Trả lại bao tải thuốc sau khi khám bảo hiểm 319 lần trong 5 tháng

Về nghi vấn bệnh nhân đi khám bảo hiểm nhiều để lấy thuốc bệnh viện để bán lại, theo bác sĩ Huyền, việc này là đồn đoán, không có cơ sở. Bởi hiện nay các nhà thuốc đều không mua thuốc không rõ nguồn gốc từ bệnh nhân để bán lại.

Trước đó, tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ, BHXH Việt Nam cho biết, thống kê trên cả nước bốn tháng đầu năm 2017 phát hiện 2.800 người bệnh đi khám từ 50 lần trở lên. Trong đó, có 195 người bệnh thường xuyên đến khám tại bốn bệnh viện, với tổng số tiền BHYT phải chi trả trên 7,7 tỷ đồng. Cá biệt, có trường hợp bệnh nhân N.G.H đã đi khám bệnh liên tục 319 lần trong 5 tháng.

Người dân đi khám bệnh bằng thẻ BHYT (Ảnh minh họa)

Từ cuối tháng 6.2016 đến tháng 1.2017, bệnh nhân này cầm thẻ BHYT “gõ cửa” hàng loạt bệnh viện tại TP.HCM như: Bệnh viện Y học cổ truyền, Viện y dược học dân tộc, Bệnh viện Tai mũi họng, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Quân dân y miền Đông...

Được cơ quan chức năng giải thích việc khám bệnh nhiều lần là vượt quá nhu cầu cần thiết, bệnh nhân N.G.H (47 tuổi, TP.HCM) đã biết lỗi, xin được khắc phục hậu quả và nộp lại 9 triệu đồng tiền thuốc cho quỹ BHYT.

Để hiểu rõ hơn về trường hợp hy hữu này, sáng ngày 6.6, trao đổi với Dân Việt, bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc BHXH TP.HCM cho biết: “Thông qua hệ thống giám định điện tử, BHXH đã phát hiện trường hợp khám quá nhiều lần của bệnh nhân H. và gửi thư mời lên làm việc. Chúng tôi đã trực tiếp giải thích với bệnh nhân, việc khám nhiều lần là vượt quá nhu cầu cần thiết, vi phạm quy định sử dụng thẻ BHYT. Nghe phân tích, bệnh nhân đã biết lỗi và xin được trả lại số thuốc đã cấp phát dư”.

Đa số thuốc cấp phát cho bệnh nhân H. đều là thuốc được lấy từ Bệnh viện Y học cổ truyền. “Bệnh nhân mang lên cả bao tải thuốc để xin trả lại, nhưng phía bệnh viện nói không nhận lại số thuốc đó”, bà Huyền nói.

Tính toán của BHXH cho thấy, trung bình khoảng 2 đến 3 ngày, bệnh nhân H. lại đi khám 1 lần. Chi phí mỗi lần khám, cấp phát thuốc cho ông H. rất thấp, khoảng dưới 181.000 đồng. BHXH trích xuất dữ liệu từ các bệnh viện nơi ông H. đến khám, sau đó tính ra thành tiền để yêu cầu bệnh nhân bồi hoàn. Ông H. thành khẩn hợp tác và nộp đúng số tiền 9 triệu đồng theo quy định.

Đặt vấn đề vì sao bệnh nhân lại bỏ công đi khám quá nhiều lần như vậy? Bác sĩ Huyền lý giải: “Thứ nhất, tâm lý bệnh nhân thường đi khám ở bệnh viện này để so sánh với bệnh viện khác, xem nơi nào điều trị tốt hơn. Thứ hai, họ có suy nghĩ, có thể năm nay mình bỏ tiền mua thẻ BHYT nên tranh thủ khám bệnh, lấy thuốc, lỡ mà sang năm không mua thẻ thì vẫn có thuốc để dùng”.

Về nghi vấn bệnh nhân lấy thuốc bệnh viện để bán lại, theo bác sĩ Huyền, việc này là đồn đoán, không có cơ sở. Bởi hiện nay các nhà thuốc đều không mua thuốc không rõ nguồn gốc từ bệnh nhân để bán lại.

Đại diện UBND phường 2 (quận 8, TP.HCM) cho biết, khi có thông báo của BHXH, phường đã cử người đến tận nhà bệnh nhân H. để nhắc nhở, tuyên truyền. Được biết, ông H. có nhân thân tốt, gia đình làm nghề buôn bán. “Hiểu được việc đi khám liên tục như vậy là sai quy định, ông H. đã hứa khắc phục, cam kết không tái phạm”, vị này nói.

Theo bà Huyền, về lâu dài, để hạn chế tình trạng bệnh nhân đi khám chữa bệnh nhiều lần một cách không cần thiết, BHXH Việt Nam đã cố gắng hoàn thiện hệ thống giám định điện tử. Hiện nay, hàng tuần hệ thống này tự động thống kê, phát hiện và đưa ra lời cảnh báo cho bệnh nhân lẫn bệnh viện về trường hợp khám chữa bệnh nhiều lần.

Hệ thống giám định điện tử của BHXH mới hoàn thiện vào tháng 1.2017 sẽ góp phần hạn chế tình trạng bệnh nhân vi phạm quy định về khám chữa bệnh, nguy cơ trục lợi thẻ BHYT và giảm thiệt hại cho quỹ BHYT.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/bao-hiem-ly-giai-viec-benh-nhan-kham-319-lan-trong-5-thang-776677.html