,4 m2 và chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại (cũ) đã hoàn thành đầu tư xây dựng với quy mô 219 căn hộ; không có dự án nhà ở thương mại nào đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai và có 62 dự án nhà ở thương mại (dự án cũ) đang triển khai với 28.462 căn hộ.

Trong quý I/2024, cũng không có dự án nhà ở xã hội nào được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy phép xây dựng; chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội (dự án cũ) đã hoàn thành với 242 căn hộ và đang triển khai thực hiện 07 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (dự án cũ) với 4.996 căn hộ.

Do vậy từ nay đến cuối năm 2024, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ còn tiếp tục mất cân đối “cung - cầu” nhà ở, thiếu hụt nguồn cung nhà ở, dẫn tới hệ quả giá nhà có thể bị đẩy lên cao hoặc “neo giá cao”, nhất là vẫn “lệch pha” về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân, nhà ở xã hội.

Cũng trong báo cáo này, HoREA đã đưa ra hai kịch bản cho thị trường. Cụ thể:

Trường hợp 1: Nếu được “tiếp sức” bằng việc tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ cho phép áp dụng Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 kể từ ngày 01/07/2024 và xem xét thông qua 02 dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội (gồm “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở” và “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với đối tượng thí điểm là các dự án đầu tư công nhóm B, C”), đồng thời với việc Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, sát với thực tiễn thì sẽ xử lý được hầu hết các vướng mắc pháp lý (vốn đang chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản) của 148 dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người dân, nhà đầu tư và vừa có tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản từ khoảng cuối năm 2024 trở đi.

Trường hợp 2: Nếu Quốc hội không cho phép áp dụng sớm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 kể từ ngày 01/07/2024 thì sẽ có tác động làm chậm tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản, chậm thêm khoảng 6 tháng.

Nếu Quốc hội không thông qua dự thảo “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở” thì sẽ dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản tiếp tục thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại và tiếp tục tình trạng “lệch pha” sản phẩm nhà ở, thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá vừa túi tiền và tình trạng giá nhà bị đẩy lên cao hoặc “neo” giá cao vẫn duy trì, tác động bất lợi đến mục tiêu phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Bình Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tphcm-ca-quy-i2024-chi-co-them-1-du-an-nha-o-moi-post345303.html