TPHCM cần sớm phát triển mạnh du lịch y tế

Với doanh thu từ du lịch khám chữa bệnh đạt 60 tỉ đô la Mỹ trên toàn cầu với mức tăng trưởng 20%/năm, trong đó khu vực Đông Nam Á được cho rất có tiềm năng nên một đại biểu HĐND TPHCM đề xuất thành phố cần sớm bắt tay phát triển mạnh du lịch y tế.

Thảo luận tại hội trường kỳ họp HĐND TPHCM sáng nay, 5-7 - Ảnh: Văn Nam

Sáng nay (5-7), kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa IX đã có phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. Các nội dung thảo luận xoay quanh việc làm sao để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 8,4-8,7%; phát triển doanh nghiệp nhiều hơn, hộ kinh doanh cá thể chuyển lên doanh nghiệp nhiều hơn; quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè làm sao thực sự hiệu quả; công tác cải cách thủ tục hành chính…

Khi bàn về giải pháp cho phát triển kinh tế, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân (quận Bình Thạnh) cho rằng ngành du lịch TPHCM vẫn chưa thực sự có sản phẩm đặc trưng, vì thế đại biểu này đề xuất nên lấy ngành du lịch khám chữa bệnh làm sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố.

“Thành phố có điều kiện về y tế khá tốt, lực lượng y bác sĩ, dịch vụ lưu trú và các dịch vụ đi kèm cũng khá tốt nên ngành du lịch và ngành y tế cần có chiến lược phát triển, ít nhất là trong 5 năm tới. Về Tây y có nha thẩm mỹ, về Đông y có châm cứu, bấm huyệt, nam dược và kết hợp suối nước khoáng, nước nóng … với các đối tượng khách hàng có thể là người Việt Nam ở nước ngoài. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), du lịch chữa bệnh có doanh thu hàng năm khoảng 60 tỉ đô la Mỹ trên toàn cầu, tốc độ tăng trưởng 20%/năm và khu vực Đông Nam Á rất có tiềm năng phát triển loại hình dịch vụ này”, đại biểu Hoàng Quân nêu đề xuất.

Theo UBND thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2017, khách quốc tế đến TPHCM đạt gần 2,8 triệu lượt, tăng gần 15% so cùng kỳ, doanh thu ngành du lịch trong 6 tháng đạt hơn 53.600 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ và đạt gần 48% chỉ tiêu doanh thu cả năm nay là 112.000 tỉ đồng.

Câu chuyện du lịch khám chữa bệnh được nhiều chuyên gia đề cập trong thời gian gần đây bởi thực tế đã có một số bệnh viện khai thác loại hình này. Tuy số lượng người nước ngoài đến khám chữa bệnh vẫn còn ít trong tổng số khách quốc tế đến thành phố nhưng thị trường du lịch y tế được cho là rất tiềm năng. Tại các bệnh viện Chợ Rẫy, Đại học Y Dược, FV, Từ Dũ, An Sinh, Vạn Hạnh, mỗi năm có khoảng 40.000 lượt người từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Campuchia... đến sử dụng dịch vụ.

Liên quan đến phát triển doanh nghiệp, đại biểu Hoàng Quân cho rằng để tham gia lập nghiệp thì dựa trên tháp tuổi của Việt Nam và tổng dân số thành phố hiện xấp xỉ trên 10 triệu người, trừ số vãng lai còn lại hơn 5 triệu người, nếu chia cho 500.000 doanh nghiệp thì bình quân 10 người thành lập 1 doanh nghiệp và theo đại biểu Hoàng Quân, điều này dễ dẫn đến quy mô doanh nghiệp thành phố sẽ là những doanh nghiệp siêu nhỏ.

Ông Quân đặt vấn đề, nên chăng bên cạnh chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa, thành phố cần đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp quy mô lớn để tích tụ hàm lượng khoa học công nghệ, tích tụ năng lực sản xuất để nâng cao khả năng cạnh tranh, những doanh nghiệp lớn sẽ làm đầu tàu cho chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp then chốt. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ tồn tại và sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong lúc đó, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cho rằng để phát triển hoàn thiện về hạ tầng thành phố cần phải huy động thêm trên 330.000 tỉ đồng nữa trong thời gian tới, trong đó nguồn vốn chính vẫn là vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mà muốn thu hút vốn FDI tốt thì thành phố phải cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong 6 tháng đầu năm nay thành phố thu hút được khoảng 2,3 tỉ đô la Mỹ vốn FDI.

Đại biểu Ngọc Thúy cho rằng muốn kinh tế tăng trưởng bền vững thì nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ phải được đầu tư hơn về trang thiết bị, công nghệ cao nên chính quyền thành phố cần có chính sách bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Với chỉ tiêu 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020, đại biểu Thúy cho rằng thành phố hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp được thành lập mới nằm trong các ngành, lĩnh vực mà thành phố định hướng phát triển (công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ …).

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/162180/tphcm-can-som-phat-trien-manh-du-lich-y-te.html/