TQ thả cờ ở Senkaku, ngăn Ấn Độ tuần tra biên giới

(Phunutoday) - Học giả Trung Quốc tuyên truyền "giấc mơ Trung Quốc", Philippines muốn "làm hòa" với Trung Quốc, tàu Trung Quốc thả cờ vào đảo Senkaku khiêu khích Nhật Bản, Trung Quốc ngăn không cho Ấn Độ tuần tra biên giới...là tin tức thời sự chính ngày 5/8.

Theo tờ Kinh Hoa Thời báo hôm 4/8, Ban Tuyên truyền Thành ủy Bắc Kinh mới đây đã tổ chức hoạt động tuyên truyền “Giấc mơ Trung Quốc - các nhà lý luận xuống cơ sở” để gieo rắc tư tưởng về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông. Các gương mặt tham gia đợt tuyên truyền như thiếu tướng Khương Hán Bân, giáo sư đại học Quốc phòng Trung Quốc, và đại tá Âu Kiến Bình, giám đốc Sở nghiên cứu xây dựng quân đội, đã giải thích cho các binh sĩ về giấc mơ Trung Quốc và giấc mơ xây dựng một quân đội hùng mạnh.

Ông Khương Hán Bân đã tuyên bố thế giới chỉ “phục kẻ mạnh chứ không phục kẻ yếu”, theo Kinh Hoa Thời báo. Theo ông này, việc Trung Quốc tranh giành quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và biển Đông là tất nhiên và không thể nhượng bộ.

Nhấn mạnh vị trí chiến lược quan trọng của biển Đông, ông Khương kêu ca rằng Trung Quốc chỉ kiểm soát có 9 đảo ở quần đảo Trường Sa trong khi Việt Nam chiếm đến 29 đảo. Đây rõ ràng là luận điệu hết sức phi lý và nực cười của viên tướng Trung Quốc về quần đảo Trường Sa, vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, nhằm kích động các binh sĩ Trung Quốc.

Trong khi đó, đại tá Âu Kiến Bình khoe khoang về công cuộc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, nói rằng một số đơn vị của quân đội hiện xếp hàng đầu thế giới nhờ vào nỗ lực mua sắm vũ khí, khí tài trong những năm gần đây.

Trong một diễn biến khác, theo tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng (South China Morning Post), sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc hoàn tất chuyến thăm 2 ngày tới Việt Nam, Philippines trở thành quốc gia duy nhất có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông mà ông Vương Nghị chưa tới thăm.

Tờ báo này cho rằng Philippines sẽ đặt vấn đề ngoại giao với Trung Quốc và Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario sẽ không từ bỏ cơ hội để nói chuyện với Bắc Kinh. Khi ông Del Rosario gặp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Manila hôm 1/8, ông Phạm Bình Minh có hỏi: “Ngoại trưởng Trung Quốc sắp tới Việt Nam. Ông có nhắn nhủ gì không?”. Ông Del Rosario cho biết ông đã trả lời rằng: “Vâng. Nhờ ông nhắn rằng tôi đang chờ phản hồi tích cực cho lời mời của tôi”, ám chỉ lời mời từ phía Philippines và hy vọng Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ tới thăm Manila.

Sự lạnh nhạt của Trung Quốc cho thấy vết rạn nứt giữa Philippines và Trung Quốc, hai nước từng có mối quan hệ thân thiết. Kể từ khi nhận chức Ngoại trưởng Trung Quốc vào tháng Ba năm nay, ông Vương đã tới thăm 7 trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN. Hai nước mà ông chưa tới thăm gồm Campuchia và Myanmar là những quốc gia có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc và đã nhận những khoản viện trợ và đầu tư mà tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho là "đầy hào phóng" từ Bắc Kinh.

Theo nguồn tin từ Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản hôm qua (4/8), ba chiếc tàu tuần duyên Trung Quốc vẫn lảng vảng tại khu vực sát ranh giới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (biển Hoa Đông) đang tranh chấp giữa hai nước, sau khi đã tiến vào bên trong vùng 12 hải lý vào tối 3/8.

Tuần duyên Nhật còn cho biết thêm rằng hôm qua đã phát hiện một chiếc tàu nhỏ mang cờ Trung Quốc ở cách phía bắc quần đảo khoảng 50km. Chiếc tàu đã đột nhập vào vùng biển Senkaku/Điếu Ngư cũng vào lúc chiều, thả một chiếc phao mang cờ đỏ rồi nhanh chóng rút ra khỏi khu vực này.

Giới quan sát e ngại rằng sự kiện ngày càng có nhiều tàu trang bị vũ khí hiện diện trong vùng sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột nghiêm trọng giữa Nhật Bản và Trung Quốc, trong khi tiếp xúc ngoại giao giữa hai bên hầu như đang bị ''đóng băng''.

Trong một diễn biến khác, quân đội Trung Quốc hồi tuần trước đã hung hăng ngăn cản không cho quân Ấn Độ tuần tra khu vực Ladakh, nằm gần giới tuyến LAC không chính thức giữa 2 nước và đang do New Delhi kiểm soát, tờ The Times of India (Ấn Độ) đưa tin hôm 4/8. Vụ việc diễn ra khi quân đội Ấn Độ đang tiến hành chiến dịch tuần tra mang tên Tiranga tại khu vực phía bắc Ladakh.

Binh sĩ tuần tra Ấn Độ đã bị quân Trung Quốc, được cho là ngồi trên các xe quân sự hạng nặng lẫn nhẹ, ngăn cản, The Times of India dẫn lời một quan chức Ấn Độ. Nhóm quân Trung Quốc đã đưa ra một biểu ngữ với dòng chữ khẳng định đây là lãnh thổ Trung Quốc và quân Ấn Độ không được tiến vào các căn cứ đồn trú nằm tại khu vực này.

Nguồn tin của The Times of India kể lại rằng quân Trung Quốc tỏ ra hung hăng khi cố ngăn cản quân tuần tra Ấn Độ. Nguồn tin của tờ báo Ấn Độ cũng khẳng định rằng những tiền đồn này nằm sâu trong lãnh thổ của Ấn Độ, đồng thời cho hay Ấn Độ đã tiến hành 21 chiến dịch tuần tra tại các tiền đồn này từ tháng 4/2013 và chỉ hoàn thành được đúng hai lần.

Ngày 2/8, theo Hoa thương Thời báo, đây là cuộc phỏng vấn độc quyền với Kênh truyền hình Phượng hoàng của Hong Kong diễn ra hôm 29/7, lãnh đạo Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) Sam Rainsy đã tìm cách gửi thông điệp đến chính phủ và nhân dân Trung Quốc, khi nói rằng đảng CNRP của ông sẽ xem Bắc Kinh là một đồng minh quan trọng. Sam Rainsy cho biết ông đã đến Trung Quốc nhiều lần và đã chứng kiến sự phát triển của nước này. Sam Rainsy nói Trung Quốc là “hình mẫu để Campuchia học hỏi”.

Không những thế, Sam Rainsy cũng nói rất rõ rằng CNRP sẵn sàng ủng hộ Trung Quốc đối với tranh chấp trên Biển Đông. Sam Rainsy ngang nhiên nói: “Đảng của chúng tôi ủng hộ Trung Quốc trong việc bảo vệ toàn bộ lãnh thổ của các bạn. Tất cả mọi hòn đảo do Trung Quốc bảo vệ là lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi lên án bất cứ hành động xâm lược nào. Những hòn đảo ấy là của Trung Quốc và chỉ thuộc về Trung Quốc mà thôi”. Sam Rainsy cũng nhấn mạnh rằng các đảng phái khác ở Campuchia không thể ủng hộ Trung Quốc rõ ràng về Biển Đông giống như CNRP.

Trong một diễn biến khác, quân đội Nga và Trung Quốc đang tiến hành đợt tập trận chung chống khủng bố quy mô ở khu vực Urals, phía Tây nước Nga với sự tham gia của hàng ngàn binh lính và hàng trăm loại vũ khí hạng nặng.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 4/8 đã lên tiếng chỉ trích các nước phương Tây, miêu tả sự can thiệp của các nước này vào Trung Đông giống như cách hành xử của “một con bò trong cửa hàng sành sứ”. Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Russia Today (Nga), ông Medvedev đã lên án sự can thiệp của phương Tây vào Syria, đồng thời cũng chỉ trích sự ủng hộ của các nước này với phong trào Mùa xuân Ả Rập. (Tổng hợp từ TNO, TPO, Infonet)

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/anh-nong/201308/tq-tha-co-o-senkaku-ngan-an-do-tuan-tra-bien-gioi-2218110/