TP Hồ Chí Minh: Khi nhà đất công... chảy máu

Trong điều kiện TP Hồ Chí Minh phải chia sẻ gánh nặng ngân sách với cả nước thì thông tin việc bán đấu giá thành công khu đất 3.000m2 tại số 23 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, với số tiền thu được là 1.430 tỷ đồng là tín hiệu vui. Có điều, từ sự kiện này đặt ra vấn đề làm gì để ngăn chặn hiện tượng công sản đang chảy máu khi có hàng loạt khu đất vị trí đắc địa là tài sản Nhà nước đã được nhiều doanh nghiệp (DN) âm thầm chuyển nhượng với mức giá rẻ đến không ngờ trong sự bất bình của nhân dân.

Khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn, có diện tích 4.953m2, được “chuyển nhượng trong bí mật” với giá 200 tỷ đồng. Ảnh: GT

Bất thường nối tiếp bất thường

Ngay sau khi đơn vị trúng đấu giá khu đất số 23 đường Lê Duẩn đã chuyển 1.430 tỷ đồng cho ngân sách thì ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP Hồ Chí Minh đã khẳng định với báo chí rằng: Đây là mức kỷ lục trong tất cả các phiên đấu giá tại địa phương. Mức giá trúng đấu giá cao hơn 2,6 lần so với giá khởi điểm, cũng là tài sản nhà, đất có giá bán đấu giá cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, cũng trên cùng tuyến đường, khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn, đối diện trụ sở UBND quận 1, có diện tích 4.953m 2 , với vị trí 3 mặt tiếp giáp với các con đường lớn tại trung tâm lại được “chuyển nhượng trong bí mật” từ 4 DN của Bộ Công thương cho một liên doanh khác với giá 200 tỷ đồng. Điều đáng nói là khu đất này được cấp phép xây dựng lên đến 36 tầng, còn khu đất số 23 đường Lê Duẩn chỉ được xây dựng cao tối đa 22 tầng.

Cũng tại khu vực trung tâm, hàng chục ha đất là tài sản Nhà nước cũng được giao cho Cty Tân Liên Phát thực hiện dự án (D.A) kinh doanh bất động sản trong sự ngỡ ngàng của dư luận, vì những vị trí có mặt tiền sông Sài Gòn nếu áp dụng đấu giá đất công khai như trường hợp 23 đường Lê Duẩn thì ngân sách sẽ thu được nhiều hơn gấp nhiều lần.

Thực trạng này cũng diễn ra với 1,5ha đất có vị trí đắc địa tại số 1bis 1kep đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, khi qua 3 đời chủ đầu tư thì đơn vị cuối cùng là Cty Bến Thành Sao Thủy lại được giao thực hiện xây dựng khách sạn và nhà cao tầng dù qua kiểm toán đã phát hiện DN vẫn còn nợ tiền sử dụng đất hơn 300 tỷ đồng.

Theo phản ánh của những hộ dân bị thu hồi đất tại số 1bis 1kep, nếu áp dụng quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện D.A sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề mà công dân đang khiếu nại. Đó là ngân sách sẽ thu được hàng ngàn tỷ đồng, đủ để đền bù nhà đất cho người dân, cũng như có thêm nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông khu vực quận 1 thay vì phải để Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải phải lăn xả xuống đường để lấy lại vỉa hè cho người đi bộ.

Nổi cộm và nhức nhối nhất về câu chuyện chảy máu công sản trong lĩnh vực nhà đất là hành vi sai phạm của lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh vào tháng 7/2007 đã chấp thuận giao 5 khu đất với tổng diện tích hơn 1 triệu m 2 tại các vị trí thuận lợi để kinh doanh bất động sản cho Công ty GS Engineering & Construction để nhận lại công trình đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài với giá trị thi công ước tính là 340 triệu USD. Ngay sau khi nhận được đất, chủ đầu tư đã xây dựng hàng loạt nhà cao tầng và thu được lợi nhuận khổng lồ vì thời điểm 2008 - 2009 là lúc nhà đất sốt giá.

Cơ sở nhà đất số 1-5 Trần Hưng Đạo là tài sản Nhà nước nhưng bị “bán” cho một DN điện máy và đang được cho thuê với giá 500 triệu đồng/tháng. Ảnh: GT

Điều đáng lưu ý là tại thời điểm lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện việc đổi đất lấy đường thì Luật Đất đai 2003 đã nghiêm cấm việc đổi đất lấy hạ tầng, còn nhà, đất công phải đấu giá công khai nhưng mọi sai phạm chỉ được Thanh tra Chính phủ làm rõ sau đó gần 5 năm tại Kết luận số 158/KL-TTCP, do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh ký ngày 30/1/2011.

Sai phạm nối tiếp sai phạm

Ngay sau khi những sai phạm trong việc đổi 5 khu đất lấy 1 con đường được Thanh tra Chính phủ làm rõ trên cơ sở xác minh khiếu nại, tố cáo của nhân dân phường 2, quận Tân Bình đối với quá trình thực hiện đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài thì một số khu đất đã được chủ đầu tư nhanh tay chuyển nhượng cho các đối tác khác như khu đất số 90A đường Lý Thường Kiệt, quận 10 được chuyển cho Cty Cổ phần Phú Sơn Thuận thực hiện xây dựng nhà cao tầng dù số tiền sai phạm 37 triệu USD được thanh tra kết luận vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Trong khi đó, Công ty GS Engineering & Construction lại được UBND TP Hồ Chí Minh ưu ái giao tiếp khu đất gần 350ha tại huyện Nhà Bè để thực hiện D.A đô thị, cũng như giao thêm đất tại huyện Củ Chi để DN này làm sân golf 36 lỗ. Theo thông tin mới nhất, đầu năm 2017 D.A này đã được chuyển nhượng cho DN khác kèm theo điều kiện phải cắt ra 100ha để xây dựng nhà ở.

Tại nhiều buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh về chấn chỉnh sai phạm trong giao đất không qua đấu giá dễ phát sinh tham nhũng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đã yêu cầu kiểm tra lại một số D.A mà công dân có khiếu nại, tố cáo về quy trình biến đất công thành đất tư nhưng tại nhiều D.A của địa phương vẫn tiếp diễn hiện tượng chảy máu công sản.

Điểm nóng của tình trạng này là quá trình thoái vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn khi hàng chục cơ sở nhà đất có vị trí đắc địa tại quận 1, quận 3, quận 5, quận 8… vốn là các kho lương thực, cửa hàng thực phẩm từ thời bao cấp đã được âm thầm chuyển sang hình thức bán đấu giá cổ phần.

Đó còn là câu chuyện được Thanh tra TP Hồ Chí Minh kết luận đối với Công ty Cổ phần Chế tạo máy Sinco đối với 680m 2 nhà đất tại số 1-5 đường Trần Hưng Đạo, quận 1 đã được âm thầm “bán” cho Công ty Điện máy Nguyễn Kim để rồi được cho thuê lại với giá 500 triệu đồng/tháng.

Điều đáng lo ngại là, nhiều diện tích đất do Nhà nước quản lý nhưng lại được giao cho các DN tư nhân kinh doanh bất động sản như vụ việc sai phạm hơn 500 tỷ đồng tại D.A bất động sản của Sacomreal tại khu đất vườn rau Tân Thắng, quận Tân Phú.

Hay phát sinh sai phạm khi Nhà nước chi ngân sách để giải tỏa 160ha đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng sau đó lại giao cho gần 50 DN làm D.A không qua đấu giá, gây thất thu cho ngân sách, gây ra hiện tượng tiếp khiếu, tiếp tố kéo dài của nhân dân.

Tài sản Nhà nước là khu đất 1,3ha tại quận 7, có giá trị 500 tỷ đồng đang được Cty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn cho thuê làm bãi giữ xe. Ảnh: GT

Nhận định về câu chuyện này, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Luật sư Trưởng Hãng Luật Giải Phóng cho rằng: Luật Đất đai đã quy định phải đấu giá nhà, đất công khi mục đích sử dụng đất là xây dựng nhà, kinh doanh bất động sản. Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định đầy đủ về các hành vi sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà đất thuộc diện công sản. Hiện tượng một số chủ đầu tư cùng một số cơ quan chủ quản báo cáo không đầy đủ về hiện trạng các khu đất để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển nhượng không qua đấu giá đã diễn ra trong nhiều năm qua là việc làm không phù hợp vì theo quy định để giải thích Luật Đất đai thì phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện.

Để bịt kín kẽ hở của chính sách, hạn chế thấp nhất hiện tượng chảy máu công sản, luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho biết: Qua theo dõi thông tin thì năm 2017 kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu DN Nhà nước, thanh tra một số doanh nghiêp Nhà nước chuyển nhượng bất động sản tại các vị trí đắc địa, thuận lợi. Đây sẽ là giải pháp tốt để chấn chỉnh và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng trong lĩnh vực nhà đất, quản lý tài sản công mà nhân dân quan tâm trong thời gian qua.

Giáng Thăng

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/tp-ho-chi-minh-khi-nha-dat-cong-chay-mau_t114c39n116071