TPHCM cần gần 35 tỷ USD cho 10 tuyến metro

Theo đề án, từ nay đến năm 2060, TPHCM sẽ thực hiện 10 tuyến metro (hơn 510km) với tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 824.000 tỷ đồng (khoảng 34,39 tỷ USD).

Thông tin nói trên được Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM Trần Quang Lâm nêu tại cuộc họp nghe báo cáo về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì diễn ra mới đây.

Theo Giám đốc Sở GTVT TPHCM, thời gian qua, Sở cùng các sở, ban ngành, đơn vị liên quan đã xây dựng Đề án metro, đề xuất định hướng phát triển, xây dựng lộ trình, kế hoạch, hình thức đầu tư, phương án huy động nguồn vốn. Bên cạnh đó là các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn TPHCM đến năm 2035 và các tuyến mới dự kiến bổ sung trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Cụ thể, đến năm 2035, TPHCM sẽ xây dựng hoàn thành khoảng 182,49km metro (bao gồm các tuyến số 1: 40,8km, số 2: 20,22/62,8km, số 3: 29,53/62,17km, số 4: 36,82/43,4km, số 5: 32,5/53,87km; số 6: 22,85/53,8km).

 Một đoạn thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM (Bến Thành - Suối Tiên). Ảnh: Duy Anh

Một đoạn thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM (Bến Thành - Suối Tiên). Ảnh: Duy Anh

Đến năm 2045, TPHCM sẽ có thêm khoảng 168,36km (hoàn thiện phần còn lại của các tuyến số 2,3,4,5,6) và thực hiện tuyến số 7. Bao gồm tuyến số 2: 42,8 km; số 3: 2,64km; số 4: 6,58km; số 5: 21,37km; số 6: 30,95km; số 7: 51,23km.

Đến năm 2060, TPHCM tiếp tục xây dựng các tuyến metro số 8, 9, 10, qua đó nâng tổng chiều dài hệ thống đường sắt đô thị của thành phố lên khoảng 510,02km. Cụ thể: tuyến số 8: 42,8km; số 9: 28,31km; số 10: 87,84km.

Dự kiến tổng mức đầu tư cho 10 tuyến metro tại TPHCM là hơn 824.000 tỷ đồng (khoảng 34,39 tỷ USD).

Tại cuộc họp, bên cạnh ý kiến của các sở, ban ngành, các chuyên gia cho rằng bài toán về nguồn vốn là vấn đề then chốt để TPHCM thực hiện được mục tiêu hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị như đề án đã nêu. Từ đó, TPHCM cần làm rõ hình thức đầu tư, phương án nguồn vốn, huy động nguồn vốn và các cơ chế đột phá mới, chính sách đặc thù mới. Với các cơ chế nào ngoài Nghị quyết 98 thì nên đề xuất cụ thể, nhất là nhóm cơ chế tài chính.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM là một nội dung cụ thể hóa thực hiện Kết luận số 49 của Bộ Chính trị. Đây cũng là công cụ quan trọng để thành phố tái cấu trúc đô thị, phát triển mô hình đô thị đa trung tâm, phân bố dân cư phù hợp các hoạt động kinh tế - xã hội với siêu đô thị như TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Giám đốc Sở GTVT và các thành viên Tổ công tác, các sở, ban ngành góp ý cụ thể đúng với chuyên môn của từng ngành cho đề án. Sở GTVT sẽ tiếp thu, cập nhật những ý kiến góp ý vào Đề án, chậm nhất là đến ngày 15/5 trình UBND TPHCM để UBND TPHCM xem xét, gửi đến Bộ GTVT.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 183 km metro, TPHCM sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có các Nghị định, Nghị quyết với tinh thần áp dụng những cơ chế mới phân quyền, phân cấp để thành phố thực hiện.

Hữu Huy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tphcm-can-gan-35-ty-usd-cho-10-tuyen-metro-post1636481.tpo