Trả lại sự thanh thản cho lòng thương!

(24h) - Chúng gầy đét trần truồng, có khi dặt dẹo ngủ trên vỉa hè hay những khoảnh cỏ dưới trụ đèn đỏ, bất kể trời mưa hay nắng. Những đứa trẻ hai, ba tuổi được người lớn “phân công” uống thuốc ngủ, nằm trần truồng lê la để tăng thêm phần thương cảm đối với những người đi đường qua lại. Chúng từ đâu đến?

“Người lớn” mà chúng ta nói đến đang theo dõi chúng từ đâu? Liệu những đồng xu chúng ta thả vào bên trong những chiếc ca có cứu được trận đòn roi giáng xuống những cặp mông héo quắt kia khi màn đêm buông xuống? Và chúng ta có thể làm được gì khi đã xác định đó là những hình ảnh thật nhất về nạn ngược đãi trẻ em? Những câu hỏi đặt ra cùng sự thương cảm. Thậm chí có khi chúng ta muốn trốn tránh cảm giác bất lực, không trả lời được bằng cách rồ ga vượt ba giây đèn vàng để không nhìn thấy cảnh nhếch nhác ấy, để không bị những đứa trẻ đến đặt chiếc ca nhựa trước mũi xe mình. Chúng ta, dù thương hại hay vì lòng nhân ái giúp đỡ vài nghìn đồng, hay lẩn tránh, cũng đều chịu chung một sự dằn vặt trong lòng khi thấy sự sai trái, bóc lột, đày đọa mà không thể làm được gì. Quả thật, cho cũng dở, mà không cho cũng dở! Không thể phủ nhận một điều là dù ứng xử với cách nào đi nữa thì trong lòng chúng ta cũng đều không thể thanh thản. Những đứa trẻ hai, ba tuổi được người lớn “phân công” uống thuốc ngủ, nằm trần truồng lê la để tăng thêm phần thương cảm đối với những người đi đường qua lại Một lần khi chở những đứa em bà con ở Úc về đi dạo đêm Sài Gòn, bọn trẻ cứ hỏi tôi: Tại sao những đứa trẻ ở trụ đèn đỏ ấy bị lột trần đứng ngoài đường? Sau khi nghe giải thích, mấy đứa em tôi lại hỏi tại sao “police” (cảnh sát) không đưa về trại và phạt tiền cha mẹ chúng, những người đã bỏ rơi các em?... Những câu hỏi đó tôi đã không trả lời được. Có lẽ những hướng dẫn viên du lịch cũng không thể trả lời được những câu hỏi đại loại như thế khi hướng dẫn khách nước ngoài đi ngang những trụ đèn đỏ có những đứa trẻ nheo nhóc. Những đợt truy quét trẻ vỉa hè được tiến hành vào những dịp lễ, được thành phố phát động khá ồn ào, phô trương. Người ta cũng không biết những hôm ấy bọn trẻ nít ăn xin nheo nhóc được “giải tỏa” đi đâu. Nhưng cứ y như rằng sau ngày lễ, tại những trụ đèn đỏ ở ngã tư Hàng Xanh, trước cổng chùa Vĩnh Nghiêm, nhà thờ Đức Bà hay các sân khấu ca nhạc, các công viên lại xuất hiện những đứa trẻ gầy đét nằm dặt dẹo... Đâu lại vào đấy. Ông Lê Thanh Ngữ - chủ tịch UBND P.Bến Thành - xác nhận ông đã biết chuyện những kẻ “chăn dắt trẻ em hành nghề ăn xin” là có thật trên địa bàn phường mình, trước cả khi phóng sự ảnh “Vở diễn đày đọa trẻ thơ” đăng lên. Điều đó cho thấy đây không phải là vấn đề quá xa lạ với ông chủ tịch phường. Song vẫn thấy trong giải pháp của ông Ngữ (sẽ tiếp tục có những kế hoạch “triệt phá”...) vẫn không vượt qua được tính cục bộ và lúng túng giới hạn ở cấp phường mà ông quản lý, vì ai cũng biết chuyện thay đổi địa bàn hoạt động của những kẻ chăn dắt trẻ em hành nghề ăn xin này rất linh hoạt. Vậy vấn đề đặt ra là cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của thành phố, mở những chiến dịch dài hơi, giải cứu những trẻ em và triệt phá tận gốc, răn đe trước dư luận những kẻ táng tận lương tâm. Đó cũng là việc làm trả cho thành phố hình ảnh văn minh, trả cho những tấm lòng thương người sự thanh thản đáng ra phải có.

Nguồn 24H: http://www21.24h.com.vn/news/detail/46/257304/tra-lai-su-thanh-than-cho-long-thuong.24h