TP Hồ Chí Minh tập trung ngăn chặn thực phẩm chứa hóa chất độc hại

Vừa qua, một số loại thực phẩm bún, bánh canh, phở... được phát hiện có chứa hóa chất độc hại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã gây nên lo ngại về tình trạng lạm dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Ðể ngăn chặn tình trạng đó, sắp tới các cơ quan chức năng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất, chợ truyền thống, nhà phân phối.

Thực tế cho thấy, thông tin về bún, bánh canh, bánh cuốn, phở... có chứa độc tố xuất phát từ công bố của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) về việc có 80% số lượng mẫu thực phẩm từ bún tươi, bánh canh... có sự hiện diện của chất làm trắng quang học (tinopal). Ðây là kết quả cuộc khảo sát nhanh từ 30 mẫu sản phẩm tươi chế biến từ gạo như: bún, bánh canh, bánh phở, bánh hỏi... Kết quả có đến 24 mẫu có chứa tinopal. Ðặc biệt, 100% các mẫu bánh ướt, bánh canh, bánh hỏi có sự hiện diện của chất này. Ngay sau khi công bố, thông tin trên nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý của TP Hồ Chí Minh phản ứng lại vì họ cho rằng đây là kết quả của một đơn vị đơn phương tự kiểm nghiệm và không thông báo hay gửi kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước xem xét, xác nhận kết quả trước khi công bố.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Lê Ngọc Ðào cho biết, sau khi có kết quả phát hiện một số mẫu bún, bánh tươi chứa chất độc hại và lạm dụng một số hóa chất, phụ gia vượt mức cho phép, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã lấy 33 mẫu bún và bánh tươi, trong đó có 19 mẫu âm tính, số mẫu còn lại đang tiếp tục phân tích làm rõ.

Tuy nhiên, Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh Huỳnh Lê Thái Hòa lại cho biết, khi có thông tin về bún, bánh canh... nhiễm độc mà Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng công bố, đoàn thanh tra của Sở Y tế có đi kiểm tra, giám sát và lấy mẫu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bún tươi trên địa bàn thành phố. Trong đó có bảy mẫu được lấy và phát hiện bảy mẫu bún này có chứa chất tinopal, hai mẫu chứa a-xít Oxalic, một mẫu chứa chất bảo quản Natribenzoat vượt giới hạn cho phép. Ðây là những hóa chất không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm vì làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Như vậy có thể thấy, việc sử dụng hóa chất trong thực phẩm đã trở nên khá phổ biến. Bởi trước khi có thông tin về bún nhiễm chất tinopal, cơ quan chức năng từng phát hiện nước tương chứa 3-MCPD, cháo dinh dưỡng cho trẻ sử dụng quá mức chất bảo quản Natribenzoat, hạt dưa chứa phẩm mầu công nghiệp Rhodamine B... Ðây là những thực phẩm được người tiêu dùng sử dụng khá thường xuyên, tuy nhiên chỉ khi các cơ quan chức năng thông tin người tiêu dùng mới biết, chứ thực tế bằng mắt thường người tiêu dùng không thể nhận biết được.

Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam Nguyễn Chấn Hùng cho rằng, sử dụng thực phẩm bẩn, nhiễm độc là một trong những nguyên nhân khiến gia tăng bệnh tật, nhất là các bệnh mạn tính không lây. Vì nếu sử dụng thực phẩm chứa hóa chất độc hại tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà có thể gây ra ngộ độc cấp tính và hoặc tích tụ gây ngộ độc mạn tính sau này.

Mặt khác, sau khi có thông tin về những loại bún, bánh tươi có chứa chất độc hại đã làm ảnh hưởng rất lớn sức mua của những mặt hàng này. Ghi nhận tại một số chợ như Phạm Văn Hai (Tân Bình), Thị Nghè (Bình Thạnh), Vườn Chuối (quận 3), Bến Thành (quận 1)... hiện sức mua các loại thực phẩm bún, bánh canh, bánh phở... đã giảm gần 50%. Không chỉ các tiểu thương tại các chợ lẻ bị ảnh hưởng mà các nhà sản xuất bún chân chính, bún "sạch", có kiểm nghiệm chất lượng đầu vào cũng đang điêu đứng, thậm chí chấp nhận bù lỗ để chờ ngày thị trường lấy lại được niềm tin vào các loại thực phẩm trên. Ðại diện của cơ sở sản xuất bún tươi Tú Linh (Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho biết, trước khi có thông tin bún nhiễm độc, mỗi ngày cơ sở này sản xuất khoảng hai tấn, sau khi xuất hiện thông tin bún nhiễm độc, cơ sở chỉ còn sản xuất cầm chừng khoảng 500 kg.

Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh có khoảng hơn 200 cơ sở sản xuất bún, bánh tươi. Các cơ sở phần lớn tập trung ở các quận, huyện ngoại thành như quận Gò Vấp, Thủ Ðức, quận 9, Hóc Môn, Củ Chi... Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng sử dụng các chất cấm trong việc sản xuất bún, từ nay tới ngày 10-8, Sở Công thương sẽ phối hợp Sở Y tế, các quận, huyện tiến hành kiểm tra tất cả hệ thống phân phối, các cơ sở sản xuất bún tươi trên địa bàn thành phố. Sau đó tiếp tục kiểm tra ở tất cả các chợ truyền thống. Ngoài ra, sẽ phối hợp hệ thống chính trị như: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên... tập trung tuyên truyền về Luật An toàn vệ sinh thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người trong công tác ngăn chặn thực phẩm có chứa chất độc hại.

"Tinopal là hóa chất độc hại dùng trong sản xuất giấy và vải, còn a-xít oxalic dùng trong công nghiệp chế biến gỗ, lạm dụng chất này có thể gây chết người. Do vậy, việc sử dụng các hóa chất trên để sản xuất bún, bánh là không thể chấp nhận" - Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết. Ðể ngăn chặn tình trạng trên, Sở Y tế sẽ phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu kiểm tra định kỳ và đột xuất với các loại thực phẩm từ bột và ngũ cốc, đồng thời mở rộng kiểm tra các chất phụ gia không an toàn. Chỉ khi phối hợp thông tin kiểm tra, lấy mẫu theo đúng quy trình trước khi công bố rộng rãi thì việc cảnh báo, chấn chỉnh, xử lý các cơ sở vi phạm sẽ mang tính hiệu quả cao. Mặt khác, sở sẽ tập huấn hướng dẫn các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm tới các cơ sở sản xuất, nhà phân phối, các tiểu thương tại chợ, tiến hành cho các cơ sở sản xuất bún, bánh tươi ký cam kết không sử dụng các phụ gia, chất độc hại trong thực phẩm. Từ đó nhằm tạo được niềm tin trong người tiêu dùng, hướng đến nâng cao nhận thức của người sản xuất, để họ sản xuất ra các loại thực phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

HÀ HƯƠNG

Theo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/20893702-.html