TPHCM: Lập các 'phố hàng rong' và giúp dân chuyển đổi nghề

Song song với chiến dịch tiếp tục giành lại lòng đường, vỉa hè, chính quyền thành phố đang nỗ lực tìm các phương án tổ chức các “phố hàng rong” để giúp người dân buôn bán lấn chiếm vỉa hè hiện nay có nơi kinh doanh hợp pháp. Đồng thời, chính quyền cũng đang tính đến giải pháp giúp người dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp, nhằm ổn định cuộc sống lâu dài.

Mô hình phố hàng rong trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1, TPHCM).

Tổ chức “phố hàng rong” thôi, chưa đủ

Sau khoảng 2 tháng các quận, huyện tại TPHCM triển khai chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè, đến nay đã có những chuyển biến tích cực, nhiều tuyến đường đã thông thoáng hẳn. Đi kèm với việc dẹp vỉa hè thời gian qua cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những người dân lâu nay mưu sinh buôn bán trên vỉa hè, do vậy để giải quyết vấn đề này cũng như nhằm duy trì trật tự vỉa hè một cách bền vững, thành phố đang tìm các phương án tổ chức lại cuộc sống cho người lao động. Điển hình tại quận 1, UBND quận đang xây dựng đề án “khu ẩm thực thí điểm kinh doanh có thời gian trên một số tuyến đường quận 1” hay còn gọi là “phố hàng rong”.

Theo đó, quận 1 dự kiến thí điểm phố hàng rong hợp pháp trên vỉa hè tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp. Tại đây các hộ dân sẽ được bố trí buôn bán theo 2 khung giờ (từ 6-9h sáng và từ 11-13h trưa), được tập huấn an toàn thực phẩm, kỹ năng bán hàng.... Bàn ghế sẽ được đơn vị tài trợ trang bị theo mẫu thống nhất đảm bảo mỹ quan, phù hợp với cảnh quan. Các hộ buôn bán tại khu vực này không phải đóng tiền và được xem xét miễn thuế... Sau thời gian thí điểm 6 tháng, quận 1 sẽ triển khai ra các khu vực khác ở các phường trong quận.

Không chỉ quận 1, hiện UBND quận 4 cũng có kế hoạch sắp xếp, bố trí 3-4 điểm phố hàng rong (đường Vĩnh Khánh, Lê Quốc Hưng, Lê Văn Linh), để giải quyết chỗ kinh doanh hợp pháp cho những người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường trên địa bàn hiện nay.

Cần thêm nhiều phương án, giúp dân chuyển đổi nghề phù hợp

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cũng nhìn nhận việc lựa chọn người dân vào “phố hàng rong” là vấn đề khó khăn, bởi câu chuyện được bố trí, chưa bố trí hay không bố trí là rất nặng lòng. “Những người không được giải quyết vào phố hàng rong mới là gánh nặng, họ sẽ chạnh lòng vì cho rằng không được quan tâm. Vì vậy, chính quyền phải tính toán nhiều phương án cho bà con chứ tập trung bán hàng không là chưa đủ. Phải có phương án giúp đỡ bà con để không rơi vào cảnh đói, con cháu bỏ học…” - ông Tuyến chia sẻ.

Ông Trần Thế Thuận - Chủ tịch UBND quận 1 - cho biết, ngoài tổ chức “phố hàng rong” bố trí người dân vào buôn bán hợp pháp, chính quyền quận cũng khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ người bán hàng rong học nghề, chuyển đổi công việc để có thu nhập cao, ổn định, lâu dài. Vừa qua quận 1 cũng đã đi khảo sát thực tế cuộc sống người dân theo những nhóm tiêu chuẩn khác nhau, từ đó sẽ có kế hoạch phù hợp. Ông Trần Thế Thuận lấy ví dụ cụ thể như một hộ dân nghèo bán hàng rong trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1), cả gia đình gồm hai chị em và 2 đứa con nhỏ với thu nhập chính từ quầy tạp hóa nhỏ trên vỉa hè. Đây được xem là thu nhập chính, cứu cánh cho cả gia đình. Tuy nhiên, khi lập lại trật tự đô thị, chính quyền quận 1 đã vận động hộ dân này chuyển đổi công việc. Cụ thể, người chị lớn tuổi thì có thể bám víu với quầy tạp hóa, còn người em thì nên đi học nghề để có công việc ổn định, tăng thu nhập. Trong thời gian đi học, quận 1 sẽ vận động các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí cho người dân để khỏi mất thu nhập.

Với những người ngoài độ tuổi lao động, quận 1 phối hợp với các tổ chức đoàn thể, hội phụ nữ giới thiệu việc làm. Cụ thể như sắp tới tiểu thương chợ Bến Thành đồng thuận xài túi giấy thay túi nylon. Khi đó, công việc này cần người gia công, dán túi nên phòng lao động quận 1 sẽ nhận hợp đồng gia công túi giấy về cho người dân gia công, người nhà có thể tham gia làm để tăng thu nhập, mà không phải buôn bán lấn chiếm vỉa hè...

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, về lâu dài, chính quyền phải bố trí địa điểm phù hợp để tập trung “những thương hiệu vỉa hè” vào kinh doanh, việc này cũng phục vụ phát triển du lịch. Ông Tuyến cũng đề nghị quận 1 nghiên cứu các trường hợp người dân có các quầy hàng lâu năm buôn bán trên vỉa hè, sắp xếp cho người dân tiếp tục buôn bán nhưng đảm bảo trật tự. M.Q

MINH QUÂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/tphcm-lap-cac-pho-hang-rong-va-giup-dan-chuyen-doi-nghe-648873.bld