TP.HCM khuyến khích cán bộ yếu, kém từ chức

Thành phố khuyến khích tự giác từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ...

UBND TP.HCM vừa đề ra những nhiệm vụ nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy hành chính chuyên nghiệp, đổi mới công tác tổ chức cán bộ...

Kiên quyết loại bỏ cán bộ yếu, kém. Ảnh minh họa

Đối với công tác cán bộ, thành phố lên kế hoạch xây dựng đề án về chế độ, chính sách hỗ trợ thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong bộ máy hành chính của TP.HCM nhằm khuyến khích, động viên các đối tượng này tiếp tục phấn đấu, nỗ lực cống hiến.

Kế hoạch của thành phố cũng nhấn mạnh sẽ kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế và khuyến khích tự giác từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không cần chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác; nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp...

Tại Hà Nội, UBND thành phố cũng vừa ban hành chỉ thị về tổ chức thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017"

Theo đó, Hà Nội sẽ kiên quyết thực hiện tinh giản số cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ.

Trước đó, tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội và kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016-2020 sáng 2/11, Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên Thường trực UB Tài chính - Ngân sách của QH đã đề nghị Chính phủ khởi xướng văn hóa từ chức.

“Đề nghị Chính phủ khởi xướng văn hóa từ chức để những ai thấy mình tài hèn, đức mọn tự nguyện nhường chỗ cho bậc hiền tài”, ông Vân nhấn mạnh.

Ông Vân cho rằng, phải tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch để thi tuyển, lựa chọn cán bộ, công chức, tìm ra người có năng lực phẩm chất thực sự; lựa chọn hiện tài phải thực tâm, chí thành.

Không lâu sau đó, Chủ trì phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11/2016 ngày 28/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về các biện pháp thực hiện lời hứa trước Quốc hội với tinh thần lời nói phải đi đôi với hành động.

“Có văn hóa từ chức không, có nghị định về vấn đề này hay không, ai làm việc đó? Chính là Bộ Nội vụ phải làm việc đó, trình Chính phủ”, Thủ tướng chất vấn.

Ba người tự nguyện từ chức năm 2016

Vấn đề văn hóa từ chức đã được đề cập tới nhiều lần song theo ghi nhận trong năm 2016, chỉ có 1 Phó Giám đốc Sở và 2 Chủ tịch xã từ chức.

Trường hợp đầu tiên là ông Phạm Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình có đơn xin từ chức vì sinh con thứ ba.

Trường hợp tiếp theo là ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch UBND xã Ayun (huyện Mang Yang, Gia Lai) đã có đơn xin thôi việc ngày 17/10 do để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình điều hành.

Hà Nội quyết xử công chức yếu kém: Ai yếu kém?

Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Phi - Chủ tịch UBND huyện Mang Yang đã không chấp nhận việc trên. Theo ông Phi, vì ông Lộc đã để xảy ra vi phạm thì phải xử lý chứ không từ chức được. Ngoài ra, ông Lộc vừa tốt nghiệp Đại học Hành chính. Lớp này do nhà nước bỏ tiền đào tạo, ông Lộc muốn nghỉ việc phải đền bù khoản tiền này cho nhà nước.

Trường hợp thứ ba là lá đơn của ông Bùi Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Tam An ( Huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Ông Toàn xin nghỉ làm chức Chủ tịch UBND xã với lý do áp lực công việc.

An An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tphcm-khuyen-khich-can-bo-yeu-kem-tu-chuc-3332952/