Trách nhiệm đại biểu của dân nơi nghị trường

Theo dõi các phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội, có thể thấy các đại biểu đã thể hiện được vai trò người đại biểu nhân dân, đưa tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tới Quốc hội. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện cái "Tầm" của người đại diện nhân dân nơi nghị trường. tuy nhiên, có đại biểu lại đề nghị một số bộ luật chưa thực sự cấp thiết, trong khi thực tế cuộc sống đang có nhiều lĩnh vực rất cần có luật để điều chỉnh...

Bài phát biểu của ông Nguyễn Minh Hồng

Khi đăng đàn trong phiên thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, ông Nguyễn Minh Hồng, đại biểu tỉnh Nghệ An đã phát biểu với "lời phi lộ" rất dài dòng rằng: "Bài phát biểu của tôi là bài phát biểu chung của tôi với đại biểu Phan Đình Trạc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, hai anh em chúng tôi chung nhau phát biểu. Đồng thời cũng là những gửi gắm của đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Hồng Nhị, Chủ tịch Mặt trận tỉnh Nghệ An trước khi chúng tôi vào họp".

Bài phát biểu của ông Hồng chia làm hai phần. Phần thứ nhất là vấn đề cán bộ, theo ông Hồng thì "vừa qua có nhiều vị Bộ trưởng đã hoàn thành nhiệm vụ rất tốt, chúng tôi nghĩ những cán bộ còn sức khỏe, còn năng lực đề nghị giữ lại làm việc cho đất nước không nhất thiết đến tuổi phải nghỉ hưu. Tất nhiên cũng phải có sự ngược lại, như vậy cán bộ giúp Thủ tướng Chính phủ sẽ thấy rằng hãy làm việc thật tốt, dám nghĩ, dám làm, chịu trách nhiệm cho dù nhiệm kỳ sau mình đến tuổi nghỉ hưu vẫn được đất nước trọng dụng, không lo đến việc hạ cánh an toàn trong nhiệm kỳ, nhất là những vị lãnh đạo cho dù đã hết tuổi mà khả năng các vị đó chiếm vai trò cần thiết để lãnh đạo cho đất nước thì các vị cứ tiếp tục ở lại hoàn thành nhiệm vụ của mình…".

Phần thứ hai, để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ông Hồng cho rằng "chúng ta cần đến các trục giao thông, vì nó là huyết mạch của nền kinh tế. Nhưng thưa quý vị trục giao thông đường một Bắc - Nam hiện nay mặc dù tích cực nâng cấp sửa chữa nhưng chưa đủ tầm với sự thay đổi của đất nước, chưa đủ sức để tham gia gánh vác nền kinh tế đất nước và đây cũng là trục đường tai nạn giao thông nhiều nhất. Tôi đề nghị, phải quyết tâm và khẩn trương làm trục lộ Bắc - Nam rộng hơn mỗi bên 8 làn đường để phục vụ cho nền kinh tế nước nhà hạn chế mức thấp nhất của tai nạn giao thông".

Chia sẻ với dân, quyết liệt với Bộ trưởng

Theo dõi các phiên thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, có thể thấy đại biểu của nhiều tỉnh để chứng minh cho quan điểm của mình đã "nói có sách, mách có chứng" bằng thực tế của chính địa phương mình.

Bà Nguyễn Thị Thanh, đại biểu tỉnh Ninh Bình, đề nghị bên cạnh việc cắt giảm, dừng, hoãn nhưng cũng có những dự án mới cần có chủ trương chuẩn bị đầu tư cho những năm tới, nhất là những dự án ứng phó biến đổi khí hậu và những dự án phục vụ cho phát triển nông nghiệp ở những vùng luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.

Dẫn chứng quan điểm này, bà Thanh "ví dụ như ở Ninh Bình, để ứng phó với biến đổi khí hậu nước biển dâng tỉnh đã triển khai dự án nạo vét cửa Đáy và xây dựng âu Kim Đài tại huyện Kim Sơn để tránh việc xâm thực nước mặn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh của 3 huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho dự án chưa được bố trí. Vì vậy đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm sớm phân bổ nguồn ngân sách thuộc Chương trình quốc gia liên quan đến biến đổi khí hậu để các địa phương thực hiện".

Ông Lê Minh Hoan, đại biểu tỉnh Đồng Tháp, khi dẫn chứng hiệu quả của việc bao tiêu sản phẩm cho nông dân, đã "khoe": "Trong những năm gần đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan trong tỉnh thực hiện vai trò "nhạc trưởng" trong các hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa gạo, tôm càng xanh, cá tra v.v... nhất là trong việc thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất theo hướng hiện đại bước đầu đạt được hiệu quả rất khả quan. Hiện nay, Đồng Tháp có 10 cánh đồng mẫu lớn sản xuất theo hướng hiện đại với tổng diện tích hơn 1.500 ha, thu hút gần 1.200 hộ dân và rất nhiều doanh nghiệp đã chủ động tạo ra mối liên kết bước đầu thành công. Tôi đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần sớm đề xuất với Chính phủ các cơ chế, chính sách để phát huy hiệu quả rõ rệt của mô hình này. Tôi cho rằng đây sẽ là bước ngoặt có tính liên kết “4 nhà” ở đồng bằng sông Cửu Long".

Để "làm rõ và đề xuất một số kiến nghị về mức độ khó khăn của đời sống đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn do tác động của lạm phát cao", ông Lò Văn Muôn, đại biểu tỉnh Điện Biên "xin ví dụ, ở tỉnh Điện Biên chúng tôi, số hộ thiếu đói của 9 tháng năm 2011 tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm 2010. Một số cán bộ cơ sở, ở đây vừa rồi nhiều đại biểu đã nói về những khó khăn do phụ cấp của cán bộ bán chuyên trách, cán bộ không chuyên trách và các cán bộ thôn, bản của chúng ta phụ cấp rất thấp, gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi ở Điện Biên cũng đã có một số trường hợp cán bộ cơ sở đã xin thôi làm nhiệm vụ do việc phụ cấp không đảm bảo cho những chi phí tối thiểu như các đại biểu đã nói, chỉ đủ mua xăng cho vài chuyến xe đi xuống thôn, bản hoặc lên huyện. Nguyên nhân của các thực trạng trên theo tôi là do chỉ số giá tiêu dùng của các tỉnh, thành phố thuộc khu vực này cao hơn mức bình quân chung của cả nước rất nhiều. Cụ thể Điện Biên chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 so với tháng 12 năm 2010 đã là hơn 23%, trong khi đó của cả nước là 16,63%, theo tôi đây là cái quan trọng nhất".

Đại biểu Lê Thị Nga phát biểu rất gay gắt về nguyên nhân tai nạn giao thông cơ bản là sự yếu kém trong quản lý nhà nước về giao thông

Nghe nhiều ví dụ từ địa phương dù sinh động, nhưng trong một buổi thảo luận mà nghe nhiều cũng… mệt. Vì vậy tôi thật sự ấn tượng khi nghe bà Lê Thị Nga, đại biểu tỉnh Thái Nguyên, đặt vấn đề an toàn giao thông đã rất gay gắt cho rằng trong hai nguyên nhân thuộc về chủ quan dẫn tới tai nạn giao thông thì nguyên nhân cơ bản và quyết định nhất là sự yếu kém trong quản lý nhà nước về giao thông của các cấp kéo dài qua nhiều năm nhưng rất chậm được khắc phục, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn.

Theo bà Nga tình hình hiện đã tương xứng với tình trạng khẩn cấp nên cần thực hiện ngay những biện pháp hành chính mạnh. Vì thế "Chúng tôi đề nghị ngay từ đầu khóa XIII cần tổ chức một cuộc giám sát tối cao của toàn thể Quốc hội về nội dung này và có nghị quyết riêng để tạo căn cứ pháp lý và sự đồng thuận của xã hội cho việc thực hiện những biện pháp mạnh, thậm chí có thể phải hạn chế một số quyền của một số tổ chức vì tôn nghiêm và lợi ích của cộng đồng. Phải cho phép Hà Nội và TP HCM được thực hiện cơ chế đặc thù để giải quyết sớm vấn đề giao thông của hai thành phố. Nếu không dùng biện pháp mạnh thì chúng ta lại bất lực ngồi nhìn hơn 11.000 người chết của năm sau".

Còn ông Lê Như Tiến, đại biểu tỉnh Quảng Trị, khi bàn về tình trạng buông lỏng quản lý đất đai và quản lý tài nguyên khoáng sản, đã lấy dẫn chứng từ chính báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tình trạng sử dụng đất trái pháp luật, sai mục đích để hoang hóa lãng phí là rất nghiêm trọng, vẫn còn 2.455 cơ quan, tổ chức với hàng chục nghìn dự án treo để hoang hóa tới 250.862 ha đất, nguồn tài nguyên khổng lồ quý giá đã bị lãng quên trong nhiều năm, hiện còn tới 3.311 cơ quan, tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê, chuyển nhượng trái pháp luật với diện tích 25.587 ha, trong khi các quận nội thành Hà Nội còn cần ít nhất 1.500.000m 2 đất, TP HCM cần tới 4.874.000m 2 đất cho các trường phổ thông, các trường mầm non để xây mới hoặc để đạt chuẩn quốc gia thì loay hoay mãi không tìm đâu ra được quỹ đất.

Nêu tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan, ông Tiến dẫn chứng "từ khi phân cấp cho các địa phương trong quản lý, cấp phép thì các địa phương đã cấp được 4.200 giấy phép khai thác khoáng sản các loại, gấp 10 lần số giấy phép Trung ương cấp. Tình trạng khai thác khoáng sản hiện nay được các chuyên gia tổng kết cô đọng trong 6 chữ "loại cấp phép thả sức đào". Với 4.200 giấy phép khai thác sẽ có ít nhất 4.200 điểm đào bới khắp các vùng miền trong cả nước để moi đủ loại tài nguyên khoáng sản trong lòng đất đem đi xuất thô, hiệu quả kinh tế chẳng được bao nhiêu mà hệ lụy là môi trường sinh thái bị tàn phá nặng nề là quá nhãn tiền. Chưa kể đến môi trường xã hội cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng…".

Vì vậy, trước khi kết thúc, ông Tiến khẳng định đất đai và khoáng sản là tài nguyên hữu hạn, không tái tạo; không quản lý tốt, chúng ta sẽ có lỗi với hậu thế về việc khai thác, sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, ngày càng cạn kiệt tài nguyên của đất nước và đề nghị các vị Bộ trưởng: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư "nên chia sẻ với những bức xúc của cử tri cả nước".

Bữa Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề, nhà sử học Dương Trung Quốc đăng đàn với bài phát biểu khá dài nhưng rất thẳng thắn.

"Chúng tôi thấy băn khoăn một điều là chúng ta chỉ chọn 15 khu kinh tế biển trong số tất cả các loại hình kinh tế khác. Trong khi đó kết luận của giám sát không hề đề cập đến đặc trưng của khu kinh tế biển, mà nói hết sức chung chung. Khu kinh tế biển, tên gọi của nó có nội hàm rất riêng. Trước hết, nó liên quan đến biển, đến chiến lược biển, đến bảo vệ môi trường biển, đến một số ngành, nghề liên quan đến khu kinh tế biển v.v... mà ở đây chúng ta không hề đề cập tới, nói rất chung. Vì thế chúng tôi thấy phần kết luận của phần giám sát khu kinh tế hết sức ít thông tin. Bốn điều làm tốt, bốn điều chưa làm tốt và bốn điều phải làm. Nếu chúng ta cộng lại, bão hòa lại là con số không".

Nói tới làng nghề, đại biểu Dương Trung Quốc nhìn lại lịch sử "người Pháp vào đây, họ đã chủ động xây dựng một phương thức đưa nghề mới vào cho các làng để giải quyết vấn đề nông nhàn của nông dân. Để giải quyết nguồn cung cấp sản phẩm để xuất khẩu và để giải quyết vấn đề an ninh của làng xã, nhưng cách làm của họ rất bài bản, họ xây hẳn một bảo tàng công - nông - thương nghiệp, tức là nhà đấu xảo để giới thiệu những thành tựu cung cấp những nghề mới và tổ chức sản xuất, tổ chức dạy nghề và khi họ đưa vào làng, họ đưa vào cơ chế của làng, xã. Mà chúng ta biết cơ chế làng, xã là một cơ chế tự trị mang tính truyền thống rất cao, mà bộ máy hành chính rất là mỏng manh. Cho nên ngay cả nghề ren, thêu, nghề mang từ phương Tây đến họ cũng tạo ra một ông Thành hoàng của đình làng, vì thế nó tạo ra tính bền chắc của nó".

Vì thế ông Quốc cho rằng nếu chúng ta vẫn quanh quẩn ở làng nghề, vẫn còn dư âm của quá khứ như vậy mà chúng ta không nhìn thấy sự thay đổi rất căn bản thì chúng ta cũng chỉ đánh vật với cối xay gió thôi. "Tôi nghĩ ở đây chúng ta cần phải có cả yếu tố văn hóa cần quan tâm và đặc biệt yếu tố xã hội, chúng ta muốn gắn kết tất cả mục tiêu của chúng ta vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới mà chúng ta đang triển khai".

Cũng nói tới những bất cập của làng nghề, bà Bùi Thị An, đại biểu đoàn Hà Nội đã thẳng thắn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ nên đánh giá lại hiệu quả của việc chi tiêu cho giai đoạn vừa qua về vấn đề môi trường xử lý làng nghề.

"Tôi biết Chính phủ chi cũng không ít tiền, có rất nhiều đề tài, dự án bây giờ tôi xin đề nghị hai đồng chí Bộ trưởng cho biết xem bây giờ tổng số tiền chi là bao nhiêu, bao nhiêu dự án xử lý vấn đề môi trường làng nghề rồi. Bây giờ cái nào đi được vào cuộc sống, cái nào không đi vào cuộc sống, từ đấy ta mới có những phương án mới cho nó có hiệu quả hơn, chứ nếu không thì chi tiền xong đến 5 năm sau hết, đại biểu khóa XIV lại nói rằng môi trường làng nghề vẫn trầm trọng. Cho nên tôi đề nghị vấn đề này phải xem lại. Còn tất cả các đồng chí nói vấn đề công nghệ xử lý làng nghề thì đương nhiên việc này Bộ Khoa học và Công nghệ phải chịu trách nhiệm…".

Vì thế, dù vẫn còn những câu chuyện như đề nghị ban hành bộ luật chưa thực sự cấp thiết, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, mỗi người một vẻ, các phiên thảo luận ở nghị trường thực sự là những cuộc họp rất hấp dẫn với báo chí, bởi qua đó thấy được các đại biểu đã thực sự là đại biểu của dân, nói lên tâm tư, nguyện vọng của dân

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/sukien/2011/11/76677.cand