Trả lời chất vấn tại Quốc hội: Bộ trưởng nhận lỗi và nhận trách nhiệm

Hôm qua, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã có phần trả lời chất vấn của các đại biểu về những vấn đề nóng được cử tri cả nước quan tâm. Dù ở những lĩnh vực khác nhau nhưng trước phần hỏi có phần gay gắt, cả hai Bộ trưởng đã xin nhận trách nhiệm cá nhân về những phần việc mình chưa làm được.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 13.6. Ảnh: A.C

BÀN CHUYỆN CỨU “NỀN NÔNG NGHIỆP GIẢI CỨU”: Bộ trưởng nhận trách nhiệm nhưng chưa thuyết phục

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường được cử tri cả nước quan tâm đặc biệt, bởi liên quan đến hàng loạt vấn đề nóng: Giải cứu nông sản, phân bón giả, tàu vỏ thép. Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng, thậm chí nhận trách nhiệm cá nhân nhưng phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường vẫn được cho là chưa thực sự thuyết phục vì “thiên về giải thích chứ chưa đưa ra được những giải pháp mang tính căn cơ, đột phá cho tình hình hiện nay”.

Nhận trách nhiệm cá nhân

Nhiều đại biểu chất vấn về thương hiệu nông sản Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay thực tế thương hiệu nông sản hiện nay có 3 cấp độ: Thứ nhất là thương hiệu vùng miền, chỉ dẫn địa lý như gạo, cam, quýt, hồng, bưởi...; thứ hai là cấp doanh nghiệp; thứ ba là cấp quốc gia hiện… chưa có. “Bộ Công Thương đang xây dựng chùm sản phẩm, thực phẩm Việt Nam. Hai bộ sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai” - ông Cường nói.

Cũng vì không có quy hoạch, không xây dựng được thương hiệu nên tình trạng các mặt hàng nông sản Việt Nam sau thời gian sản xuất phong trào thì lâm vào nguy khốn vì khủng hoảng thừa. Ngoài ra, nông sản Việt khi xuất ra nước ngoài hoặc giá trị bị “nén” rất thấp, hoặc phải đứng tên một nước khác, thực tế này cho thấy nền nông nghiệp còn rất nhiều việc phải làm và nông dân sản xuất trong tình trạng bấp bênh, luôn cần… giải cứu.

Việc xây dựng thương hiệu nông sản hay nỗ lực tái cấu trúc ngành này, theo ông Cường cần xây dựng các giải pháp xúc tiến, kêu gọi đầu tư tại các vùng và khai thác tối đa tiềm năng phát triển. Thế nhưng, theo lời Bộ trưởng, “phải xác định rằng vùng nào cũng có điểm đặc biệt, vùng nào cũng có lợi thế có thể khai thác”. Như vậy, dễ dẫn đến chính sách với ngành nông nghiệp phân tán, nhiều chính sách nhánh, không có trọng điểm, mũi nhọn chiến lược.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm chất vấn về trách nhiệm của cá nhân bộ trưởng với người nông dân, ông Nguyễn Xuân Cường thừa nhận trách nhiệm cá nhân, song cho rằng nếu chỉ trông chờ vào Bộ trưởng thì khó. “Phân công cho trưởng ngành nào thì ngành đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên, nhưng một mình trưởng ngành không thể làm hết được. Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị” - ông Cường nói. Ngay lập tức, ĐB Tâm tranh luận lại: “Tôi chất vấn Bộ trưởng là muốn Bộ trưởng trả lời trách nhiệm của mình, chứ không phải hệ thống chính trị”.

Riêng những câu hỏi về tiềm năng nuôi lợn của Việt Nam trong khi cuộc khủng hoảng thừa vẫn đang để lại hậu quả nghiêm trọng đối với người chăn nuôi, người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định là có nhưng về lâu dài cần phải tính câu chuyện thị trường. Tuy nhiên, ông Cường cho biết quy trình đưa lợn vào các thị trường như Châu Âu, Mỹ... rất khắt khe. “Chuyện đó không thể làm 1-2 năm được nên trước mắt, ngành nông nghiệp đưa ra giải pháp là phải giảm đàn. Bộ NNPTNT vừa làm việc để đưa thịt gà sang Nhật, và những mặt hàng khác cũng đang được xúc tiến nhưng cần xác định là không thể làm ngay được” - ông Cường phân trần.

Về vấn đề này, trong phần phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, với ngành nông nghiệp, phải xây dựng liên kết 5 nhà để phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp. Từ thực tế “được mùa, rớt giá” các mặt hàng nông sản khiến người dân lao đao, cho thấy chất lượng quy hoạch ngành nông nghiệp chưa cao, chưa phù hợp với năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường, điều này dẫn tới sản xuất chưa đạt quy hoạch nhưng sản phẩm vẫn thừa.

Phó Thủ tướng nêu một số giải pháp cụ thể, như hình thành sản phẩm đặc trưng gắn với thương hiệu; rà soát chiến lược quy hoạch với nhu cầu, diễn biến thị trường, trong đó coi trọng thị trường trong nước... Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết 5 nhà, đó là Nhà nước - nhà nông - doanh nghiệp - ngân hàng và nhà khoa học.

Người dân chưa yên tâm

Bàn về phần trả lời của Bộ trưởng Cường, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng về lâu dài, các ngành ngân hàng, công thương cũng phải vào cuộc hỗ trợ nông dân bằng cách khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất vay ngân hàng; xây dựng thương hiệu, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn, sản xuất theo chuỗi; nâng cao chất lượng chế biến; cân đối lại tỉ trọng lợi nhuận giữa các khâu; tổ chức các sàn giao dịch nông sản… Ngoài ra, theo ông Phú: “Nhiều vấn đề Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời còn chung chung, chưa nhận rõ trách nhiệm của bộ trong vai trò dự báo, cung cấp thông tin cho nông dân. Nếu Bộ NNPTNT chưa nhận thức được vai trò quản lý của mình, thì sẽ còn nhiều khó khăn không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, mà cả khâu chế biến, xuất khẩu cũng sẽ tiếp tục gặp nhiều vướng mắc. Do vậy, Bộ NNPTNT cần tìm giải pháp căn cơ, mang tính khả thi. Bộ trưởng Bộ NNPTNT nên đưa ra những giải pháp thiết thực, không nặng về trần tình, giải thích như hiện nay”.

Đối với người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ NNPTNT vẫn chưa thuyết phục. Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 13.6.2017, ông Nguyễn Thế Anh - một chủ trang trại có trên 15.000 lợn thịt và trên 3.000 lợn nái tại Vạn Thái (Ứng Hòa, Hà Nội) bày tỏ: Có thể nói, ngành chăn nuôi hầu như không được Nhà nước quản lý, mạnh ai người ấy nuôi nên dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Theo ông Nguyễn Thế Anh, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra những giải pháp “giải cứu”, nhưng những giải pháp của Bộ trưởng lại nặng về phân tích, mà cái ông ấy phân tích thì người sản xuất, chăn nuôi ai cũng biết rồi không cần Bộ trưởng phải nói về thực trạng.

Theo anh Văn Phúc - một doanh nghiệp sản xuất nông sản ở Hà Nội - lại cho rằng: “Mọi ý kiến đổ hết trách nhiệm lên Bộ trưởng Bộ NNPTNT là chưa thỏa đáng. Tìm thị trường để tiêu thụ hàng hóa trong nước là trách nhiệm của Bộ Công Thương, nhiều người đang bị nhầm lẫn vai trò của 2 bộ này.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mới chỉ giải thích

Về phần chất vấn với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, tôi thấy trước hết các câu hỏi chất vấn của các đại biểu không có gì mới, vẫn chủ yếu là câu chuyện được mùa mất giá, rồi sản xuất nông nghiệp manh mún… Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng tương đối rành mạch, thẳng thắn, có nhận trách nhiệm. Tuy nhiên tôi thấy Bộ trưởng vẫn chủ yếu giải thích là chính, còn trong phần đưa ra các giải pháp đột phá để khắc phục, để thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh hơn thì chưa nhiều, chưa nổi bật. Tôi cho rằng với những giải pháp và trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như hiện nay thì trong thời gian tới khó kỳ vọng ngành nông nghiệp có thay đổi khởi sắc được. X.H

LÊ PHƯƠNG - KHÁNH VŨ

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/tra-loi-chat-van-tai-quoc-hoi-bo-truong-nhan-loi-va-nhan-trach-nhiem-673618.bld