TP.HCM muốn mua xe công cho xã: Phục vụ ai?

Xe công phải là xe phục vụ nhân dân. Xe cho xã, phường chỉ nhằm đi họp hành trên quận thực sự quá lãng phí, dễ tự coi là đồ cá nhân.

Xung quanh câu chuyện TP.HCM muốn mua thêm 352 chiếc xe oto mới nhằm phục vụ y tế (7 chiếc), các ban ngành là 51 chiếc, và xã phường 394 chiếc, Báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hữu Tri - Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia.

Theo đó, TS. Nguyễn Hữu Tri cho rằng, với chủ trương hiện nay của Đảng và Nhà nước là thực hành tiết kiệm, trong khi nợ công lại quá nhiều thì việc đòi hỏi mua xe mới là không hợp lý.

Xe công đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. Ảnh: NLĐ

"Đáng lẽ ra, trong trường hợp này, thực hiện theo chủ trương của Nhà nước, TPHCM nên có tâm lý là tự khắc phục. Chúng ta còn dư 353 chiếc xe, mà vừa vặn là TPHCM muốn xin thêm 352 chiếc xe nữa. Tôi biết, xưa nay, tâm lý ai cũng không muốn dùng đồ cũ, thích mua đồ mới, nhất lại còn là "tiền của công" nhưng trong tình thế hiện nay thì điều đó không phù hợp. Trong năm 2017, không nên tăng mua sắm công" - TS. Nguyễn Hữu Tri nhận định.

Hơn nữa, qua đề xuất này, thấy một điểm bất hợp lý khác là các cấp xã, phường cũng muốn có xe công, mỗi đơn vị cấp xã còn muốn được 2 chiếc.

"Tôi không rõ cơ quan hành chính cấp xã cần xe công để làm gì? Các cơ quan thông thường cũng chỉ cần sử dụng xe công khi đi họp hành. Vậy mục tiêu các đơn vị cấp phường muốn xin xe công để phục vụ mục tiêu gì cho nhân dân? Trong khi đó, rõ ràng sẽ lại cần mở rộng ra bộ máy, làm phình to nhân sự. Một cái xe lại thêm một tài xế, một chỗ đỗ trong trụ sở, lại thêm cả chi phí để nuôi cái xe đó, nuôi người lái xe đó... Lãng phí chồng thêm lãng phí, biến sở hữu công thành tư. Vậy mà vẫn muốn "phổ cập" xe ôtô tới tận xã phường"- vị chuyên gia nhận định.

TS. Nguyễn Hữu Tri lấy một ví dụ, người lái xe và thủ trưởng của mình ở cùng một nhà tập thể. Sáng sớm, người lái xe phải dậy lấy xe máy của mình tới cơ quan rồi đi 'ôtô công' về chính khu nhà của mình để đón vị thủ trưởng. Chiều về, người lái xe cũng lại chở vị thủ trưởng về khu nhà của mình rồi đánh xe về cơ quan. Lấy xe máy của mình về nhà. Chưa kể, lúc đưa lãnh đạo đi họp hành, người lái xe này không biết làm công việc gì. Câu chuyện là thật mà nói lên một sự lãng phí vô cùng lớn. Lãng phí từ con người tới vật tư. Đó là chưa tính tới chuyện tắc đường.

Bên cạnh đó, TS. Tri nhắc tới yếu tố "công" trong việc mua sắm ô tô. Nói là xe công thì đó phải là xe phục vụ nhân dân. Nếu nó không nhằm mục đích phục vụ nhân dân mà chỉ là việc đi lại của thủ trưởng đơn vị thì đó là việc tư.

Do vậy, TP.HCM cần xem xét lại yếu tố "công" trong việc xin hơn 350 chiếc xe này. Nếu việc cấp xe công sẽ đẩy mạnh thực hiện được mục tiêu chính quyền phục vụ nhân dân, tăng mức độ hài lòng của người dân thì mới tính toán đến.

Khi đặt câu hỏi trước đó, đã có ý kiến của một lãnh đạo UBNDTP nói rằng nên thực hiện thuê xe công cho các lãnh đạo. Nhưng tới nay, lại có đề xuất xin thêm xe công và điều đó thật mâu thuẫn.

Vị Tiến sĩ trả lời: "Tôi cho rằng, nếu bị ảnh hưởng lợi ích nhóm với nhau khiến khi thì đưa ra ý kiến nhằm thực hiện mục tiêu giảm chi tiêu công, chống lãng phí khi thì xin xe công, cuối cùng, đâu vẫn hoàn đấy".

Khoán xe công, cải cách tiền lương hiệu quả tới đâu?

TS. Tri cho rằng, chúng ta vẫn từng hô hào khẩu hiệu 'Tiết kiệm là quốc sách' và đã thử nghiệm khoán xe công ở Bộ Tài chính. Không rõ, tới nay đã được tổng kết, đánh giá hiệu quả hay chưa, khó khăn ở đâu, khiếm khuyết chỗ nào... Nếu hiệu quả nên tiến hành áp dụng ngay với các đơn vị hành chính khác. Nếu vẫn chỉ là cách làm xưa nay, làm không tới nơi tới chốn, hô hào khẩu hiệu rồi bỏ đấy thì không bao giờ thực hiện được tiết kiệm mua sắm công, cải cách hành chính,tinh giản biên chế.

"Tôi cho rằng, cần phải thay đổi toàn bộ tư duy lãnh đạo. Thứ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị có thể được cho mức lương tới 30-40 triệu đồng/tháng, có thể tự bỏ tiền lương để thuê xe đi làm hoặc dùng xe của mình nếu có. Khi tiền vào túi của người cán bộ đó, họ mới tự tiết kiệm được" - TS. Tri nói.

Thực hiện khoán xe công sẽ tiết kiệm nhiều hơn lại hiệu quả. Ảnh: Xe buýt “5 sao” ở TP.HCM

Để thực hiện đồng bộ cùng với việc khoán xe công đã nói ở trên, tất yếu phải thực hiện đồng bộ việc bán xe công đã cũ nhằm thu hồi tài sản công và cải cách tiền lương.

Hiện nay, xe công của các thủ trưởng trước thường không được các thủ trưởng lên sau yêu thích, lên chức là muốn xin xe mới và xe cũ thường được giao cho bộ phận văn phòng bán đấu giá cho những cán bộ ở cùng cơ quan đó. Nhưng giá bán đấu giá này cũng rất rẻ và thu hồi tài sản công rất nhỏ so với khoản đã đầu tư từ đầu. Đây là một sự thất thoát lớn mà nếu như khoán tiền lương thì chắc chắn không hề có điều này. Khoán xe công vừa giúp tiết kiệm tiền ngân sách, tiết kiệm thời gian lưu thông trên đường vì để tư nhân thực hiện, thủ trưởng đến cơ quan sớm, giải quyết công việc, lại am hiểu sâu sát tới đời sống của nhân dân...

Bên cạnh khoán xe công, cũng cần thực hiện cải cách tiền lương, tính toán khoản tăng thêm, chi phí đi lại không có xe công của các thủ trưởng sao cho vừa đảm bảo được đời sống, vừa đảm bảo được trách nhiệm thực hiện công việc của cán bộ, thủ trưởng cơ quan đó.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tphcm-muon-mua-xe-cong-cho-xa-phuc-vu-ai-3326956/