Trách nhiệm không có bảo đảm

Hiếm có khi nào trong đời sống nghị trường, người ta thấy các quan chức đầu ngành nhận trách nhiệm nhiều như tuần qua.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nhận trách nhiệm do đã nóng vội bổ nhiệm vị nguyên cục trưởng Dương Chí Dũng. Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh nhận một phần trách nhiệm trong vụ Vinalines. Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng nhận một phần trách nhiệm do để chậm thị trường hóa giá điện, còn Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang thì thấy rõ có trách nhiệm của bộ ông trong các vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng và Văn Giang.

Không chỉ có thế, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cũng “rút kinh nghiệm” về việc Dương Chí Dũng bỏ trốn, còn vụ Tiên Lãng đã là bài học sâu sắc của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang.

Cử tri nghe qua có thể thoáng một chút lạc quan, vì các lãnh đạo ngành đã biết nhận trách nhiệm. Điều này rất khác với tình hình chung của thời kỳ trước đây, khi quả bóng trách nhiệm thường được các bộ trưởng chuyền rất nhịp nhàng và người bị thủng lưới cuối cùng là nhân dân.

Tuy vậy, rất dễ nhận ra rằng mặc dù các bộ trưởng đều có trách nhiệm, cho đến nay vẫn chưa ai biết Dương Chí Dũng ở đâu, kế hoạch kiểm soát nợ của Vinalines và tiền đầu tư cho các tập đoàn kinh tế nhà nước thế nào, bao giờ sẽ phá thế độc quyền của ngành điện và lợi ích của người dân Tiên Lãng, Văn Giang được giải quyết ra sao.

Cũng không ai biết các bộ trưởng định làm gì với trách nhiệm không được hoàn thành của mình.

Trong đời sống dân sự, con người đã phát minh ra những phương thức đặc biệt để ràng buộc trách nhiệm của nhau, đó là các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, đặt cọc, … Theo đó, khi một bên vi phạm nghĩa vụ của mình, họ đứng trước nguy cơ bị tước mất những tài sản hoặc lợi ích khác của họ mà bên kia đang có quyền và khả năng định đoạt.

Trách nhiệm của các quan chức ở nước ta, dường như không có gì được lấy ra bảo đảm và nhân dân không thể định đoạt được sinh mệnh chính trị của họ. Do vậy, việc họ có chịu trách nhiệm - tức là các hậu quả bất lợi - hay không, đang phụ thuộc vào sự tự nguyện thuần túy của họ hơn là những ràng buộc pháp lý và chính trị.

Với cơ chế như vậy, nhân dân tiếp tục là người bị “thủng lưới” và cả “thủng ví” vì phải còng lưng trả học phí cho những “bài học sâu sắc” và “kinh nghiệm” mà các bộ trưởng học được.

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20120616114734689p0c1013/trach-nhiem-khong-co-bao-dam.htm