TQ vươn 'vòi bạch tuộc' giải tỏa cơn khát năng lượng

(Tin tức 24h) - Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng 2035 mới được hãng dầu mỏ BP (Vương quốc Anh) công bố tuần qua, Trung Quốc dự kiến vượt châu Âu trở thành nền kinh tế nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới vào năm 2035.

( Tin tức 24h ) - Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng 2035 mới được hãng dầu mỏ BP (Vương quốc Anh) công bố tuần qua, Trung Quốc dự kiến vượt châu Âu trở thành nền kinh tế nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới vào năm 2035.

.
Tỷ trọng của Trung Quốc trong nhu cầu năng lượng thế giới sẽ tăng từ 22% lên 27% vào năm 2035, và nhập khẩu năng lượng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này dự kiến tăng từ 15% lên 20%.

Cơ cấu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc sẽ hình thành với tỷ trọng của than giảm từ 69% xuống 52%, trong khi khí đốt tăng gấp đôi lên 12% còn dầu vẫn giữ nguyên ở mức khoảng 18%.

Dự đoán, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới vào năm 2027 và "qua mặt" Nga trở thành nước tiêu thụ khí đốt lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ) vào năm 2025.

Xếp hàng chờ mua xăng trước giờ giá tăng tại Bắc Kinh

Công ty Dầu mỏ Quốc gia Trung Quốc (CNPC) cho biết sản lượng dầu khí toàn cầu của công ty trong năm 2013 đã tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2012 lên 306,65 triệu tấn quy dầu. CNPC là công ty mẹ của PetroChina và là công ty sản xuất dầu khí lớn nhất Trung Quốc.

Chủ tịch CNPC Zhou Jiping cho hay hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi là nhân tố quan trọng giúp nâng cao sản lượng dầu khí của hãng, đạt tổng cộng 123 triệu tấn năm 2013, tăng 18,1% so với năm 2012.

Doanh thu của các trung tâm dầu khí của CNPC tại châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ trong năm 2013 đã tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2012 lên 266 tỷ USD.

Còn theo Tổng Giám đốc CNPC Liao Yongyuan, CNPC sản xuất 329,67 triệu tấn dầu mỏ và khí đốt năm 2014. Trong khi tổng vốn đầu tư năm 2014 của CNPC sẽ giảm 11% nhưng đầu tư vào các hoạt động lọc dầu vẫn tăng ổn định.

Không ngại gây hấn để thỏa cơn khát năng lượng

Do nhu cầu năng lượng tăng vọt, Trung Quốc đang ráo riết tìm kiếm, tranh giành các nguồn dầu mỏ và khí đốt trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, bất chấp rủi ro và gây căng thẳng với các quốc gia láng giềng.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ ước tính Biển Đông có 11 tỉ thùng dầu thô và 5.400 tỉ mét khối khí đốt. Trong khi đó, Bộ Đất đai và Khoáng sản Trung Quốc cho rằng, Biển Đông có từ 169 – 220 tỉ thùng dầu và 16.000 tỉ mét khối khí đốt.

Để giữ thế độc quyền khai thác trên biển Đông, Trung Quốc đã tuyên bố các hoạt động liên quan tới dầu khí trên Biển Đông sẽ bị cho là bất hợp pháp nếu không có sự cho phép, hay sự tham gia của Bắc Kinh.

Với tham vọng khai thác 1 triệu thùng mỗi ngày dầu mỏ Biển Đông vào năm 2020, bất chấp việc xâm phạm lãnh hải các nước khác trong khu vực, Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) nhiều lần gọi thầu khai thác dầu khí ở các địa phận biển Đông cũng như liên tục đưa ra những trang thiết bị khổng lồ và hiện đại vào khai thác.

Tháng 8/2012, trang web CNOOC công bố mời thầu khai thác 26 lô dầu khí, trong đó có 22 lô ở phía bắc biển Đông và nằm gần duyên hải tỉnh Quảng Đông và Hải Nam.

Tháng 4/2012, CNOOC đã ký hợp đồng với Tập đoàn dầu khí ENI của Ý khai thác khu vực nước sâu 30/27 ở phía bắc biển Đông, cách Hong Kong 400km. Khu khai thác này có diện tích 5.130km2.

Chưa đầy một tháng sau, ngày 9/5/2012, CNOOC đã đưa giàn khoan hải dương 981 đến khu vực này. Giàn khoan 981 từng được Bắc Kinh hùng hồn coi là “biên giới di động và là một trong những vũ khí chiến lược của Trung Quốc trong cuộc chiến năng lượng dầu khí”.

Đến tháng 5/2013, Trung Quốc tiếp tục lắp đặt giàn khoan nước sâu lớn nhất châu Á có tên Lệ Loan 3-1 tại Biển Đông.

Tại khu vực Mỹ Latinh, tập đoàn CNOOC và China National Petroleum (CNPC) là hai trong 11 công ty đăng ký đấu thầu mỏ dầu nước sâu có trữ lượng lớn nhất thế giới - Libra (Brazil).

Libra có trữ lượng khoảng 12 tỷ thùng dầu - tương đương 3 năm tiêu thụ của Trung Quốc, giới chức Brazil ước tính. Ngoài các doanh nghiệp Trung Quốc, Royal Dutch Shell và Total cũng tham gia đấu thầu.

Mỹ Latinh là nơi nằm trong khu vực khám phá ra nhiều mỏ dầu lớn nhất thế giới trong thế kỷ 21. Giành quyền khai thác sẽ giúp Trung Quốc hiện thực hóa việc thay đổi chiến lược, từ đầu tư vào các mỏ dầu đang vận hành sang khai thác và phát triển ngay từ đầu một mỏ mới tại Mỹ Latinh.

Không dừng lại ở Biển Bông và khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc còn vươn chiếc vòi bạch tuộc đến khu vực châu Phi.

Năm 2011, châu Phi chiếm 13% sản lượng dầu mỏ thế giới, trong đó vùng Hạ Xahara chiếm 7,25%. Vậy nên Trung Quốc đã nhanh chóng giữ cho mình một chỗ đứng tại khu vực này.

Nhưng hồi tháng 8/2013, một đơn vị địa phương thuộc CNPC đã “vi phạm trắng trợn” những nguyên tắc về môi trường khi khai thác dầu thô tại khu vực Koudalwa, Châu Phi.

Cộng hòa Chad đã quyết định ngưng tất cả các hoạt động của đơn vị thuộc Trung Quốc này. Bộ trưởng Le Bemadjiel nói “Không chỉ họ thiếu các thiết bị làm sạch dầu tràn mà họ còn cố tình làm tràn dầu nhằm mục đích giảm chi phí”, đồng thời ông cho biết thêm rằng đơn vị nói trên của CNPC đã đào những đường hào rất lớn và để dầu chảy vào đó, sau đó các công nhân địa phương chuyển số dầu đi mà không có các thiết bị bảo vệ.

Ông Bemadjiel gọi hoạt động khai thác đó là “vi phạm trắng trợn” và là “hành vi không thể chấp nhận được”. Vị bộ trưởng này còn nhấn mạnh rằng các lãnh đạo của CNPC phải chịu trách nhiệm vì những hoạt động sai trái trên, tuy nhiên ông cũng không công bố thời hạn của việc đình chỉ.

Thùy Vân (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tq-vuon-voi-bach-tuoc-giai-toa-con-khat-nang-luong-2364777/