Trả lại 'sân chơi' đúng nghĩa cho học sinh

Trong năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khẳng định, sẽ tạm dừng các cuộc thi Toán, tiếng Anh qua mạng. Bởi lẽ, các cuộc thi này không còn đúng nghĩa là “sân chơi” của học sinh (HS), tiếp tục tạo nên sức ép và bệnh thành tích trong giáo dục.

Tạm dừng để rà soát

Chị Nguyễn Thị Lan có con học lớp 4 tại một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Trường chật, lớp đông nên chị có nguyện vọng cho con được theo học tại các trường điểm của quận. Tuy nhiên, để vào được các trường này, thí dụ như Trường THCS Cầu Giấy, ngoài học bạ cấp tiểu học phải tuyệt đối toàn điểm 9 hoặc 10, HS phải có thành tích từ các cuộc thi HS giỏi đến giải thành tích văn, thể, mỹ… Để có tích lũy này, từ năm lớp 3, chị Lan đã miệt mài đưa con đi luyện cuộc thi Tiếng Anh qua mạng. Cho dù năng khiếu tiếng Anh của cháu không nổi trội nhưng cháu được luyện đến mức câu gì cũng thuộc lòng đáp án. Chị Lan chia sẻ, việc cho con đi luyện hoàn toàn không phải để con có năng lực tiếng Anh mà chỉ đơn thuần nhằm mục đích được vào trường “top”.

Cô Lê Hoàng Yến, giáo viên một trường tiểu học thuộc quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bức xúc: “Tham gia cuộc thi HS bị đẩy vào gian dối, không trung thực. HS đã tạo ra nhiều nick ảo khác nhau để luyện tập cho thuần thục một vòng thi rồi mới đăng nhập vào nick chính thức dự thi để có tổng điểm cao với thời gian làm bài nhanh nhất”. Từ góc nhìn của mình, giáo viên này chỉ ra những ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ. Ngày nay, phần lớn thời gian trẻ ở trường với thời gian học hai buổi, tối đến thì lại làm bài thi trên internet... Thời gian nào để trẻ vui chơi?

Một chuyên gia giáo dục thẳng thắn: Nhà trường, giáo viên, cha mẹ cùng mắc bệnh “thành tích” khiến HS trở thành “nạn nhân”. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, để đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, giáo viên phải trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được một HS đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi cấp tỉnh. Như vậy, hiện nay, với cấp tiểu học chỉ còn cuộc thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng là được tổ chức từ cấp quận, thành phố, quốc gia, được đưa vào tiêu chí thi đua để xét khen thưởng giáo viên. Vô hình trung điều này đã để cho giáo viên “bắt ép” học sinh tham gia nhằm đem lại thành tích không chỉ cho cá nhân giáo viên mà còn cho ban giám hiệu nhà trường.

Từ cuối tháng 5-2017, trước phản ánh về những hệ quả đem lại từ quá nhiều cuộc thi học đường khiến cả giáo viên lẫn học sinh bắt buộc phải tham gia, gây áp lực lớn, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT yêu cầu giảm số cuộc thi dành cho giáo viên và HS phổ thông. Mới đây, ngày 21-8, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, việc Bộ tạm dừng các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng trong năm học 2017-2018 để rà soát lại tránh chồng chéo cũng như áp lực vì vấn đề lấy thành tích để xét tuyển đầu vào các lớp đầu cấp.

“Lý do mà Bộ GD&ĐT đưa ra quyết định này là qua tổ chức rà soát trên quy mô cả nước, số lượng các cuộc thi dành cho HS hiện quá nhiều. Một số cuộc thi chủ yếu tập trung kiểm tra kiến thức lý thuyết mà HS đã học trong trường, hạn chế việc tạo cơ hội để các em được rèn luyện, trải nghiệm, qua đó phát triển kỹ năng và hình thành năng lực. Ngoài ra, do có một số trường sử dụng kết quả của một số cuộc thi trong việc xét tuyển sinh khiến một số HS tham gia cùng lúc nhiều cuộc thi với động cơ kiếm thêm điểm ưu tiên, gây quá tải, tốn thời gian và ảnh hưởng không tốt tới kết quả giáo dục”, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Cần xem lại đánh giá kết quả học tập

Trước thông tin tạm dừng các cuộc thi Toán, tiếng Anh qua mạng, nhiều phụ huynh tỏ ra nhẹ nhõm vì điều đó sẽ giảm áp lực cho con em mình. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, Bộ GD&ĐT không nên dừng các cuộc thi giải Toán và tiếng Anh qua mạng. “Ngành giáo dục đang phải đấu tranh với các môi trường games online thì việc tổ chức các cuộc thi lành mạnh trên mạng là môi trường rất cần thiết với HS”, bà Nguyễn Thị Minh Giang lý giải.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, phụ huynh học sinh Trường THCS Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng cho rằng, việc sử dụng kết quả các cuộc thi trên mạng để cộng điểm thưởng, thậm chí xét tuyển thẳng vào các kỳ xét tuyển đầu cấp đã khiến cho “sân chơi” này của các em bị biến tướng. Chính vì vậy kết quả các cuộc thi cũng khiến nhiều người không tin tưởng vì không có điều kiện giám sát, chứng thực, đồng thời cho rằng sẽ là môi trường phát sinh tiêu cực, chạy giải để lấy thành tích.

“Tôi cũng thấy rằng không nhất thiết Bộ phải dừng toàn bộ các cuộc thi này mà chỉ yêu cầu không dùng kết quả các cuộc thi để tuyển sinh đầu cấp vào các trường. Như vậy, việc tham gia cuộc thi sẽ không bị tác động bởi thành tích, tiêu cực, trở về đúng nghĩa là sân chơi trí tuệ cho HS”, chị Hạnh đánh giá.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành giải thích, Bộ GD&ĐT sẽ không ban hành các văn bản hướng dẫn mang tính chỉ đạo các địa phương phải bố trí HS địa phương mình tham gia thi hay tổ chức các cuộc thi trên mạng. Các đơn vị vẫn có thể tổ chức, nhưng các Sở GD&ĐT không được lấy kết quả của các cuộc thi này để xét thành tích thi đua của các nhà trường. Đặc biệt, việc tổ chức các cuộc thi trên mạng với mục tiêu tạo sân chơi trí tuệ cho HS thì kết quả chỉ mang ý nghĩa ở sân chơi chứ không sử dụng trong việc đánh giá thành tích hay ưu tiên xét tuyển HS…

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đóng góp ý kiến: Song song với việc siết chặt tổ chức các cuộc thi, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu lại cách theo dõi và đánh giá chất lượng HS hiện nay bởi kết quả ở nhiều nơi chưa thật sự bảo đảm, còn đánh giá chạy theo thành tích. GS Dong cho rằng, Bộ GD&ĐT cần bắt tay ngay vào những nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá đầy đủ, nghiêm túc và khách quan về cách cho điểm để không có những bảng điểm 10 tuyệt đối mà năng lực HS không thực chất. Ngoài ra, các cuộc thi còn lại cũng cần siết chặt quy chế, tránh các hiện tượng tiêu cực làm giảm tính giáo dục của cuộc thi

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/item/33989202-tra-lai-san-choi-dung-nghia-cho-hoc-sinh.html