TP. Hồ Chí Minh: Cần thêm thời gian điều chỉnh giờ làm việc

Theo Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HEPZA), cho đến nay việc điều chỉnh thời gian làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) và Khu chế xuất (KCX) trên địa bàn vẫn chưa thể hoàn tất do đặc thù ca kíp và quy trình sản xuất của từng doanh nghiệp là rất khác nhau. Trong khi đó, chỉ còn đúng 3 ngày nữa UBND TP. Hồ Chí Minh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đổi giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn.

Ý kiến của các sở, ban ngành tại TP. Hồ Chí Minh

còn chưa thống nhất phương án

điều chỉnh giờ làm việc và giờ học trước giờ "G”

Ảnh: HỒNG PHÚC

Tại cuộc họp bàn của UBND TP. Hồ Chí Minh với các Sở, ban ngành tìm giải pháp giảm ùn tắc giao thông vừa kết thúc tại thành phố, nhiều quận, huyện tại TP. Hồ Chí Minh kêu "khó” trong việc điều chỉnh giờ làm và cho rằng việc điều chỉnh này là không cần thiết. Theo đó, có 5/24 quận, huyện chưa có phương án bố trí lệch ca, lệch giờ làm theo chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh, trong khi thời hạn phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ đã liền kề. Không chỉ các quận, huyện gặp "khó” mà ngay cả khối các doanh nghiệp tại các KCN và KCX cũng đang lúng túng trong các phương án điều chỉnh. Hiện mới chỉ có duy nhất các văn phòng và cơ quan ban quản lý HEPZA đã điều chỉnh giờ làm việc từ 7 giờ – 16 giờ 30 và 7 giờ 30 – 17 giờ.

Báo cáo của Sở LĐTB&XH TP. Hồ Chí Minh – đơn vị được UBND TP.Hồ Chí Minh giao xây dựng đề án lệch giờ làm và giờ học cho biết, Sở đã có công văn gửi sở Giáo dục – Đào tạo, HEPZA và UBND các quận, huyện đề nghị báo cáo và đề xuất giải pháp thực hiện việc điều chỉnh lệch giờ làm, giờ học. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Sở GD-ĐT, HEPZA và một số quận có báo cáo. Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên - Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ nhiều năm trước ngành Giáo dục thành phố đã thực hiện điều chỉnh giờ học và tan trường theo từng cấp học, nhằm giải quyết việc ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Đến tháng 8-2011 bảng thời gian điều chỉnh đã được Sở chính thức công bố.

Về phía Sở LĐ-TB&XH thành phố cũng đã xây dựng đề án bố trí lệch giờ làm việc và giờ học từ năm 2001 với khung giờ làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, cơ sở công lập. Tuy nhiên, báo cáo của các quận cho thấy, việc điều chỉnh giờ làm việc không được thực hiện từ đó cho đến nay. Thậm chí, đến năm 2007 phương án bố trí lệch giờ làm, giờ học theo đúng tinh thần làm việc 8 giờ/ngày và 40 giờ/ tuần được đưa ra xin ý kiến, nhưng khi đó HĐND TP. Hồ Chí Minh đã bác đề án do e ngại làm đảo lộn cuộc sống người dân khi chưa có sự chuẩn bị kĩ lưỡng.

Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, dù đã giao cho Sở LĐ-TB&XH xây dựng lại phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm từ tháng 5-2011 nhưng tới nay vẫn chưa thể hoàn thành do vướng từ một số Sở, ban, ngành và 5 quận chưa có báo cáo. Cực chẳng đã, Sở LĐ-TB&XH đề nghị "nhường” lại việc xây dựng đề án cho ban An toàn giao thông thực hiện.

Theo ghi nhận của phóng viên, cho đến nay nhiều ý kiến của các Sở ngành tại TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa thống nhất với chủ trương thay đổi giờ làm việc và giờ học trên địa bàn. Ông Trần Quốc Hùng, đại diện An toàn giao thông TP. Hồ Chí Minh kiến nghị cần phải có một cuộc khảo sát quy mô về thực tế đi làm, đi học của cán bộ, công chức, công nhân trên địa bàn, từ đó mới có thể đưa ra đề xuất lệch giờ cụ thể. Quá trình này cần thời gian và đặc biệt phải được dư luận, nhân dân đồng tình thì mới mong giảm được tình hình kẹt xe tại thành phố. Trao đổi với chúng tôi, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài cho biết, thành phố sẽ phải nghiên cứu thận trọng và kỹ lưỡng, đồng thời tổ chức bổ sung thêm nhiều điểm nữa cho phù hợp với đặc thù giao thông của TP. Hồ Chí Minh trước khi có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Ông Tài khẳng định, quá trình bàn thảo trong lãnh đạo thành phố đến nay vẫn đang diễn ra, ngoài ra các Sở, ngành cũng chưa có thời gian cụ thể để xong đề án trình Chính phủ.

Như vậy, nếu theo yêu cầu của Chính phủ yêu cầu TP. Hồ Chí Minh phải báo cáo phương án đổi giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn vào ngày 20-11 xem ra vẫn còn nan giải. Việc "chậm mà chắc” của TP. Hồ Chí Minh lại là một bước đi thận trọng của đô thị lớn nhất nước nhằm đề xuất Chính phủ tìm kiếm giải pháp khả thi nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

LÊ ANH

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=42253&menu=1371&style=1