Trả giá và chưa quy được trách nhiệm

Bên cạnh việc buông lỏng trong quản lý, đầu tư, nhiều dự án nghìn tỷ thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty phải trả giá vì những kiểu đầu tư kiểu “đếm cua trong lỗ”, thiếu tính toán thực tế với diễn biến thị trường. Hàng chục nghìn tỷ đồng đã ném ra nhưng chưa biết đến bao giờ mới được thu hồi.

Dự án cải tạo mở rộng Công ty Đạm và Hóa chất Hà Bắc đến nay bị lỗ hơn 1.000 tỷ đồng . Ảnh: Phạm Anh.

Không đạt chuẩn, chỉ bồi thường 2,9 triệu USD

Một dự án nghìn tỷ thua lỗ khác của ngành hóa chất nằm trong danh sách bị giám sát đặc biệt của ngành công thương phải kể đến dự án Nhà máy DAP Đình Vũ (DAP Hải Phòng) với tổng mức đầu tư hơn 172 triệu USD. Đây là dự án có hai gói thầu lớn (gói thầu chính EPC và gói thầu tư vấn quản lý dự án) đều do các nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Xây dựng hóa chất quốc gia và nhà thầu Hoàn Cầu đảm nhiệm.

Sau khi đi vào vận hành, nhà máy, khởi công từ tháng 7/2003 nhưng đến tháng 4/2009 mới hoàn thành, sản phẩm làm ra không đạt tiêu chuẩn như thiết kế. Phân bón DAP sản xuất ra chỉ có hàm lượng dinh dưỡng hơn 61%. Đến tháng 8/2011, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã phạt nhà thầu tổng cộng gần 6 triệu USD (120 tỷ đồng) do thi công nhà máy không đảm bảo một số chỉ tiêu theo hợp đồng. Trong số gần 6 triệu USD phạt này có 2,9 triệu USD là tiền bồi thường thiệt hại sau khi nhà thầu Trung Quốc bất lực trong việc khắc phục các vấn đề về công nghệ của nhà máy. Chỉ hai năm sau khi được bàn giao, DAP Đình Vũ bắt đầu thua lỗ.

Tại một cuộc họp của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hồi đầu năm 2017, đại diện Nhà máy DAP Đình Vũ (Hải Phòng) cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên sau 6 năm đưa nhà máy vào sản xuất, xuất hiện tình trạng thua lỗ với số lỗ được ghi nhận 400 tỷ đồng.

Dự án cải tạo mở rộng Công ty Đạm và Hóa chất Hà Bắc với tổng vốn đầu tư lên tới 10.122 tỷ đồng (568,6 triệu USD) cũng thua lỗ. Sau khi bị chậm tiến độ gần 1 năm, ngày 10/4/2015, Nhà máy đạm Hà Bắc bắt đầu vận hành thương mại.

Năm 2015, Đạm Hà Bắc công bố lỗ 669 tỷ đồng, cao hơn số lỗ theo kế hoạch 70 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9/2016, lỗ lũy kế của dự án Nhà máy đạm Hà Bắc chính thức được thông báo vào khoảng 1.450 tỷ đồng trong khi dự tính lỗ kế hoạch 2 năm đầu chỉ ở mức 723 tỷ đồng. Gánh nặng thua lỗ của những “cánh chim đầu đàn” ngành hóa chất như Đạm Hà Bắc và của Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai; DAP số 2 (Hải Phòng) và một số đơn vị khác đã khiến lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam năm 2016 ước tính 627 tỷ đồng. Riêng tiền lãi phát sinh từ các dự án này lên tới 2.745 tỷ đồng, lỗ phát sinh 3.372 tỷ đồng.

Giá phải trả quá đắt

Trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, nhiều dự án lỗ do việc triển khai đầu tư, nghiệm thu có vấn đề, nhưng có những dự án không hiệu quả, phải trả giá do cơ chế ràng buộc khi đàm phán và thực hiện hợp đồng EPC. Trường hợp dự án đầu tư khai thác mỏ sắt Quý Sa và xây dựng Nhà máy Gang thép Lào Cai của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) với vốn đầu tư gần 5.400 tỷ đồng là một ví dụ điển hình.

Ông Bùi Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung cho biết, dự án khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi cũng tính tới việc sẽ bị lỗ khoảng 550 tỷ đồng trong hai năm đầu khi vào hoạt động do toàn bộ nhà máy dùng vốn vay. Tuy nhiên, do diễn biến thị trường, đến nay, dự án đang bị lỗ cả nghìn tỷ đồng.

Theo ông Bình, đến nay dù vấn đề về thuế được Bộ Tài chính giải quyết nhưng thực tế hỗ trợ này vẫn chưa đủ để doanh nghiệp hoạt động có lãi. Vấn đề chính của dự án nằm ở những vướng mắc về cơ chế liên doanh và cơ chế đồng thuận trong điều hành đã ký khi triển khai dự án với đối tác Trung Quốc. Dù nắm cổ phần chiếm 55% vốn điều lệ, thành viên Hội đồng quản trị nhiều hơn nhưng mọi quyết sách lớn, cần linh động lại phụ thuộc vào ý kiến của đối tác Trung Quốc.

“Những khoản đầu tư với số tiền hơn 100.000 USD phải được toàn bộ thành viên hội đồng quản trị chấp thuận. Nếu họ không đồng ý là không thực hiện được. Nhiều khi nhìn thấy cơ hội kinh doanh nhưng thời gian chuyển công văn giấy tờ, dịch ra tiếng Trung chuyển cho các cổ đông Trung Quốc để thông qua, khi thống nhất được có khi đã qua thời điểm tốt nhất”, ông Bình chia sẻ. Ông Bình cũng cho rằng việc mất quyền chủ động trong quyết định phương hướng kinh doanh là điều rất bất cập nhưng hiện cũng chưa có giải pháp nào khác để gỡ vì đối tác Trung Quốc họ cũng có quyền lợi và quan điểm của họ.

Phạm Tuyên

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/tra-gia-va-chua-quy-duoc-trach-nhiem-1154500.tpo