TP.HCM thí điểm xác định nguồn gốc thịt heo

Ngày 26/10, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Thú y và Hội Công nghệ cao TP.HCM đã công bố Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn TP.HCM, từ ngày 10/12/2016.

Miếng thịt heo có tem truy xuất

Mục tiêu của Đề án là xây dựng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với mặt hàng thịt heo; tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển và kinh doanh thịt heo trên địa bàn thành phố (TP); bảo đảm an toàn sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp (DN), người chăn nuôi, kinh doanh thịt heo theo tiêu chuẩn VietGAP, thịt heo an toàn; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATVSTP; tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong việc thực hiện, kiểm tra giám sát ATVSTP; giảm thiểu các thủ tục hành chính, kiểm dịch thú y; tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí quản lý.

Theo Đề án, con heo xuất chuồng tại trang trại sẽ được đeo vòng nhận diện có mã QR (mã vạch hai chiều) chứa thông tin từ trang trại nuôi cho đến các công đoạn sau đó. Ở công đoạn cuối cùng, trước khi bán lẻ, tiểu thương dán tem điện tử lên vòng nhận diện giúp người tiêu dùng, cơ quan quản lý dễ dàng truy xuất nguồn gốc qua ứng dụng miễn phí TE-FOOD trên smartphone, máy kiểm tra tại chợ hay trên web www.te-food.com. Trên miếng thịt heo mua có con tem truy xuất, người tiêu dùng nhập mã tem vào sẽ hiện lên thông tin truy xuất từ trang trại, lò giết mổ, chợ bán sỉ, chợ bán lẻ với những thông tin chi tiết từ thời gian xuất trại, thời gian giết mổ, thời gian về chợ lẻ, địa chỉ sạp bán lẻ... Chương trình còn có số điện thoại đường dây nóng 19006726 hoạt động 24/7 để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người tiêu dùng và trang web để cung cấp thông tin chương trình, hướng dẫn cách truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Người tiêu dùng chọn mua thịt heo VietGAP của VISSAN tại một cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra Foods ở TP.HCM.

Tiểu thương hưởng ứng tích cực

Đề án đã nhận được sự tham gia tích cực của 15 DN, cơ sở chăn nuôi với gần 1.000 trang trại, có khả năng cung cấp 100% lượng tiêu thụ cho thị trường TP, trong đó có nhiều đơn vị có thương hiệu và quy mô lớn với quy trình sản xuất hiện đại và khép kín; 11 cơ sở giết mổ. Đối với hệ thống phân phối truyền thống, hiện có hai chợ đầu mối kinh doanh thịt heo là Bình Điền và Hóc Môn đã đăng ký tham gia, chiếm hơn 80% sản lượng thịt cung ứng cho thị trường TP. Loại hình chợ bán lẻ, có bốn chợ triển khai thí điểm đợt đầu tiên là Bến Thành, An Đông, Hòa Bình, Thái Bình. Đến nay gần 100% tiểu thương kinh doanh thịt heo tại bốn chợ trên đã đăng ký tham gia. Ở kênh phân phối hiện đại, hiện có năm hệ thống siêu thị với 59 siêu thị và bốn hệ thống cửa hàng tiện lợi với gần 240 cửa hàng đăng ký tham gia phân phối thịt heo trong Đề án...

Đề án được triển khai qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu triển khai thí điểm tại các đơn vị đăng ký tham gia ban đầu từ ngày 10/12/2016 và triển khai chính thức trên toàn địa bàn TP từ 1/3/2017. Trong giai đoạn này, việc quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được thực hiện từ cổng trang trại chăn nuôi khi bắt đầu xuất chuồng đến các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, các siêu thị và chợ lẻ. Giai đoạn hai sẽ triển khai quản lý theo chu trình khép kín hoạt động sản xuất, chăn nuôi heo từ khi mới sinh cho đến người tiêu dùng, dự kiến tổ chức trong năm 2017 và sẽ nhân rộng quản lý đến các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, rau - củ - quả và các sản phẩm khác.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, TP hiện có khoảng 7.500 hộ chăn nuôi heo (hộ dân, DN và hợp tác xã), cung cấp khoảng 1.000 con heo mỗi ngày, chiếm khoảng 15% sản lượng tiêu thụ của TP. Để tăng năng suất và nâng cao chất lượng thịt, phần lớn DN và hộ nuôi trong và ngoài thành phố đã dần nâng cao ý thức, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, chuyển dần sang chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Qua đó, chuồng trại được đầu tư, nâng cấp, sử dụng hệ thống chuồng khép kín, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ; chất thải được xử lý tốt, hạn chế ô nhiễm môi trường và tận dụng khí biogas; sản phẩm con giống bán ra có thẻ truy xuất nguồn gốc...

Hiện TP có 18 cơ sở giết mổ gia súc tập trung với công suất hằng đêm khoảng 7.550 con heo. Mỗi ngày các cơ sở giết mổ trên địa bàn TP tiếp nhận một lượng lớn heo hơi từ các địa phương khác, chiếm khoảng 90% tổng lượng giết mổ. Trong khi đó, công tác phối hợp quản lý giữa Chi cục Thú y TP.HCM và các tỉnh chưa chặt chẽ. Hiện các trạm kiểm dịch động vật tại các cửa ngõ TP còn hạn chế về con người và phương tiện kỹ thuật để kiểm soát chất lượng heo lưu thông vào nội thành, quá trình kiểm dịch vệ sinh thú y mang tính thủ công, đơn giản và càng khó khăn hơn sau khi Luật Thú y có hiệu lực (từ 1/7/2016).

Về phân phối thịt heo, TP hiện có ba hệ thống chính là hệ thống chợ đầu mối (Hóc Môn và Bình Điền), cung cấp từ 70-80% nhu cầu thịt hàng ngày của TP, chủ yếu phân phối cho các chợ bán lẻ; hệ thống chợ bán lẻ có 240 chợ, nguồn thịt chủ yếu lấy từ hai chợ đầu mối. Còn lại là hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cung cấp khoảng 5% sản lượng tiêu thụ của thành phố và đã thể hiện được tính vượt trội về việc bảo đảm các điều kiện ATVSTP so với các chợ bán lẻ, mặc dù giá cả cao hơn. Thịt heo được bán ở đây có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, được nhập từ các cơ sở chính thức hoặc nhập khẩu.

Nguyên Quốc - Hoàng Liêm

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/tphcm-thi-diem-xac-dinh-nguon-goc-thit-heo-d48986.html