TPP-12: Từ nay khó đủng đỉnh

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP là dự án về một hệ thống đối tác gồm cả kinh tế lẫn chiến lược. Thêm 3 quốc gia vừa tuyên bố hưởng ứng, TPP-12 sẽ là thị trường của 800 triệu người tiêu dùng, chiếm gần 40% GDP thế giới, lớn hơn quy mô toàn EU.

TPP có tên đầy đủ là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership). Đây là một dự án lớn để hội nhập trên nhiều phương diện giữa một số quốc gia trong vòng cung TBD, từ Đông Á tới châu Mỹ.

Năm 2002, dự án khởi đầu từ sáng kiến của Chile, New Zealand và Singapore, được Brunei hưởng ứng (TPP-4). Sau APEC19 vừa qua tại Hawaii, đến nay Hiệp định này được mở rộng ra 12 thành viên.

Sự hội nhập đang thay đổi về chất

Trong 2006, qua nhiều vòng đàm phán, TPP-4 đã thành tựu nên khối mậu dịch tự do với việc xóa bỏ 90% hàng rào thuế quan. 4 nước mở đường cam kết đến năm 2015 sẽ hình thành chế độ thương mại không còn rào cản về trao đổi giữa các thành viên.

Đầu năm 2008, Hoa Kỳ đăng ký tham gia vào tiến trình đàm phán. Cuối năm đó, Ốtxtraylia, Việt Nam, Peru và sau đó là Malaysia cũng được đón nhận. Cho đến nay, TPP-9 đã tiến hành các kỳ họp luân phiên về các vấn đề nội dung của dự án này tại các quốc gia thành viên.

Từ khi Hoa Kỳ tham gia vào các vòng thương lượng, tiến trình TPP, vốn là vấn đề tự do hóa thương mại đã trở thành đề tài chiến lược. Tiến trình này được trải dài cả bề rộng lẫn chiều sâu.

Về chiều sâu, tiêu chuẩn tự do hóa luồng trao đổi được bàn thảo khá tập trung. Nổi bật là mở rộng việc bảo vệ quyền sỡ hữu trí tuệ và hạn chế vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Cả hai đều là những vấn nạn của các nền kinh tế chuyển đổi, trong đó Việt Nam được các nước quan tâm.

Về chiều rộng, đây là một dự án mở. Phạm vi áp dụng được khuyến khích đối với các nước trong khu vực, nhất là đối với Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nền kinh tế lớn ở Đông Á.

Thật ra, nếu chỉ có TPP-9 thì Hiệp định sẽ không mang lại các lợi ích cả về kinh tế lẫn chiến lược như nhiều sự đón đợi. Kim ngạch thương mại của Hoa Kỳ với nhóm TPP-9 chỉ chiếm 6% tổng kim ngạch của nước này. Nó cũng ngang bằng kim ngạch giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Sau khi Nhật Bản tuyên bố sẽ hưởng ứng TPP, ngày 13/11 lại có thêm hai nước nữa thông báo tham gia đàm phán, đó là Canada (đối tác thương mại số một của Hoa Kỳ) và Mêhicô. Đối với Hoa Kỳ, đây là thành công nổi trội của Diễn đàn APEC 2011.

Nhật Bản vốn là đối tác thương mại đặc biệt của Hoa Kỳ, nhập các động cơ máy bay và các sản phẩm công nghệ sinh học. Trái với tình trạng thâm hụt buôn bán giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, thương mại giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản đang đi vào xu hướng cân bằng.

Thêm 3 lý do nữa để Nhật Bản quan tâm đến TPP: i) Cạnh tranh với Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc - Hoa Kỳ; ii) Cải cách ngành nông nghiệp Nhật được cho là lạc hậu sau thảm họa hồi tháng 3/2011; iii) Đối phó với sự khoa trương cơ bắp của Trung Quốc tại Đông Hải và Nam Hải (Biển Đông).

Từ nay, hệ thống quan hệ đối tác về kinh tế và chiến lược gồm Mỹ, Nhật Bản, Ốtxtrâylia và các nền kinh tế nhỏ hơn trong TPP-12 sẽ hướng tới các giải pháp có nhiều chất lượng tạo nên quá trình tái cân bằng quyền lực cổ điển.

Với TPP-12 và có thể còn mở rộng hơn nữa, một tiến trình hội nhập khu vực và toàn cầu đang chuyển hóa về chất sau khi hội đủ về lượng!

Sự kết nối mang tính tổng thể

Việt Nam tham gia dự án "Đối tác xuyên TBD" cách đây ba năm. Khác với con đường "ba chìm bảy nổi" để đến với Hiệp định WTO (11/1/2007), trong quá trình đàm phán TPP lần này, Việt Nam đã có một số thuận lợi nhất định.

Lần đầu tiên Đại hội Đảng nhất trí với đa số áp đảo, từ bỏ quan niệm kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nhà nước chiếm hữu tư liệu sản xuất chủ yếu. Chủ trương này tương thích với các yêu cầu của TPP-12 đối với hệ thống các doanh nghiệp nhà nước.

Nghị quyết Đại hội cũng bật đèn xanh cho "hội nhập toàn diện". Giờ đây các nhà đàm phán VN có nhiều điều kiện hơn để cân nhắc các lợi ích và dự báo trước các thách thức của mình cũng như của các thành viên liên quan để chủ động đàm phán.

Là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường lớn như Hoa Kỳ với mức thuế suất bằng 0. Điều này sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh và triển vọng sáng sủa cho nhiều ngành hàng, kéo theo là lợi ích cho bộ phận lao động trong các lĩnh vực phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh những lợi ích đó, Việt Nam có thể còn "có lời" từ TPP ngay cả ở thị trường nội địa, nơi vốn được xem là "chỉ chịu thiệt" từ các FTA nói chung.

"Khoản lời" này từ lợi ích gián tiếp do các khoản đầu tư, dịch vụ đến từ Hoa Kỳ và các đối tác TPP. Đó là môi trường kinh doanh cạnh tranh, mang lại dịch vụ giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng. Những công nghệ và phương thức quản lý mới tạo sẽ tạo sức ép để đổi mới và tiến bộ hơn cho các dịch vụ nội địa.

Trong chừng mực có thể, nên công khai hóa một số các nội dung đã được các đối tác thỏa thuận và sẽ tiếp tục đàm phán (thương lượng trên tất cả 24 lĩnh vực?) để các doanh nghiệp biết trước mà chuẩn bị tư thế hội nhập.

Bởi vì bức tranh không chỉ có màu hồng.Trong khi cơ hội tăng xuất khẩu là có thật, thì các điều kiện ngặt nghèo về lao động, xuất xứ nguyên liệu, các rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ hay phòng vệ thương mại với quy chế nền kinh tế phi thị trường rất có thể sẽ vô hiệu hóa lợi ích từ việc giảm thuế quan.

Sự tương tác giữa kinh tế và an ninh

Sự hối thúc của Hoa Kỳ đối với TPP không chỉ tập trung vào mục tiêu kinh tế hay thương mại thuần túy, mà còn bao hàm nhiều tính toán về chiến lược. Không phải ngẫu nhiên mà trước khi khai mạc APEC19, bang giao Trung Quốc - Hoa Kỳ bỗng nhiên nóng lên trông thấy.

Bên lề các phiên họp của các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng kinh tế, Washington kêu gọi Bắc Kinh tiến hành cải cách chính trị và nêu tình trạng vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc.

Đáng chú ý hơn là cuộc khẩu chiến giữa trợ lý bộ trưởng thương mại Trung Quốc và đặc sứ về thương mại của Hoa Kỳ. Trung Quốc phàn nàn là đã không được mời tham gia TPP. Hoa Kỳ liền phản pháo, rằng TPP không phải là câu lạc bộ khép kín, ai cũng có thể xin gia nhập và chẳng nên đợi sẽ được mời!

Tổng Thống Obama nói với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, rằng người Mỹ bắt đầu mất kiên nhẫn và ngày càng bực bội hơn về tiến độ thay đổi chậm chạp trong chính sách kinh tế của Trung Quốc. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng kêu gọi tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ, nhưng cả hai nước phải tôn trọng các quan tâm chủ yếu của nhau, và xử lý thích hợp các vấn đề nhạy cảm.

Đằng sau sự dàn trận về kinh tế và thương mại nói trên là sự đối đầu cả về an ninh lẫn chiến lược giữa hai cường quốc có nền kinh tế nhất nhì thế giới. Điều này không chỉ thể hiện qua APEC19, xung quanh TPP, mà sẽ còn sóng gió tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS6) ở Bali (Indonesia) 18-19/11 sắp tới.

Hoa Kỳ ngày càng cảnh giác với Trung Quốc kể từ khi quốc gia này có những tuyên bố và hành động quyết liệt hơn trong các tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoàng Hải. Cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn dẫn đến thỏa thuận vào tháng 12 năm ngoái cũng nằm trong nỗ lực kết nối thương mại với an ninh.

Cho đến nay, cơ chế APT (ASEAN+3 Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) và cơ chế APS (ASEAN+6 tiếp tục cộng thêm Ốtxtrâylia, New Zealand, và Ấn Độ) đều đang tồn tại trong khu vực Đông Á, giữa các thành viên ASEAN vơi các cường quốc trong khu vực.

Tuy nhiên, các cơ chế nói trên dường như chưa đạt được nhiều tiến bộ thực chất. Nếu TPP-12 giành được sự khởi đầu xuôi chéo mát mái theo hướng tăng cường liên kết toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thì chắc chắn đấy sẽ là một đòn kích hoạt ngoạn mục cả về củng cố các liên hệ an ninh lẫn hợp tác kinh tế.

Không ai muốn TPP đối đầu với Trung Quốc. Với sức mạnh và vai trò của kinh tế của Trung Quốc hiện nay, tiến trình hội nhập khu vực và toàn cầu đang chứng kiến màn trình diễn đầy kịch tính của quan hệ quốc tế trong thế kỷ 21.

Sự tương tác giữa các hiểm họa truyền thống (dùng vũ lực và đe dọa vũ lực tại Biển Đông) với các dây chuyền kinh tế toàn cầu (sự bùng nổ mậu dịch tự do liên khu vực như TPP) là chuỗi vấn đề thu hút sự quan tâm xuyên khu vực trong một thế giới phẳng/nóng/chật.

Điều này càng nhấn mạnh thêm tình thế song hành của các Hội nghị Cấp cao đã/đang diễn ra. Có thể nhìn nhận đây là hai mặt của một chuỗi vấn đề. Tại APEC19, 21 nền kinh tế chú ý đến các sáng kiến hội nhập để xây dựng hệ thống đối tác chiến lược.

Tại EAS sắp tới, lần đầu tiên có Hoa Kỳ và Nga tham gia. Một số sáng kiến muốn xây dựng EAS thành diễn đàn đối thoại về an ninh của 18 đối tác, trong đó có an ninh trên các vùng biển, có thể được đặt lên bàn các lãnh đạo Đông Á.

Duy trì động lực triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC) để đi đến dự thảo cụ thể về Bộ quy tắc ứng xử (COC) tại Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN đang chuẩn bị cho Cấp cao ASEAN-19 ở Bali, là những tương tác mới giữa các vấn đề an ninh và kinh tế trong khu vực theo hướng trên.

Trong bối cảnh đó, tuyên bố của Trợ lý bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm qua, khẳng định EAS sắp diễn ra ở Indonesia không phải là nơi thích hợp để bàn chuyện tranh chấp chủ quyền giữa các bên tại Biển Đông, thật khó thuyết phục các đối tác, nhất là các nước liên quan đến tranh chấp biển đảo.

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-11-17-tpp-12-tu-nay-kho-dung-dinh