TP.HCM: Ứng hơn 3.000 tỷ đồng ODA xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên

- Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đồng ý cho TP.HCM ứng trước vốn ODA trong kế hoạch đầu tư 2016-2020 để thực hiện xây dựng dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên.

Sau hơn 4 năm thi công, tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) đã hoàn thiện hơn 70% tiến độ, dự kiến sẽ đưa vào khai thác toàn bộ 17,1km phần đường sắt trên cao trong năm 2018.

Cụ thể, Thủ tướng đã đồng ý cho TP.HCM ứng trước vốn ODA trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để thực hiện TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên). Việc này nhằm đảm bảo dự án thực hiện theo tiến độ, hỗ trợ giải ngân và thúc đẩy tăng trưởng của thành phố. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính đề xuất cụ thể báo cáo Thủ tướng trước 30/7.

Về việc giải ngân vốn ODA đối với các dự án thực hiện theo Hiệp định và tiến độ các dự án, Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính đề xuất hướng xử lý để đẩy mạnh giải ngân, thúc đẩy việc thực hiện các dự án ODA trên địa bàn, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/8.

Đối với việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đường sắt tuyến số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương), Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn UBND TP.HCM thực hiện các thủ tục theo quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Trên suốt chiều dài của dự án thì đoạn vượt sông Sài Gòn được hợp long từ ngày 30/9/2016 là điểm nhấn của tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. Cầu Sài Gòn được làm bằng bê tông cốt thép, kết cấu dầm hộp liên tục 3 nhịp. Chiều dài cầu là 267,5m (sơ đồ nhịp: 82,5m + 102,5m + 82,5m), chiều rộng cầu là 11,1m.

Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng diễn ra ngày 23/6/2017, UBND TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ tạm ứng 3.303 tỷ đồng trong năm 2017 từ nguồn kế hoạch vốn ODA trung hạn giai đoạn 2016-2020 do ngân sách Trung ương cấp để đẩy nhanh tiến độ dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, hoàn thành năm 2020 theo kế hoạch.

Cùng với đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc của TP.HCM việc tiếp nhận khoản vay bổ sung 200 triệu Euro của Ngân hàng tái thiết Đức để thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn UBND TP.HCM thực hiện theo quy định, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/8.

Được biết, Dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên chính thức được khởi công ngày 28/8/2012. Tổng chiều dài toàn tuyến là 19,7km, bao gồm 2,6 km (3 nhà ga) và hơn 17,1km trên cao (11 nhà ga), đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và TX Dĩ An (Bình Dương). Dự án có tổng vốn đầu tư 2,49 tỷ USD do Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản cho vay dưới hình thức ODA.

Tại các vị trí trọng yếu của tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên được thiết kế tới 3 mố cột.

Thiết kế kỹ thuật: Phần ngầm 2,6km; Phần trên cao 17,1km; Khổ đường ray 1.435mm; Số thanh ray 2.

Vận tốc tối đa: 110km/h ở phần trên cao; 80km/h ở phần ngầm; 35km/h ở khu vực đường vào nhà ga; 25km/h ở nhà ga.

Cấu trúc tàu điện: 3 toa xe giai đoạn đầu; 6 toa xe giai đoạn cuối.

Nhà ga: Số lượng 14, bao gồm: Bến Thành; Nhà hát Thành phố; Ba Son; Văn Thánh; Tân Cảng (Cảng Sài Gòn); Thảo Điền; An Phú; Rạch Chiếc; Phước Long; Bình Thái Bình Thái; Thủ Đức; Khu Công nghệ cao; Suối Tiên; Bến xe Suối Tiên.

Trong số 14 ga, có 3 ga ngầm, gồm: Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Ba Son và 11 ga trên cao (từ ga Văn Thánh đến ga bến xe Suối Tiên).

Dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên là dự án giao thông đặc biệt quan trọng của TP.HCM, được triển khai gắn với kết nối giao thông của các tỉnh trong vùng nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, kích thích phát triển đô thị dọc theo hướng chính của thành phố về phía Đông - Đông Bắc, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM trong tương lai.

Tuyến metro đầu tiên được xây dựng tại Sài Gòn với chiều dài 19,7km, tổng vốn đầu tư 2,49 tỷ USD. Thời điểm hiện tại tuyến đường sắt đô thị Bến Thành- Suối Tiên đang được gấp rút hoàn thiện.

Dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên được chia làm 5 gói thầu xây dựng chính, bao gồm:

+ Gói thầu số 1a: “Xây dựng đoạn ngầm” (từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố);

+ Gói thầu số 1b: “Xây dựng đoạn ngầm” (từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son).

+ Gói thầu số 2: “Xây dựng đoạn trên cao và Depot”.

+ Gói thầu số 3: “Mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng”.

+ Gói thầu số 4: “Hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng công ty vận hành và bảo dưỡng”.

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị, những thanh dầm đầu tiên của dự án được lắp từ ngày 04/6/2015, đến nay tuyến trên cao (không tính tuyến đi ngầm) đoạn từ Suối Tiên đến gần cầu Sài Gòn đã đạt hơn 70% tiến độ công trình.

Ngày 30/9/2016, người dân thành phố chứng kiến thời điểm đánh dấu chuyển sang một giai đoạn mới trong quá trình thi công xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (đoạn Bến Thành - Suối Tiên). Đó là hợp long cầu Sài Gòn, cầu đặc biệt đầu tiên trong 5 cầu thuộc gói thầu số 2 xây dựng đoạn trên cao và depot của tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên).

Hiện nay, 4 cầu có khẩu độ nhịp lớn còn lại thuộc dự án là cầu Văn Thánh, cầu Điện Biên Phủ, cầu Rạch Chiếc, cầu vượt Xa lộ Hà Nội đang được Tổng thầu EPC - Liên danh Sumitomo-CIENCO 6 triển khai thi công.

Bình An Đức

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/tphcm-ung-hon-3000-ty-dong-oda-xay-dung-tuyen-duong-sat-do-thi-ben-thanh-suoi-tien.html