TP.Hồ Chí Minh: Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, hiện đang là giai đoạn cuối của mùa dịch năm 2016 – 2017, ca bệnh nhập viện hàng tuần có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, với diễn tiến thời tiết thất thường, xuất hiện những cơn mưa trái mùa là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh gia tăng trở lại.

Bệnh nhi và người nhà nằm ngoài hành lang bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh T.D.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có trên 5.840 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), giảm 9% so với cùng kỳ năm 2016. Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trong tuần đầu tháng 4 giảm gần 31% so với tháng 3 là do đang là giai đoạn cuối của mùa dịch. Tuy nhiên, với diễn biến thời tiết mưa, nắng thất thường như hiện nay, dịch bệnh có nguy cơ gia tăng trở lại.

Tại buổi làm việc với các đơn vị y tế dự phòng các quận, huyện mới đây, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, không chỉ lo bệnh sốt xuất huyết tăng mà bệnh do vi rút Zika cũng đang gia tăng. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận có 19 ca bệnh do vi rút Zika tại 11 quận, huyện, trong đó có 3 thai phụ xét nghiệm dương tính với vi rút Zika. Tổng số ca mắc bệnh tay chân miệng là 970 ca, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, bệnh thủy đậu, quai bị trên địa bàn thành phố cũng đang vào đợt cao điểm. Hiện mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận trung bình 5 trẻ mắc bệnh thủy đậu và 1 - 2 ca mắc bệnh quai bị. Trên địa bàn dân cư, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã ghi nhận thêm hai ổ dịch thủy đậu, hai ổ dịch quai bị và một ổ dịch tay chân miệng. Đặc biệt, các ổ dịch, chùm ca bệnh này lại xuất hiện trong trường học. Trong đó, tại một trường mầm non trên địa bàn quận 11 cùng lúc có cả chùm ca bệnh thủy đậu và tay chân miệng.

Theo ghi nhận, toàn thành phố có 122 ca bệnh thủy đậu, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2016 và 124 ca mắc bệnh quai bị, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước. Bệnh thương hàn là một bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch, từ đầu năm 2017 đến nay ghi nhận 3 ca nhiễm vi khuẩn thương hàn tại TP.HCM.

Chị Đỗ Hoài Thu, ngụ tại quận Tân Bình cho biết, đang “khổ sở” vì con trai 4 tuổi mắc bệnh thủy đậu trong khi chị đang phải chăm con gái nhỏ mới 9 tháng tuổi, chồng chị thì đi công tác xa. Cũng may, đi khám bác sĩ nói cháu bị thủy đậu ở thể nhẹ nên có thể chăm sóc tại nhà. Chị Thu cho biết, do chủ quan nên chị không đưa con đi chủng ngừa thủy đậu.

Theo các bác sĩ, tại các tỉnh miền Nam, dịch thủy đậu diễn ra hàng năm theo chu kỳ từ tháng 2 đến tháng 6, đỉnh điểm của dịch rơi vào khoảng tháng 4 đến tháng 5. Đặc tính của thủy đậu là có tốc độ gia tăng nhanh chóng và khó kiểm soát. Vi rút thủy đậu có thể phát tán trước khi phát hiện bệnh và tồn tại trong vùng hầu, họng của người bệnh đến 3 tuần sau khi hết bệnh. Do vậy, thông thường nếu trong gia đình hoặc môi trường tập thể chỉ cần một người mắc sẽ lần lượt lây bệnh hết cho những người còn lại.

Bệnh nhi khám chích ngừa vắc xin phòng bệnh tại bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: T.D.

Theo bác sĩ Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, thương hàn là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonellatyphi gây ra. Vi khuẩn này có thể tồn tại trong môi trường nước 2-3 tuần, trong phân và trong nước đá 2-3 tháng. Người bị mắc bệnh này do ăn phải thức ăn và uống bị nhiễm khuẩn mà không được nấu chín hoặc do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, người mang vi khuẩn qua chất thải, chân, tay, đồ dùng bị nhiễm khuẩn.

Người nhiễm bệnh thương hàn thường có biểu hiện sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, táo bón hoặc tiêu chảy, đôi khi đi ngoài ra máu, có những nốt hồng ban trên thân, bệnh nặng có thể mê sảng, ảo giác và có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Bệnh này rất dễ lây và có thể rất nghiêm trọng. Để phòng ngừa lây nhiễm căn bệnh này cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bệnh thương hàn có thể phòng ngừa bằng vắc xin. Có hai loại vắc xin được sử dụng: Loại vắc xin bất hoạt dùng qua đường tiêm và loại vắc xin sống được giảm độc lực dùng qua đường uống. Những người chế biến thực phẩm, kinh doanh ăn uống, người đi du lịch thường xuyên cần tiêm phòng ngừa căn bệnh này. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả phòng bệnh cần kết hợp nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh.

Để phòng bệnh các bệnh vào mùa nóng cho trẻ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyên phụ huynh cần cho trẻ uống đủ nước, giữ cho cơ thể trẻ thoáng mát bằng cách mặc quần áo thoáng mát; phòng ngủ cần thông thoáng, mát mẻ dễ ngủ vì không ngủ được, trẻ cũng bệnh. Nếu để máy lạnh thì nhiệt độ tốt nhất là khoảng 27 độ C. Nếu dùng quạt thì chú ý không để luồng gió quạt trực tiếp vào trẻ suốt đêm. Ngoài ra, tránh để trẻ bị chênh lệch nhiệt độ nhiều khi từ ngoài trời nắng vào trong phòng máy lạnh.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tp-ho-chi-minh-dich-benh-dien-bien-phuc-tap.aspx