TPHCM: Lắp trạm bơm chống ngập cho đường Kinh Dương Vương

UBND TPHCM vừa chấp thuận việc xây dựng một trạm bơm thoát nước công suất 42.000 m3/giờ để giải quyết tình trạng ngập nước cho khu vực tuyến đường Kinh Dương Vương và 44 tuyến hẻm tại quận Bình Tân. Đây là một trong những "rốn ngập" tại thành phố kéo dài trong nhiều năm qua gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân.

Ngập nước trên đường Kinh Dương Vương mùa mưa năm 2015 - Ảnh: Minh Thành

Theo một thông báo của UBND thành phố ngày 9-9, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Khoa khẳng định hiện nay việc thi công dự án cải tạo hệ thống thoát nước và nâng cấp đường Kinh Dương Vương đang gây ảnh hưởng rất lớn đến giao thông, đời sống, sinh hoạt của các hộ dân sống dọc hai bên tuyến đường và các khu vực tiếp giáp.

Để giảm thiểu bức xúc, thiệt hại, tránh ảnh hưởng cuộc sống của người dân dọc tuyến đường Kinh Dương Vương, UBND thành phố thống nhất đề xuất của Sở Giao thông Vận tải về việc điều chỉnh độ cao thiết kế đường Kinh Dương Vương theo hướng sau:

- Đối với đoạn đã thi công thảm bê tông nhựa (đã được người dân đồng thuận về cao độ): giữ nguyên cao độ, tiếp tục thi công hoàn thiện mặt đường, điều chỉnh độ dốc vỉa hè từ 2% xuống 0,5% (giảm độ cao vỉa hè khoảng 10 cm tại vị trí sát nhà dân).

- Đối với đoạn chưa thi công thảm nhựa bê tông: điều chỉnh hạ cao độ mặt đường 25 cm so với thiết kế đã được duyệt, điều chỉnh độ dốc vỉa hè từ 2% xuống 0,5% (giảm cao độ vỉa hè khoảng 10 cm tại vị trí sát nhà dân).

Việc hạ độ cao đoạn chưa thi công phải đảm bảo kết nối kỹ thuật, an toàn giao thông với 2 đoạn đầu đã thi công và phải được các hộ dân đồng thuận.

UBND thành phố giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước phối hợp Sở Giao thông Vận tải, UBND quận Bình Tân khẩn trương thiết kế, xây dựng, lắp đặt trạm bơm công suất 42.000 m3/giờ nói trên để giải quyết tình trạng ngập úng trong khi chờ hoàn thành dự án cống kiểm soát triều (theo quy hoạch dự án thủy lợi 1547).

Từ giữa năm 2015, thống kê của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cho thấy trong năm 2015 thành phố mới chỉ xử lý 51/68 điểm ngập úng và chuyển 17 điểm ngập còn lại sang giai đoạn từ năm 2016 trở đi mới có các giải pháp xử lý.

Các điểm ngập được chuyển sang giai đoạn từ năm 2016 trở đi đa phần là những tuyến đường tập trung nhiều dân cư, mật độ giao thông đông đúc như đường Ung Văn Khiêm (Bình Thạnh), Phan Anh (Tân Phú), Lê Đức Thọ (Gò Vấp), Gò Dầu, Tân Quý, Trương Vĩnh Ký (Tân Phú), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), An Dương Vương (quận 8), Hồ Ngọc Lãm (Bình Tân), Bạch Đằng, Nguyễn Xí, Quốc lộ 13 (Bình Thạnh), Lương Định Của (quận 2), Mễ Cốc 2, Lưu Hữu Phước 2 (quận 8), Kinh Dương Vương (Bình Tân)...

Nhìn vào bản đồ ngập úng tại thành phố dễ dàng nhận ra nhiều khu vực được ví như “rốn ngập” các năm trước như khu Tân Định, vòng xoay Cây Gõ, bến xe Chợ Lớn, khu Mễ Cốc, cư xá Thanh Đa nay không còn ngập nữa nhưng nhiều tuyến đường trước đây chưa từng bị ngập giờ lại trở thành sông.

"Bản đồ" ngập ở TPHCM qua các giai đoạn

(số liệu ngập qua các năm trích dẫn từ Trung tâm chống ngập thành phố)

Năm 2008

- Số điểm ngập tính đến cuối năm 2008 là 126 điểm, trong đó riêng khu trung tâm thành phố có 85 điểm.

- Tổng số lần ngập cả năm là 873 lần.

- Thời gian ngập trung bình là 156 phút.

- Diện tích ngập trung bình mỗi điểm 2.910 m2.

Năm 2013

- Số điểm ngập tính đến cuối năm 2013 khoảng 40 điểm, trong đó khu trung tâm thành phố còn 14 điểm.

- Tổng số lần ngập cả năm là 44 lần.

- Thời gian ngập trung bình giảm còn 62 phút.

- Diện tích ngập trung bình mỗi điểm còn 1.100 m2.

Tuy nhiên, nhiều khu vực còn bị ngập thường xuyên như khu vực thi công dự án kênh Tân Hóa – Lò Gốm (quận 6, 11, Tân Phú, Tân Bình): đường Âu Cơ, Đồng Đen, Hòa Bình, Nguyễn Hồng Đào, Trương Công Định, Bàu Cát, Hồng Lạc, Tân Hóa, Đặng Nguyên Cẩn, Phạm Phú Thứ, An Dương Vương, Phan Anh.

Đặc biệt những trận mưa trên 100 mm gây ngập kéo dài ở các khu vực trũng thấp như khu vực kênh Tân Hóa – Lò Gốm, đường Kha Vạng Cân (Thủ Đức), khu Phú Định (quận 8), đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7).

Năm 2016

Từ đầu mùa mưa năm 2016 đến giữa năm nay: TPHCM có 11 trận mưa gây ngập trên 16 tuyến đường. Riêng trận mưa ngày 30-5 vừa qua có vũ lượng 132 mm đã gây ra 27 điểm ngập, khu trung tâm thành phố cơ bản xóa được ngập.

Các tuyến đường còn bị ngập nặng là Nguyễn Xí, Xa lộ Hà Nội, Nguyễn Hữu Cảnh, Quốc Hương, Kinh Dương Vương… Nhiều tuyến đường khác cũng bị ngập sau mưa nhưng với mức độ nhẹ hơn như Thảo Điền, Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh, Hồ Văn Tư, Quốc lộ 13, Mai Thị Lựu, Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/151272/tphcm-lap-tram-bom-chong-ngap-cho-duong-kinh-duong-vuong.html/