Trả lại cho tác giả quyền chính đáng của họ

Dù không phải đến bây giờ mới được các bên liên quan lên tiếng, câu chuyện bản quyền tác giả còn liên quan tới việc phát triển lành mạnh các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh lĩnh vực này đang hòa nhập sâu rộng với thế giới.

Tại Hội thảo "Vai trò của quyền tác giả, quyền liên quan đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa" do Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM và Hội Truyền thông điện tử TP.HCM tổ chức ngày 22/4 tại TP.HCM, nhiều đại biểu cho rằng, sử dụng tác phẩm của tác giả nào, phải trả lại "quyền" cho tác giả đó, không thể sử dụng "chùa" mãi được.

Tuy nhiên, ngay cả chính tác giả cũng còn mơ hồ chưa rõ quyền lợi của mình là gì?

Câu chuyện thực tế

Tại Hội thảo, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - được biết đến là người phổ nhạc bài hát nổi tiếng Tổ Quốc gọi tên mình - tâm sự: "Trong khi các ca sĩ thị trường mới vào nghề đã có nhà cao cửa rộng thì không ít tác giả lớn tuổi không kiếm được một đồng để hút thuốc". Qua đó, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đặt câu hỏi: Như vậy còn động lực đâu để mà sáng tác?

Mong ước lớn nhất của người sáng tác, người nghệ sĩ là công bố tác phẩm với công chúng. Ở lĩnh vực âm nhạc, một tác phẩm âm nhạc phải được phổ biến mới được xem là tồn tại. Trước đây, quy trình để một tác phẩm âm nhạc đến với công chúng chỉ thuần túy mang ý chí chủ quan của các bên liên quan. Bây giờ, luật Sở hữu trí tuệ quy định rất rõ: Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, quy trình để một tác phẩm âm nhạc ra công chúng phải thỏa mãn 3 điều kiện: Thứ nhất, tạo điều kiện để doanh nghiệp (đơn vị phổ biến âm nhạc) phát triển; thứ hai, trả tiền tương xứng cho tác giả để kích thích sự sáng tạo; thứ ba, xã hội được thụ hưởng tác phẩm âm nhạc đó.

Đối với ngành xuất bản, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho hay, hiếm có tác giả kiếm được năm bảy chục triệu đồng cho việc ra đời một cuốn sách, đa phần chỉ kiếm được năm bảy triệu mà thôi. Trong khi đó, việc chế tài xử phạt vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan đối với hành vi in lậu sách chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính (cao nhất 20 triệu đồng), nên những đối tượng in lậu sẵn sàng chấp nhận đóng phạt để ngang nhiên xâm phạm bản quyền.

Còn TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty sách Thái Hà, Ủy viên BCH TW Hội Xuất bản Việt Nam phụ trách Hợp tác Quốc tế và Bản quyền cho rằng, quyền tác giả và các quyền liên quan đang được cả thế giới quan tâm, do đó Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Mấu chốt ở ý thức

Trao đổi bên lề Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho rằng, ngoài quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, quan trọng nhất là chúng ta phải tạo được nhận thức trong xã hội. Nếu chỉ có ý chí từ cơ quan quản lý nhà nước mà công chúng không có cùng nhận thức thì khó tạo được tư duy mới trong bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan. Do đó, cần có chiến dịch tuyên truyền, giáo dục mạnh mẽ hơn nữa.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên;

Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, bảo vệ quyền tác giả cũng là bảo vệ quyền sáng tạo, mà bảo vệ được quyền tác giả mới kích thích được sáng tạo. Qua đó, giúp người nghệ sĩ yên tâm sáng tác và cống hiến.

Theo nhiều đại biểu, vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan hiện nay rất khó thực hiện. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, lực lượng thực thi pháp luật để thanh kiểm tra và xử phạt còn rất mỏng. Hiện chưa có lực lượng thanh tra chuyên ngành về sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, cấp Bộ tuy có Cục Bản quyền tác giả nhưng xuống cấp Sở lại không có Phòng Quản lý bản quyền. Điều đó khiến cho công tác thực thi bị "khuyết" tại địa phương.

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết, TP.HCM sẽ phấn đấu đi tiên phong trong ngành công nghiệp văn hóa. Để làm được điều này, vai trò của quyền tác giả và các quyền liên quan rất quan trọng. Công tác quản lý nhà nước và xử phạt vi phạm luật Sở hữu trí tuệ được Sở thực hiện rất nghiêm túc nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định.

Cục Bản quyền tác giả đã trao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho 4 tổ chức và cá nhân. Ảnh: Lê Nguyễn

Ông Võ Trọng Nam cũng cho biết, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, chứng nhận đăng ký quyền liên quan, Sở đã trình UBND TP.HCM ban hành 78 bộ thủ tục về quản lý nhà nước và đã được UBND TP thông qua, giao cho Sở thực hiện.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, Cục nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp để công tác truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan hiệu quả hơn. Sắp tới, Cục Bản quyền tác giả cũng sẽ đổi mới trong công tác quản lý nhà nước về công tác truyền thông; đề nghị tác giả, chủ sở hữu, đặc biệt là các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan cần nâng cao trách nhiệm, chủ động hơn trong việc tuyên truyền bảo vệ lợi ích của hội viên.

Tại Hội thảo, Cục Bản quyền tác giả đã trao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho 4 tổ chức và cá nhân gồm: Nhạc sĩ Lê Quang (tác giả có nhiều tác phẩm âm nhạc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả); Công ty CP Sữa Việt Nam (tổ chức có nhiều tác phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả); Văn phòng Luật sư Phạm & Liên Danh (văn phòng luật Sở hữu trí tuệ có nhiều khách hàng ủy quyền nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả); TS. Vũ Tiến Lộc (tác giả có tác phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả - "Đưa Huyền thoại Mẫu Âu Cơ và bọc trăm trứng trở thành biểu tượng văn hóa và du lịch của Việt Nam dưới hình thức bức tượng Mẹ và những đứa con").

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/tra-lai-cho-tac-gia-quyen-chinh-dang-cua-ho-236318.html