TP.HCM: Dân ngóng cổ chờ dự án 'treo' khởi động

Tại TP.HCM còn tồn tại nhiều dự án 'treo' trong đó có những dự án 'treo' đã hàng chục năm nay. Những dự án 'treo' này đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, các điều kiện khác của hàng chục ngàn người dân khiến đời sống luôn trong cảnh bấp bênh, không lối thoát.

Chờ mỏi mòn...

Vừa qua, khách hàng liên tục phản ánh về việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư tại dự án xây dựng khu đô thị thương mại Nam - Nam Sài Gòn (xã Phong Phú, Bình Chánh). Khách hàng tên T (quận 5) cho biết vào năm 2007, chị đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Vật tư và giống gia súc Amasco về việc góp vốn xây dựng nhà ở tại nền số 18 lô C3 thuộc dự án khu đô thị thương mại Nam - Nam Sài Gòn. Theo đó, chị T được nhận một nền đất để xây dựng với diện tích 140 m2.

Cảnh nhếch nhác tại dự án treo tại khu E ( xã An Phú Tây, Bình Chánh).

Theo tiến độ của hợp đồng, chị T đã đóng số tiền 350 triệu đồng nên Công ty Amasco có trách nhiệm bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện, đường giao thông nội bộ, hoàn tất thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xác lập quyền sử dụng đất. Thế nhưng, dù đã đóng tiền từ 10 năm qua mà đến nay dự án khu đô thị thương mại Nam - Nam Sài Gòn vẫn án binh bất động.

Một khách hàng khác cho biết: "Tôi đã đầu tư số tiền khá lớn, nhưng đến nay dự án vẫn còn trên... giấy. Trong khi đó việc giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện, cỏ mọc um tùm, đất nền còn chưa nhận được huống gì nói đến việc xây nhà ở..."

Chung cảnh ngộ với chị T, vào năm 2007 một khách hàng khác cũng ký hợp đồng hợp tác đầu tư tại khu đô thị thương mại Nam - Nam Sài Gòn đã thanh toán số tiền 945 triệu đồng (50% số tiền của hợp đồng) để nhận lại một nền đất với diện tích 450 m2. Tuy nhiên, cũng như trường hợp chị T, hơn 9 năm trôi qua khách hàng này "chờ dài cổ" mà vẫn chưa được nhận đất.

Tại dự án khu dân cư Bình Trưng Đông (quận 2) đến thời điểm hiện nay, dự án vẫn là bãi đất trống khiến người dân vô cùng hoang mang. Chị L (ngụ quận 5) cho biết: Vào tháng 7/2009 chị mua một nền đất 120 m2 với giá trên 1,2 tỷ đồng nằm tại lô 3, tiểu khu D của Tổng Công ty Bến Thành. Thời điểm đó, chủ đầu tư cam kết thời gian hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và bàn giao nền đất để khách hàng xây dựng nhà ở trước 31/12/2011. Sau khi ký hợp đồng, chị Lan đã thanh toán 85% giá trị nền đất. Chủ đầu tư cam kết trong vòng 30 tháng sẽ bàn giao nền nhưng nay đã kéo dài suốt 8 năm dự án vẫn... đắp chiếu. Nguyên nhân mà chủ đầu tư đưa ra do pháp lý dự án bị trục trặc, chưa bồi thường giải phóng mặt bằng xong

Còn tại tuyến đường 9A nối với đường Nguyễn Văn Linh, thuộc khu 6A, Khu đô thị Trung Sơn, chỉ cách quận 1 vài km vẫn là khu đất nông nghiệp với những ao nuôi cá, trên là “cầu tõm”. Ở chỗ đất cao là những dãy nhà trọ bằng tôn gỉ sét. Chưa hết, tại khu đất giáp với đường Nguyễn Văn Linh, rác rưởi nổi lềnh bềnh vào mùa mưa...

Những căn nhà xập xệ trong khu quy hoạch "treo" không thể xây mới.

Bao giờ xóa "treo"?

Dù đã được quy hoạch gần 20 năm nhưng đến nay, dự án khu dân cư 9A2 ở ấp 3 (Bình Hưng, Bình Chánh) vẫn chưa được khởi động. Trong khi đó, toàn bộ hệ thống hạ tầng nhà cửa, đường xá đã xuống cấp nghiêm trọng. Đường phố toàn ổ gà, ổ voi lầy lội, bụi cây mọc um tùm từ ngoài sân cho đến trong nhà.

Tương tự, khu quy hoạch dự án khu dân cư Thăng Long (khu 9, 9B, 10) ở ấp 1A cũng trong tình cảnh như vậy. Phía sau rào chắn bằng tôn kéo dài trên đường Nguyễn Văn Linh là một “rừng” cỏ um tùm, bao quanh khu dân cư xập xệ vẫn chưa đền bù. Có nhiều hộ dân đang sinh sống lây lất trong hoàn cảnh nhà hư trầm trọng mà không thể sửa vì không biết lúc nào giải tỏa, cũng không thể bán, chưa biết bao giờ mới được an cư.

Con đường xuống cấp nắng bụi, mưa lầy tại dự án "treo" tại Bình Chánh.

Ông H. ngụ ấp 1A chua xót:" Gần 13 năm đi cầu cứu khắp nơi nhưng chưa biết bao giờ mới thoát khỏi tình cảnh chờ thoát... treo". Cũng theo ông H. vào năm 2004 ông nghe báo quy hoạch và thu hồi đất làm dự án khu dân cư Thăng Long, mừng thầm vì thấy dự án triển khai giai đoạn đầu hơn 100 hộ, cứ tưởng vài năm sẽ xong, nào ngờ đến nay đã 13 năm trôi qua, dự án vẫn án binh bất động khiến dân đi không được, ở cũng không xong vì không thể xây nhà, đường sá thì xuống cấp trầm trọng.

Đưa chúng tôi đi quanh vùng đất được quy hoạch là khu E (dự án đã treo hơn 20 năm trên giấy) ông H chỉ cho chúng tôi thấy tình trạng ô nhiễm nặng nề, rác rưởi vứt dọc đường đi, ao tù nước đọng đen ngòm... Đường sá hầu hết chỉ là rải đá cấp phối, nhà cửa bằng tường gạch hoặc vách lá, lợp mái tôn; ruộng vườn là ao tù, mương nước sơ khai. Tình trạng y hệt kéo sang khu vực phường 7, quận 8, phần đất thuộc quy hoạch khu E. “Ở đây có nhiều cái không lắm. Không được cấp sổ hồng; không được xây dựng mới; không được tách thửa đất cho con cái ra riêng…” - ông H ngán ngẩm

Ông Trương Ngọc Thanh Nhân, Chủ tịch UBND xã An Phú Tây, cho biết khu E bị “quy hoạch treo” từ năm 1992, là một phần của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Khu E có diện tích 81 ha, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận, thành phố sẽ giải tỏa trắng rồi bàn giao cho Phú Mỹ Hưng, có 686 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Rơi vào tình trạng quy hoạch treo nên đời sống người dân thua thiệt do không được cấp giấy chủ quyền nên không thể thế chấp tạo vốn làm ăn, không được đầu tư xây dựng hạ tầng như nông thôn mới…

Trả lời về các dự án bị treo quá lâu, một lãnh đạo của UBND huyện Bình Chánh cho biết: Các dự án khu đô thị Nam Sài Gòn đi qua các xã Bình Hưng, An Phú Tây, Hưng Long và Phong Phú, trong đó trên địa bàn xã Bình Hưng có nhiều dự án chưa triển khai. Trước kia có 54 dự án nhưng nay đã thu hồi còn lại 47 dự án. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, UBND huyện đang phối hợp với Ban Quản lý khu Nam cùng với đơn vị tư vấn cùng xây dựng quy chế chỉnh trang đô thị. Qua đó, UBND huyện tiến hành rà soát kiểm tra, những dự án đã đền bù được thì giữ lại, còn phần chưa đền bù thì có thể xóa quy hoạch treo để dân ổn định cuộc sống. Sau khi chỉnh lại ranh giới, những khu dân cư hiện hữu đang nằm trong quy hoạch được UBND huyện chỉnh trang lại đô thị, hạ tầng, UBND huyện sẽ khảo sát với đơn vị tư vấn và nhân dân cùng làm để sớm xây dựng khu dân cư mới. Đất nông nghiệp sẽ được chuyển đổi thành đất thổ cư để người dân được xây nhà mới, mở rộng đường nhỏ, hẻm nhỏ. Người dân có thể hiến đất mở rộng đường và công trình tiện ích để trở thành khu đô thị đầy đủ tiện nghi. Những phần đất giải tỏa để phục vụ dự án chỉnh trang đô thị có thể sẽ được đền bù lại một nơi gần đó để người dân có thể ổn định cuộc sống.

Anh Tuấn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/tphcm-dan-ngong-co-cho-du-an-treo-khoi-dong-d52103.html