TPHCM: Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng 87%

Số ca bệnh tay chân miệng ghi nhận trong 1 tuần trên địa bàn TPHCM là 287 trường hợp, tăng 87% so với mức trung bình của 4 tuần trước. Bên cạnh bệnh tay chân miệng, số ca bệnh sốt xuất huyết cũng có chiều hướng tăng.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi

Ngày 18/4, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho thấy, thời gian gần đây, trên địa bàn ghi nhận sự gia tăng các ca bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Cụ thể, trong tuần 15 (8-14/4), trên địa bàn thành phố ghi nhận 287 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 87% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 15 là 2.289 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Nhà Bè, quận 6 và quận 8.

Trong khi đó, số trường hợp mắc suốt xuất huyết ghi nhận được là 136, tăng 7% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 15 là 2.585 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, quận 7 và TP.Thủ Đức.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM dự báo, thời gian tới, số ca mắc tay chân miệng, sốt xuất huyết trên địa bàn sẽ tiếp tục gia tăng.

Hiện đang là thời gian cao điểm của bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, bệnh xảy ra quanh năm và thường gia tăng trong giai đoạn từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12. Bệnh có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt ở môi trường tập thể như mẫu giáo, trường học.

Cách chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng chủ yếu liên quan đến chế độ ăn, bởi vì khi trẻ bị tay chân miệng sẽ rất khó ăn. Nên chú ý cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu. Nếu miệng đau nhiều thì phai đi khám bác sĩ để cho thuốc giảm đau vùng miệng. Nếu chăm sóc tốt thì 5-7 ngày, trẻ sẽ khỏi bệnh. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phát hiện sớm biến chứng với các dấu hiệu giật mình, thay đổi giấc ngủ. Nếu để trễ hơn trẻ có thể thở mệt, co giật, rồi mạch nhanh, không bắt được mạch.

Bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vaccine phòng ngừa. Bệnh lây qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (bắt tay, ôm, hôn), tiếp xúc với đồ chơi, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, bề mặt có chứa virus nên quan trọng nhất vẫn là giữ vệ sinh: ăn uống sạch, ở sạch và bàn tay sạch.

Đông Quân

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tphcm-tre-mac-benh-tay-chan-mieng-tang-87-20240418103905102.htm