TQ đau đầu đối phó hạm đội tàu ngầm nguyên tử Mỹ

Bản báo cáo của hai chuyên gia nổi tiếng Mỹ Hans Christenson và Robert Norris thống kê rằng Washington sở hữu gần 7400 đầu đạn hạt nhân – nguyên tử các loại.

Trong số đó có 2700 đầu đạn sẽ bị phá hủy theo các thỏa thuận quốc tế. 2530 đầu đạn đang nằm lưu kho, còn lại 2120 đầu đạn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, trong đó có 1152 đầu đạn hạt nhân được lắp trong các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, 470 lắp đặt trong các tên lửa phóng từ hầm phóng trên mặt đất, 300 đầu đạn hạt nhân trên các máy bay ném bom và khoảng 200 đầu đạn hạt nhân chiến thuật trên các phương tiện cơ động khác.

60% số lượng các tàu ngầm sẽ thường xuyên tuần tiễu trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Theo báo cáo, lực lượng hạt nhân răn đe chiến lược của Mỹ tập trung chủ yếu ở tàu ngầm nguyên tử với các tên lửa đạn đạo. Trong đó 60% số lượng các tàu ngầm sẽ thường xuyên tuần tiễu trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Đây là điều cần thiết để trong bất cứ trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, các tàu ngầm nguyên tử Mỹ có thể tấn công vào Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên hoặc bất cứ điểm nào trong khu vực Viễn Đông của Nga.

Trên thực tế, nguy cơ đe dọa Nga rất thấp do lực lượng cảnh báo sớm, hệ thống phòng thủ tên lửa và các tàu ngầm nguyên tử của Nga cũng có mặt trong hạm đội Thái Bình Dương, vì vậy, răn đe hạt nhân dường như hướng vào Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Tuần tiễu trực sẵn sàng chiến đấu trên Thái Bình Dương có 12 tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đầu đạn hạt nhân. Trong số đó có từ 8 – 9 tàu ngầm cơ động trong các vùng nước chiến lược. 4-5 tàu ngầm luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, có thể phóng tên lửa được ngay khi có mệnh lệnh theo các mục tiêu đã được lựa chọn.

Mỗi một tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa hạt nhân chiến lược tiến hành từ 2 đến 3 đợt tuần tiễu sẵn sàng chiến đấu trong một năm, mỗi chuyến hải trình kéo dài khoảng 70 ngày, nhưng trong một số trường hợp có thể tăng lên đến 100 ngày hoặc hơn nữa.

Các nhà khoa học quân sự thừa nhận rằng, tuân thủ theo những thỏa thuận quốc tế, Mỹ bắt đầu giảm tuần suất các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân chiến lược tuần tiễu trên biển, nhưng ngay cả trong khi cắt giảm các chuyến tuần biển, chính quyền ông Obama để hiện đại hóa các tàu ngầm hạt nhân trong 30 năm tới sẽ cần chi phí khoảng 200 tỷ đô la.

Các loại vũ khí hạt nhân hiện nay đe dọa sự tồn vong của tất cả các sinh vật sống trên trái đất, nêu như xảy ra cuộc xung đột vũ khí hạt nhân do một nguyên nhân thảm họa nào đó.

Việc Mỹ tăng cường lực lượng tàu ngầm nguyên tử trong các khu vực nhạy cảm và các vùng chiến lược sẽ gây căng thẳng với Bắc Triều Tiền và tạo áp lực nặng nề lên Trung Quốc. Chắc chắn trong năm 2014, Trung Quốc sẽ tiến hành các giải pháp đáp trả nhằm kiểm soát hoặc đẩy lùi sự hiện diện của tàu ngầm nguyên tử Mỹ trên vùng nước Biển Đông.

Giải pháp đầu tiên có thể sẽ là thành lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ nhằm tăng cường tần suất hoạt động của các máy bay trinh sát chống ngầm trên biển, đồng thời bảo vệ cho hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của cụm tàu sân bay Liêu Ninh. Các vùng nước chiến lược Thái Bình dương vẫn tiềm ẩn các nguy cơ căng thẳng.

Bí mật tàu ngầm nguyên tử của Nga ’âm thầm’ ở Mỹ

Trịnh Thái Bằng (Nguồn: Tin tức quân sự thế giới)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tq-dau-dau-doi-pho-ham-doi-tau-ngam-nguyen-tu-my-2364792/