Trách nhiệm nào cho đại diện sở hữu nhà nước?

Sau 13 năm phát triển, TTCK trở thành bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế, giữ vai trò quan trọng trong việc huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển.

Sự phát triển của TTCK giúp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN, chuyển đổi mô hình từ các TCT 90-91 sang mô hình CTCP. Tuy nhiên tại các CTCP có cổ đông nhà nước chi phối, cổ đông đang đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của ban lãnh đạo đại diện cho phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong báo cáo quản trị của một loạt DN có cổ đông chi phối là Nhà nước, ban lãnh đạo của tất cả các DN đều không sở hữu hoặc sở hữu rất ít cổ phần. Có thể kể ra đây một loạt DN như CTCP xây lắp Dầu khí (PVX) hầu hết ban lãnh đạo, kể cả CT HĐQT và TGĐ không hề sở hữu CP PVX. Thành viên HĐQT nắm giữ nhiều CP PVX nhất là ông Nguyễn Huy Hòa với 53.460 CP so với 400 triệu CP PVX đang lưu hành. Tại một số DN khác, tỉ lệ sở hữu thậm chí còn thấp hơn. Ví dụ NH Công thương Việt Nam (CTG), lượng cổ phiếu do Nhà nước nắm giữ chiếm 64,5% tương đương 2,106 tỉ cổ phần và 35,5% tương đương 1,106 tỉ cổ phiếu niêm yết. Mặc dù phần lớn lượng cổ phiếu niêm yết thuộc sở hữu của các định chế tài chính quốc tế lớn như NH Sumitomo- UFJ, Tổ chức tài chính quốc tế - IFC nhưng vẫn có 251 triệu CP chiếm hơn 7% vốn cổ phần được tổ chức, cá nhân khác nắm giữ.

Tuy vậy, trong 251 triệu CP thuộc sở hữu của tổ chức cá nhân khác thì theo báo cáo của CTG tính đến hết 30.6.2013, cá nhân ông Phạm Huy Hùng, CT HĐQT CTG chỉ có 6.287 CP và vợ ông là bà Phạm Thị Hòa Minh có 9.644 CP. Ông Nguyễn Văn Thắng, TGĐ CTG có 189.569 CP và bà Phạm Thị Hoàng Tâm, UV HĐQT có 26.418 CP. Bà Đỗ Thị Thủy UVHĐQT và chồng nắm giữ 31.587 CP CTG. Còn các UV HĐQT khác của CTG đều không sở hữu cổ phần ngân hàng này. Tại Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Chủ tịch HĐQT Lê Quang Bình chỉ sở hữu cá nhân 2.823 CP và đại diện cho 212 triệu CP của phần vốn nhà nước tương đương 31,3% VĐL BVH. Ông Trần Trọng Phúc, UVHĐQT kiêm TGĐ BVH đại diện cho 28 triệu CP nhà nước và sở hữu 2.063 CP cá nhân...

Có thể thấy, tại nhiều DN có cổ đông lớn là Nhà nước thì các lãnh đạo không sở hữu nhiều cổ phần của DN đó. Thậm chí lượng cổ phiếu cá nhân các lãnh đạo DN rất ít và không có. Câu hỏi của nhiều cổ đông, nhà đầu tư đối với những lãnh đạo như vậy rằng họ có thực sự tâm huyết, trách nhiệm với DN với cổ đông của Cty hay không? Mô hình CTCP tạo động lực cho người sở hữu đồng thời làm việc tại DN thông qua việc chia lợi nhuận theo tỉ lệ sở hữu, do vậy, chỉ sở hữu lượng nhỏ CP, động lực hay tinh thần trách nhiệm đối với hiệu quả kinh doanh khó có thể sánh được với cổ đông nắm giữ nhiều CP Cty.

Sự lãi lỗ của DN sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập trên cổ phiếu của cổ đông, còn với những chủ tịch HĐQT, UV HĐQT mà lượng sở hữu CP rất ít, mang tính tượng trưng hoặc thậm chí không có thì họ cũng không ảnh hưởng gì mấy. Họ cũng không khác gì một cán bộ tại DN, được giao quản trị DN và nhận lương theo quy định chung. Chưa kể đến câu chuyện những người lãnh đạo, đại diện phần vốn sở hữu nhà nước có thể được thay đổi hoặc đến tuổi phải nghỉ hưu theo chế độ dễ nảy sinh tư duy nhiệm kỳ, lãnh đạo có thời hạn. Đây chính là điều lo lắng hoàn toàn có cơ sở của các cổ đông và NĐT khi nắm giữ những CP này.

Rõ ràng, quá trình CPH đã giúp nhiều DNNN thay da đổi thịt, làm ăn phát đạt nhưng qua thời gian cơ chế lãnh đạo thông qua người đại diện phần vốn đã dần bộc lộ điểm yếu có thể làm chậm lại quá trình phát triển DN sau CPH. Để giải quyết những bất cập nảy sinh, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có nghiên cứu và thay đổi cách thức quản lý cho phù hợp. Nếu không những lo ngại của cổ đông và NĐT sẽ rất có thể thành sự thật và thiệt hại nhiều nhất chính là cổ đông lớn Nhà nước.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-doanh/trach-nhiem-nao-cho-dai-dien-so-huu-nha-nuoc/130882.bld