TP.HCM chống ngập kiểu thí điểm đến bao giờ?

Nửa thập kỷ qua, người dân TP.HCM đang từng ngày, từng giờ mong các dự án chống ngập bài bản, bền lâu được đưa vào ứng dụng để giải quyết tình trạng ngập ngày càng leo thang, thì nhận lại được toàn các dự án… thí điểm. Thí điểm chống ngập đến bao giờ là câu hỏi bức xúc mà dư luận đang đặt ra với các cơ quan chức năng, bởi ngập không thể chờ được nữa rồi.

Thí điểm cũng chỉ là… thí điểm

Không kể các dự án thí điểm chống ngập trước đây, chỉ nhìn vào hai dự án thí điểm chống ngập gần đây đang được “bơm” lên thành cách thoát ngập cho TP.HCM trong thời gian tới, mà người dân, chuyên gia không khỏi lo lắng. Cụ thể, hồ điều tiết chống ngập thông minh sức chứa hơn 100m3 nước, đặt ngầm trước nhà thiếu nhi quận Thủ Đức, do công ty Sekisui của Nhật và đối tác Việt Nam là công ty VMC Group đưa vào vận hành ngày 10.8, được chủ đầu tư khẳng định “sẵn sáng đón mưa”, rồi những chiếc ôtô trọng tải dưới 25 tấn hoàn toàn có thể đậu trên mặt hồ này; nguồn nước mưa chảy xuống hồ cũng được tận dụng đến 95%, để phục vụ cho mục đích tưới cây xanh và phòng cháy chữa cháy…

Hồ điều tiết chống ngập thông minh sức chứa hơn 100 m3 nước, đặt ngầm trước nhà thiếu nhi quận Thủ Đức, chỉ có thể chống ngập cục bộ, không phải là giải pháp toàn diện.

Tương tự, siêu máy bơm chống ngập cho “trung tâm ngập” đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng được chủ đầu tư công bố công suất của hệ thống bơm có thể lên đến 96.000m3/giờ và có thể đánh bay “rốn ngập”. Tổng giám đốc công ty CP tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, chủ đầu tư, khẳng định, khi đưa vào thí điểm, hệ thống máy bơm được gắn vào đường ống thoát nước của đường Nguyễn Hữu Cảnh và bơm ra sông Sài Gòn. Đặc biệt, siêu máy bơm có thể điều chỉnh công suất tuỳ theo mực nước trong đường cống để bảo đảm vận hành liên tục. “Chúng tôi cam kết không hết ngập sẽ không lấy tiền”, nhà đầu tư khẳng định khi trao đổi với bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác đến thăm công trường.

Trả lời trên truyền thông, ông Bùi Văn Trường, trưởng phòng quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TPHCM, cho rằng đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập do mưa. Mặt khác, hệ thống cống được lắp đặt trên nền đất yếu nên bị lún xuống và võng theo, nhiều vị trí bị xô lệch khiến nước thoát ra cửa xả rất chậm. Công suất của siêu máy bơm cao sẽ giúp bơm nước nhanh hơn, nhưng nước có dồn về đủ công suất của máy bơm hay không mới quan trọng. “Nguyên tắc làm hố bơm thì phải có hầm lưu nước để nước dồn về rồi mới bơm ra ngoài, chứ không gắn trực tiếp vào đường cống thoát nước”, ông Trường nhận định và cho biết trong các văn bản góp ý, công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP.HCM đã khuyến cáo khi bơm trực tiếp trong lòng cống với tốc độ lấy nước cao, có thể bị xói lở ở các mối nối giữa các cống, dẫn đến sụp đường.

Còn các chuyên gia nhận định hồ điều tiết ở đường Võ Văn Ngân chỉ là hồ nhỏ, có tác dụng điều tiết ở các khu vực cục bộ như khu dân cư, sân bóng, chung cư, chứ khó có thể nhân rộng ra để “cứu ngập” cho thành phố. Vì nhân rộng thì rõ ràng phải “đào hầm” hàng loạt, mà hầm chỉ có sức chịu đựng cho xe tải dưới 25 tấn đậu, thì quả là không hợp với đô thị như TP.HCM.

Gãi chưa đúng chỗ ngứa

Từ những thực tế trên, nhiều người sẽ cho rằng hình như TP.HCM đang bế tắc trong công tác chống ngập, bằng chứng là ai đưa công nghệ gì mới thì thành phố đều cho làm, còn đối với các nhà chuyên môn thì những công nghệ đó không có gì lạ lùng. “TP.HCM cần thực hiện ngay quy hoạch hồ điều tiết đã được duyệt; cần buộc các dự án lấn chiếm sông, kênh, rạch trả ngay lại dòng chảy; cần nghiêm khắc xử lý các đơn vị, cá nhân gây hại cho hệ thống cống. Làm được như vậy mới mong TP.HCM thoát được cụm từ “hễ mưa là ngập “như hiện tại”, ông Phạm Sanh nêu ý kiến.

Trái với ý kiến ông Sanh, việc lấn chiếm sông, kênh, rạch vẫn diễn ra ở hầu hết các địa phương ở TP.HCM; việc người dân vô ý thức bức hại hệ thống thoát nước vẫn còn đầy dẫy; đặc biệt, là việc làm các hồ điều tiết quy mô lớn thì vẫn còn trên giấy và các cống kiếm soát triều cứ thế ì ạch.

“Hồ điều tiết được xem là  giải pháp quan trọng góp phần giảm ngập. Nhưng đến nay, quy hoạch hồ điều tiết vẫn còn đang được bàn, nhiều hồ dự kiến triển khai thì chỗ bị phản đối, nơi chưa xong giải toả đền bù”, một chuyên gia trong lĩnh vực đô thị ngao ngán.

Tiến độ thực hiện ba hồ điều tiết – dự kiến triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020, đến nay chưa có dự án nào thành hình. Trong đó, dự án hồ điều tiết tại khu vực Bàu Cát bị UBND quận Tân Bình phản đối, vì cho rằng khu vực xung quanh đã được đầu tư hệ thống cống, tình hình ngập nước không còn như trước, nên việc xây dựng hồ điều tiết ở đây sẽ lãng phí. Thực tế ngập ở Tân Bình vẫn còn gay gắt. Trong khi đó, đại diện trung tâm Chống ngập cho rằng, việc đầu tư hồ điều tiết trên nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, khu vực Bàu Cát gần đây không ngập nặng do ít có những trận mưa lớn, nhưng nếu xảy ra mưa lớn trên 100mm, khu vực này chắc chắn bị ngập và cần đến hồ điều tiết.

Còn dự án hồ điều tiết Khánh Hội, quận 4, dù được tính toán và xúc tiến từ lâu, đến nay vẫn còn hơn 700 hộ chưa giải toả xong. Riêng dự án hồ điều tiết có quy mô lớn nhất là hồ điều tiết Gò Dưa, quận Thủ Đức, được kỳ vọng giải ngập cho cả một khu vực rộng lớn, lại là dự án thê thảm và chậm chạp nhất. Với những diễn biến trên thì TP.HCM khó thoát ngập, nếu chính quyền không quyết tâm (kể cả chi ngân sách) giải quyết các dự án chống ngập căn cơ. Còn cứ loay hoay thí điểm kiểu có cũng được, không cũng chẳng sao thì biết đợi đến bao giờ?

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/tphcm-chong-ngap-kieu-thi-diem-den-bao-gio-797554.html