Trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ sàn vàng ảo Khải Thái

Ngày 23/8, sau 3 ngày đưa bị cáo Hsu Minh Jung (tức “Saga”, SN 1975, quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc) - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Khải Thái (Công ty Khải Thái) cùng 6 đồng phạm ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, HĐXX TAND TP Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Bị cáo Saga tại phiên tòa ngày 23/8.

Tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo trong vụ án cho rằng, nếu Công ty Khải Thái có hành vi lừa đảo thì chính các bị cáo cũng là nạn nhân trong vụ án. Bởi, theo bị cáo Đinh Thị Hồng Vinh (SN 1985) - nguyên Giám đốc Chi nhánh Plaschem Công ty Khải Thái, trong quá trình làm việc, bản thân rất tin tưởng nên đã gửi số tiền kiếm được vào công ty. Ngoài ra, bị cáo còn tư vấn cho người thân đầu tư tiền vào Công ty Khải Thái dưới dạng hợp đồng ủy thác.

Cũng theo Vinh, bị cáo còn biết rất nhiều nhân viên trong công ty cũng đầu tư tiền vào Công ty Khải Thái. “Khi nhìn xuống dưới phòng xử, bị cáo thấy có rất nhiều nhân viên của Công ty Khải Thái ngồi dự phiên tòa với tư cách là người bị hại. Trong khi số tiền hơn 500 triệu đồng mà bị cáo đầu tư vào Công ty Khải Thái thì không được cơ quan điều tra ghi nhận. Nếu cho rằng Công ty Khải Thái có hành vi lừa đảo thì bị cáo cũng chính là bị hại trong vụ án này” - bị cáo Vinh cho hay.

Tương tự, khi trả lời HĐXX, bị cáo Tăng Hải Nam (SN 1975) - nguyên Giám đốc Chi nhánh Lotte cũng cho biết đã bỏ tiền cá nhân để đầu tư vào Công ty Khải Thái. Ngoài ra, trong thời gian làm việc, bản thân Nam còn huy động cả em gái và người thân đầu tư hơn 3 tỷ đồng vào công ty này…
Ở một diễn biến khác, khi trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Trịnh Hoàng Bình (SN 1975) - nguyên Kế toán trưởng Công ty Khải Thái khai nhận, mới tiếp quản vị trí này của một người kế toán trưởng tên Thủy chưa đầy 1 tháng. Bản thân bị cáo vẫn đang trong thời gian thử việc nên không thể gọi là kế toán trưởng. Công việc chủ yếu của Bình là làm kế toán thuế, tiếp nhận các giấy tờ, chứng từ chuyển đến và đi của công ty. Còn hoạt động cụ thể của công ty cũng như việc nguồn tiền đi về đâu, thu chi ra sao thì Bình không nắm được. Trong thời gian thử việc, Bình chưa được nhận bất kỳ khoản tiền nào khác ngoài lương.
Trong khi đó, tại tòa, bị cáo Saga vẫn khẳng định việc mình lập ra Công ty Khải Thái tại Việt Nam là làm theo chỉ đạo của một người tên Lưu Kiến Phúc. Công ty Khải Thái chỉ là công ty con của Tổng Công ty Fuxing có trụ sở ở Đài Loan. Việc cơ quan điều tra không tìm được Công ty Fuxing theo địa chỉ mà mình cung cấp cũng như không tìm được người có tên Lưu Kiến Phúc thì bản thân Saga không thể hiểu được. “Nếu cho bị cáo thời gian nhất định sẽ tìm được Công ty Fuxing và người tên Lưu Kiến Phúc để phục vụ điều tra” - bị cáo Saga nói.
Đáng chú ý, tại phiên tòa này, có rất nhiều người khi được mời đứng lên đều khai mình là bị hại trong vụ án. Tất cả đều cho biết mình chưa được cơ quan điều tra mời lên lấy lời khai cũng như chưa được ghi nhận là bị hại của vụ án…
Do xét thấy vụ án xuất hiện một số tình tiết mới và có thêm nhiều bị hại chưa được cơ quan điều tra triệu tập nên sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Thiên Bình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tra-ho-so-de-dieu-tra-bo-sung-vu-san-vang-ao-khai-thai-296255.html