TPHCM khởi động hệ sinh thái khởi nghiệp ICT

Việc thành lập Ban điều hành Hệ sinh thái ICT TPHCM đã đánh dấu việc chính thức khởi động các hoạt động hỗ trợ startup công nghệ trong giai đoạn 2017-2020 tại TPHCM.

Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TPHCM gồm các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ. Ảnh: Ban tổ chức Cloud8

Chiều 26-5, tại sự kiện Ngày hội Cloud8, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, đã trao quyết định thành lập Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông (ICT) TPHCM giai đoạn 2017-2020. Đây cũng là một trong những hoạt động liên quan tới Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo tại TPHCM.

Ban điều hành hệ sinh thái bao gồm 21 thành viên là đại diện của các doanh nghiệp ICT, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm khởi nghiệp tại TPHCM… Trong đó có những doanh nghiệp và các tổ chức quen thuộc trong lĩnh vực công nghệ như Microsoft Việt Nam, IBM Việt Nam, Sao Bắc Đẩu, Lạc Việt, Qualcomm Vietnam, HPT, CMC, Hội Tin học TPHCM, Vườn ươm Doanh nghiệp phần mềm Quang Trung, Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp-SiHUB, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao… Những thành viên sẽ cùng đồng hành hỗ trợ khởi nghiệp trong ban điều hành.

Khởi nghiệp hiện đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và hỗ trợ từ Nhà nước. Việc hình thành Hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TPHCM sẽ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tư vấn hỗ trợ startup; kết nối các startup với các doanh nghiệp ICT; mở ra cơ hội hợp tác, tạo ra những sân chơi mà ở đó các doanh nghiệp lớn và các startup nhỏ có thể cùng nhau phát triển giải pháp.

Trại buổi giao lưu với các startup, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TPHCM, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu cho biết, sự tham gia đóng góp từ các nhóm khởi nghiệp trẻ trong lĩnh vực CNTT, phần lớn xoay quanh hoạt động phát triển phần mềm và ứng dụng di động nên cơ hội tham gia được vào các dự án lớn là rất thấp. Do đó, các nhóm khởi nghiệp nên liên kết với các doanh nghiệp lớn để hình thành những vệ tinh cung ứng các giải pháp trong các nhóm ngành như giao thông, môi trường, công nghệ cao.

Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm, việc hình thành Hệ sinh thái với sự tham gia của cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp ICT… sẽ giúp hỗ trợ startup hiệu quả hơn. Ban điều hành sẽ tổ chức, kết nối các startup với các tập đoàn công nghệ, các công ty đang cung cấp giải pháp công nghệ…

Ban điều hành Hệ sinh thái thái khởi nghiệp ICT TPHCM đang có kế hoạch tập hợp và phát triển đội ngũ cố vấn khởi nghiệp (mentor) với số lượng tối thiểu khoảng 20 người trong mảng công nghệ nhằm hỗ trợ cho 100-200 dự án khởi nghiệp. Đồng thời, ban điều hành cũng sẽ tổ chức các hoạt động kết nối, hợp tác phát triển giải pháp công nghệ ở trong nước cũng như nước ngoài nhằm đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/160564/tphcm-khoi-dong-he-sinh-thai-khoi-nghiep-ict.html/