TPHCM mở rộng chức năng du lịch cho ba chợ đầu mối lớn

Chính quyền TPHCM muốn phát triển và mở rộng chức năng cho ba chợ đầu mối lớn gồm Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn theo hướng hiện đại làm điểm du lịch cho thành phố. Tuy nhiên, trước mắt để thực hiện kế hoạch này cần giải quyết nhiều vấn đề như bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, giao thông, nguồn gốc sản phẩm...

Chợ đầu mối Hóc Môn - Ảnh: Vũ Yến

Tại cuộc họp với các sở ngành chiều nay (13-2), ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc... đều phát triển các chợ đầu mối truyền thống thành những điểm du lịch hấp dẫn dành cho khách tham quan, mua sắm.

"TPHCM cũng sẽ phát triển du lịch cho ba chợ đầu mối lớn theo hướng hiện đại, với những thương hiệu sạch, chất lượng cao trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh, đảm bảo nguồn gốc các sản phẩm, tiếp thị tốt", ông Tuyến nói tại cuộc họp.

Chủ trương chung là vậy nhưng thông tin từ các đơn vị quản lý ba chợ đầu mối lớn nói trên cho thấy còn rất nhiều vấn đề cần phải xử lý nếu muốn hấp dẫn khách du lịch.

Theo bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, chợ này có hệ thống xử lý nước thải công suất 2.500 m3/ngày đêm nhưng hiện vẫn chưa đảm bảo xử lý triệt để (bị cơ quan môi trường xử phạt nhiều lần). Do vậy, hiện đơn vị này đang rót thêm 20 tỉ đồng để nâng công suất xử lý nước thải gấp đôi (lên 5.000 m3/ngày đêm), tuy nhiên, dự kiến phải mất đến 18 tháng mới hoàn thành.

- Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức được xây dựng vào năm 2002, là nơi trung chuyển, giao thương hàng hóa nông sản khắp mọi miền đất nước.

- Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền nằm trong khu thương mại Bình Điền, là chợ đầu mối đầu tiên tập trung với quy mô lớn nhất của thành phố và cả nước, chuyên cung cấp hàng nông sản, thực phẩm tươi sống.

- Chợ đầu mối Hóc Môn là điểm trung chuyển, cung ứng hàng thực phẩm, nông sản phía Tây Bắc thành phố với các mặt hàng rau củ quả và đây cũng là một trong hai chợ cung cấp lượng heo lớn nhất cho TPHCM.

Ngoài ra, chợ Bình Điền cũng phải tính đến kế hoạch đốt rác phát điện cho lượng rác thải rất lớn nơi đây để tiết giảm chi phí xử lý rác lên đến 1,3 tỉ đồng mỗi tháng.

Bà Liên cũng kiến nghị về vấn đề quản lý chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ. Cụ thể, bà Liên cho rằng UBND TPHCM cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường việc kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập chợ, tăng số lượng kiểm tra mẫu...

Trong khi đó, đại diện đơn vị quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, chợ đầu mối Thủ Đức nêu một số kiến nghị như: được tăng phí dịch vụ quản lý chợ, tăng mức phí lưu đậu, xây dựng thêm khu giết mỗ gia súc công nghiệp, xậy dựng nhà máy chế biến thực phẩm, bố trí lại các tuyến đường giao thông xung quanh chợ hợp lý và thuận lợi hơn...

Chủ trương của chính quyền thành phố là sẽ di dời một số chợ tạm về các chợ đầu mối lớn ngoại thành như chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10), chợ thủy sản khô khu Bình Tây, chợ trái cây đường Trang Tử (quận 5)... Điều này cũng sẽ giúp việc kinh doanh các sản phẩm tập trung, giảm áp lực kẹt xe ở khu vực nội thành, lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, an ninh trật tự...

Theo yêu cầu của ông Trần Vĩnh Tuyến, chậm nhất giữa tháng 3 tới Sở Tài chính phải trình UBND thành phố phê duyệt mức phí dịch vụ quản lý chợ mới áp dụng cho cả ba chợ đầu mối lớn nói trên.

Cần nhắc thêm, mục tiêu của TPHCM trong năm 2017 là thu hút 6 triệu lượt khách quốc tế. Mới đây, chính quyền thành phố cũng đã cân nhắc đến các kế hoạch phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như Phố Đông y (quận 5), tour tham quan và thưởng thức hải sản tại Cần Giờ, con đường âm nhạc, chợ phiên Bến Bạch Đằng (quận 1)...

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/156852/tphcm-mo-rong-chuc-nang-du-lich-cho-ba-cho-dau-moi-lon.html/