TP.HCM: Trật tự lòng đường, vỉa hè cần một giải pháp lâu dài

Tại phiên thảo luận ngày 5/7 kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021, câu chuyện về lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè đã làm 'nóng' hội trường với sự tham gia thảo luận sôi nổi của các đại biểu tham dự.

Vỉa hè đường Nguyễn An Ninh (quận 1, TP.HCM) bị chiếm không còn chỗ cho người đi bộ. Ảnh T.D

Đại biểu Diệp Hồng Duy cho rằng, theo cách làm của chính quyền vừa qua về việc lập lại trật tự lòng lề đường thì sẽ còn tình trạng tái chiếm. Bởi chúng ta chưa giải quyết được tình trạng buôn bán hàng rong trên vỉa hè, lòng đường. Đặc biệt là lực lượng bán hàng rong tại các chợ, siêu thị, trường học… Thậm chí còn có tình trạng người kinh doanh đang thăm dò cách làm của địa phương để tái chiếm lòng đường, vỉa hè.

Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm, thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt và tốn nhiều công sức để tiến hành. Thế nhưng, tình trạng tái lấn chiếm vẫn cứ diễn ra. Điều này làm cử tri nghi ngờ về chủ trương của thành phố. Đặc biệt là cho thuê vỉa hè sau khi ra quân lập lại trật tự. Vì vậy, thành phố cần phải có sự giải thích rõ ràng cũng như tính toán mức thu; đồng thời phải công khai, minh bạch khi thực hiện việc này cũng như gắn trách nhiệm với từng cá nhân, người đứng đầu. Có như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh trong công tác này, tạo được sự đồng thuận từ nhân dân.

Mặt khác, theo một số đại biểu, một trong những giải pháp để thực hiện việc đảm bảo sinh kế là sắp xếp điểm buôn bán tập trung cho người bán hàng rong. Lãnh đạo cũng nhiều lần đốc thúc các quận - huyện sớm lập "phố hàng rong" nhưng đến nay chỉ có 1, 2 quận huyện làm được như Tân Bình… Trong khi đó, nhiều "phố hàng rong" vẫn còn nằm trên giấy như ở quận 1.

Giải đáp những thắc mắc của các đại biểu, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, có nhiều đại biểu dùng từ “giành lại” lòng lề đường hay ra quân lập lại trật tự lòng lề đường nhưng đó là cách nói còn quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo thành phố và UBND thành phố việc lập lại trật tự lòng lề đường nằm trong trong mảng quản lý đô thị với mục tiêu tổ chức làm sao để lòng lề đường thành phố, trật tự hơn. Để làm được việc này phải kiên kì, không thể làm một ngày, một bữa là xong, không thể làm “đánh trống bỏ dùi” và cần làm liên tục ngày này qua tháng nọ, để từng bước thay đổi từ nhận thức của người dân, các cơ quan đơn vị từ đó hình thành hành vi tự giác trong sử dụng lòng lề đường.

Ngoài ra, theo ông Khoa, vừa qua có một số đại biểu cho rằng, thành phố lập lại trật tự lòng lề đường rồi thu phí của người dân, nhưng quan điểm này là chưa đúng bởi việc thu phí lòng lề đường đã được thực hiện từ lâu nay chứ không phải sau khi ra quân lập lại trật tự xong mới thu. Quan điểm của thành phố là khi sử dụng lòng lề đường trong phạm vi được phép mà có sinh lợi thì nhà nước sẽ thu phí. Ví dụ như khu vực chợ Kim Biên (quận 5), hai bên hông chợ có các bãi giữ xe dưới lòng lề đường cho nên các bãi xe này sẽ phải chịu thu phí. Còn đối với trường hợp lập lại trật tự lòng lề đường để tạo điều kiện cho nhân dân sinh sống thì thành phố không thu phí./.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tp-hcm-trat-tu-long-duong-via-he-can-mot-giai-phap-lau-dai.aspx