TP HCM: Những "hố bẫy" tại các công trình GT

Thời gian qua, trên địa bàn TP HCM liên tiếp xảy ra các sự cố dẫn đến chết người mà nguyên nhân những sự cố này bắt nguồn từ việc các công trình thi công thiếu an toàn, cẩu thả, sự tắc trách của các đơn vị liên quan.

Từ thực tế này, vừa qua UBND TP HCM đã có văn bản yêu cầu các ngành chức năng, các đơn vị thi công có liên quan khắc phục ngay các tình trạng trên. Trong văn bản chỉ đạo, lãnh đạo UBND TP đã yêu cầu Sở GTVT, Công thương… kiểm tra những công trình bỏ hoang, thi công đào đường, tái lập mặt đường nhếch nhác, hư hỏng, lồi lõm để giảm thiểu những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế PV Báo CAND ghi nhận, tình trạng trên vẫn còn hiện hữu như một căn bệnh "trầm kha" mà không có thuốc chữa… Thi công cẩu thả, thêm một học sinh gặp nạn Hơn một tháng sau vụ học sinh Phan Minh Trí (14 tuổi, ngụ phường An Khánh, quận 2) thiệt mạng tại hệ thống xử lý nước thải chợ Siêu Thị (khu tái định cư Thủ Thiêm, phường Bình Khánh, quận 2) ngày 14/10, chúng tôi quay lại khu vực trên. Nắp cống vừa được đậy lại sau cái chết của em Trí. Kể lại câu chuyện đau lòng này, một người trong vựa ve chai gần đấy vẫn còn chưa hết bàng hoàng: "Khoảng 16h ngày 10/9, em Trí (học sinh lớp 7 trường Lương Định Của) cùng một số bạn trong trường rủ nhau ra hố nước thải của chợ Siêu Thị (đang xây dựng) tắm. Hồ nước rộng gần 100m2, sâu gần 6m, nước trong vắt. Cả đám hí hửng leo lên hệ thống xử lý nước thải "phi thân" xuống nước. Trong lúc đám bạn đùa nghịch dưới nước, Trí lùi lại phía sau lấy đà thực hiện một cú nhảy "ngoạn mục". Lùi được vài bước, Trí hẫng chân khi bước vào miệng cống (khoảng 1m2) không có nắp đậy, đập đầu vào thành cống và rơi xuống phía dưới. Nghe tiếng kêu cứu của đám trẻ, chúng tôi chạy ra nhưng Trí đã chìm nghỉm phía dưới hầm xử lý nước thải. Phải rất lâu khi lực lượng cứu hộ cho người nhái xuống mò lặn, xác Trí mới được đưa lên bờ!" . Trở lại khu vực em Trí gặp nạn, chúng tôi thấy một hàng rào bằng tre vừa được dựng lên vây quanh hồ nước cùng theo bản "cấm" ghi sơ sài trên một tấm ván cắm giữa hồ. Tại hệ thống xử lý nước thải của khu chợ, hầm chứa nước thải bằng bê tông rộng khoảng 50m2 vừa được gắn hai nắp cống, xung quanh khói nhang nghi ngút. Một công nhân đang thi công tại đây cho biết, hai nắp cống này mới được đặt vào sau cái chết của em Trí còn trước đây hai miệng cống này không có gì che chắn. Hệ thống xử lý nước thải này đã thi công từ 3 năm trước và đến cuối tháng 10/2009 được bàn giao cho địa phương(!?) "Ngày nào học sinh trường Lương Định Của cũng kéo ra đây bơi lội nhưng kể từ khi có người chết ở đây học sinh không còn thấy ra đây tắm nữa!" - một công nhân phân trần. Như vậy, ba năm nay, khu vực hầm thải này như một "cái bẫy" dành cho những học sinh hiếu động nhưng chẳng ai quan tâm cho đến khi sự cố xảy ra! Những miệng cống không có nắp đậy được che tạm thời bằng ván, lá dừa. Dạo một vòng khu vực đang thi công công trình nhà ở tái định cư Thủ Thiêm, chúng tôi ghi nhận rất nhiều miệng cống nước thải hư hỏng được che chắn tạm bợ bằng ván gỗ, xà cừ, lá dừa nước. Hệ thống cống nước thải nguy hiểm này lại là con đường tắt đi lại của hàng chục lượt học sinh trường Lương Định Của. Các "hố bẫy" này đang chực chờ từng vòng bánh xe của các em lăn qua! Cần mạnh tay để không còn những cái chết oan uổng! Tối 13/10, có dịp đi ngang ngã tư Trần Hưng Đạo B - Châu Văn Liêm, quận 5, chúng tôi không khỏi thót tim khi hàng loạt tiếng động phát ra từ nắp cống thoát nước (khoảng 2m2) nằm án ngữ giữa ngã tư bị những vòng bánh xe của người lưu thông trên đường ùa qua. 4 nắp cống thoát nước lún sâu lật lên lật xuống như trò chơi bập bênh của trẻ nhỏ. Chị Hai bán thuốc lá ngay ngã tư này cho biết: "Tình trạng này xảy ra đã gần 1 tháng nhưng không thấy ai xuống xử lý. Đã có một số phụ nữ điều khiển xe gắn máy ngang qua nắp cống này yếu tay lái bị té ngã. Do không ai sửa chữa nên mỗi lần có ai chạy ngang tôi phải la toáng lên để cảnh báo!" Lô cốt chiếm ngữ, người lưu thông làm tan nát vỉa hè. Đây chỉ là một hình ảnh rất "quen thuộc" mà người dân lưu thông trên các con đường tại TP HCM đành phải "ráng chịu"… "phi ngựa". Tại các con đường như Xô Viết Nghệ Tĩnh (dưới chân cầu Thị Nghè đến ngã tư Hàng Xanh, Bình Thạnh), Võ Thị Sáu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quốc Thảo, Nguyễn Thông (quận 3), CMT8, Hai Bà Trưng… khi "lô cốt" thi công án ngữ tạo thành những hố sâu nằm ngoài hàng rào mà chỉ cần sơ sẩy, trượt ngã, người lưu thông trên đường sẽ nằm gọn dưới hố công trình. Chị Võ Thanh Tâm (ca sĩ, ngụ quận 1) bức xúc: "Cũng vì lô cốt dựng lên chiếm hết lối đi cho xe hai bánh mà trong một lần chạy "sô" tôi bị trượt té trước câu lạc bộ Lan Anh (CMT8-PV) rách hết quần áo, tay chân trầy trụa, mất luôn hai "sô diễn" đêm trung thu". Đường bị các công trình thi công rào chắn chỉ chừa lại cho các phương tiện hoạt động lưu thông với khoảng cách khiêm tốn nên vỉa hè trở thành con đường tối ưu của các phương tiện. Do vậy, chỗ nào có các "lô cốt" công trình thi công án ngữ thì khu vực đó vỉa hè bị tan nát. Đường Nguyễn Kiệm (từ ngã tư Phú Nhuận cho đến ngã 5 Chú Ía, quận Phú Nhuận) dường như không ai còn phân biệt được đâu là đường, đâu là vỉa hè trong khi đó một số đoạn vỉa hè trước khi có "lô cốt" đã được lót gạch sạch sẽ… Với cách làm cẩu thả, thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng của các đơn vị thi công như nêu trên những tai nạn thương tâm xảy ra thường xuyên là điều dễ hiểu

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2009/10/121034.cand