TP.HCM : Thị trường căn hộ bung hàng nhỏ giọt, vì sao?

Khác với sự ồn ào ở cuộc chiến đất nền, đến thời điểm hiện tại, thị trường căn hộ trên địa bàn TP.HCM được bung ra theo kiểu “thắt lưng buộc bụng”. Điều này làm dấy lên không ít câu hỏi xung quanh vấn đề các “tay chơi” tham gia cuộc đua xây dựng căn hộ đã chán ngán thị phần nhiều rủi ro này hay đang toan tính điều gì?

Sự im lặng đến khó tin

Khác với sự rình rang, sôi động của những tháng cuối năm 2016, thị trường căn hộ đầu năm 2017 chứng kiến sự dè dặt, “im hơi lặng tiếng” của đa phần doanh nghiệp địa ốc.

Tính đến giữa tháng 5.1027, ngoài một số ông lớn như Hưng Thịnh, Him Lam, Hà Đô… có “hàng” để thực hiện giao dịch trên thị trường thì hầu hết các “anh tài” của làng bđs TP.HCM vẫn án binh bât động hoặc đang chìm trong cuộc xử lý lùm xùm với khách hàng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), sau thời gian bị khủng hoảng rồi đóng băng, thị trường đã phục hồi, tăng trưởng trở lại kể từ cuối năm 2013 và kéo dài cho đến nay.

Đến năm 2015, thị trường đã đạt mức tăng trưởng rất cao. Thế nhưng, năm 2016 đã có dấu hiệu chững lại. Kế đến, quý I/2017, ngành xây dựng - bất động sản chỉ tăng 6,1% (thấp hơn mức tăng trưởng 8,6% của quý I/2016).

Dự án River City của liên minh An Gia – Phát Đạt – Credd Group gây xôn xao khi gọi hàng ngàn khách hàng lên trả tiền, chấp nhận lỗ “khủng”

Giải thích về vấn đề sụt giảm, HoREA cho rằng, nguyên nhân chính là do thị trường BĐS trầm lắng, đi xuống rõ nét ở phân khúc BĐS sản cao cấp, hạng sang (giao dịch thành công giảm 1/3 so với quý I/2016).

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đánh giá, nhìn toàn cục thị trường bđs thì vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như đã có tình trạng lệch pha cung - cầu. Trong đó, chủ yếu lệch về phân khúc cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng. Nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (của người mua nhà) đổ vào thị trường bđs có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn .

Ngoài ra, sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (chỉ riêng phân khúc bất động sản cao cấp, tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lên đến hơn 60%), phân khúc thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền (chiếm đến 2/3 số lượng giao dịch thành công)

Phân tích về cái tĩnh lặng quá mức của thị trường căn hộ, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân nhận định, việc các doanh nghiệp không bung hàng trong những tháng đầu năm 2017 vì hai lý do, đầu tiên là nguồn hàng cuối năm 2016 vẫn tồn đọng rất nhiều.

Thứ hai, thời điểm này, không có dòng tiền ngoại hối đổ vào, không có gì bức phá để tạo sự rình rang, đột phá trên thị trường. Qua đó, để hạn chế rủi ro, nhiều doanh nghiệp không bung hàng nữa mà đi chuyển nhượng hoặc thâu tóm các dự án.

“Phái chăng, với yếu tố này, thị trường đang quay lại như thị trường 2008. Lúc bấy giờ, sau khi lên đỉnh năm 2007, thị trường cũng bấp bênh và tụt giảm kéo dài trong sự leo lắt đến giữa năm 2013”, ông Nhân hoài nghi.

Nhận thấy thị trường đang có dấu hiệu đi xuống, nhằm cứu vãn tình hình và tạo ra gam màu sáng, HoREA đã kiến nghị đến Thủ tướng Chính tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững.

Cơn loạn nhiều hệ lụy

Ngược với sự nổi sóng vì số lượng giao dịch khủng cuối năm 2016, thị trường căn hộ đầu năm 2017 được ồn ào theo chiều hướng không ai muốn. Nhiều cuộc giao dịch khó hiểu, thậm chí đến mức lật lọng của chủ đầu tư liên tiếp xảy ra.

Hy hữu gần đây gây xôn xao giới địa ốc là việc là liên minh tam hợp An Gia – Phát Đạt – Credd Group đã bán dự án River City ( đường Đào Trí, quận 7) gần hết hàng ra thị trường thì bỗng dưng gọi khách hàng lên để hoàn tiền và chấp nhận bồi thường lãi suất 20%. Vụ việc chủ đầu tư “từ chối khách” và chấp nhận lỗ con số “khủng” làm cho nhiều người vẫn không hiểu vì đâu lại xảy ra cớ sự.

Cao trào lùm xùm kéo dài không đến hồi kết có thể kể đến vụ “trầy vi tróc vảy” đi đòi nhà ở dự án Tân Bình Apartment. Khách hàng của dự án cho rằng, sau khi các cư dân đóng 95% số tiền mua căn hộ, gần đến ngày nhận nhà thì tóa hỏa phát hiện dự án bị đình chỉ vì chủ đầu tư tự ý xây vượt tầng. Qua đấu tranh nhiều lần và cầu cứu cơ quan chức năng, chủ đầu tư vẫn không tháo dỡ phần sai phạm.

Hơn thế nữa, dự án của Oriental Plaza (Âu cơ, quận Tân Phú do Công ty Cổ phần Đầu tư Sơn Thuận) gây nhiều xáo trộn khi khách hàng tố chủ đầu tư “bội tín”. Theo người tố cáo, khách hàng đã thực hiện thanh toán và chỉ đợi ngày giao nhà thì chủ đầu tư bỗng dưng ra quyết định thanh lý hợp đồng, đẩy người mua vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, vỡ vụn các kế hoạch ở chốn an cư mới.

Khó khăn chồng chất đến đỉnh điểm khi mới đây, Bộ Tài chính có công văn trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất thanh tra 60 dự án vì liên quan đến tiền sử dụng đất và mục đích sử dụng đất. Trong những dự án được đề nghị thanh tra trên cả nước, TP.HCM có 11 dự án.

Thông tin 11 dự án ở TP.HCM có khả năng bị thanh tra khiến nhiều khách hàng đã xuống tiền mua các dự án có tên trong danh sách tỏ ra lo ngại về nhiều khía cạnh. Bởi vì, vấn đề này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp hoặc phát sinh nhiều vấn đề như dự án có thể bị đình chỉ, kéo dài thời gian bàn giao cũng như người mua phải đóng thêm tiền sử dụng đất…

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/tphcm-thi-truong-can-ho-bung-hang-nho-giot-vi-sao-771460.html