Trách nhiệm người phát ngôn

Thủ tướng đặc biệt lưu ý “các cơ quan nhà nước phải cử người phát ngôn có đủ trách nhiệm, phẩm chất, kỹ năng tổng hợp xử lý thông tin”. Hằng tháng phải tổ chức họp báo để cung cấp thông tin chính thống kịp thời, chính xác, minh bạch (trừ các thông tin mật được pháp luật quy định); tạo điều kiện thuận lợi nhất cho báo chí nắm bắt thông tin chính thống tuyên truyền kịp thời, đưa tin chính xác trên các phương tiện thông tin truyền thông.

Khi có vấn đề thuộc bộ, ngành, địa phương mình được dư luận quan tâm hoặc cần định hướng, người đứng đầu, cấp phó được ủy quyền hoặc người phát ngôn chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí.

Liên quan đến vấn đề này, trước đây, khi ban hành Quyết định số 77/2007 về “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí”, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo rõ việc bảo đảm cho báo chí vừa có thông tin chính xác vừa tránh tình trạng người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đùn đẩy trách nhiệm thông tin.

Chỉ đạo là vậy, nhưng thực tế, một số người phát ngôn, không biết vô tình hay cố ý đã trở thành rào cản báo chí hoạt động.

Cách đây hơn 1 năm, một số khóa học dành cho những người làm công tác phát ngôn, báo chí, đối ngoại... được tổ chức ở 2 miền Nam, Bắc đã gây chú ý cho dư luận. Bởi, đây là lần đầu tiên người phát ngôn của các cơ quan, đơn vị, địa phương được trang bị những kiến thức về báo chí hiện đại; cách thức xây dựng mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với báo chí trong và ngoài nước; các kỹ năng tiếp xúc và trả lời báo chí..., vốn còn quá xa lạ đối với cán bộ làm công tác quan trọng này.

Thế nhưng, điều đáng buồn là thời gian qua, việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tại nhiều nơi vẫn chưa có tiến bộ nào đáng kể, dù nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương “đua” nhau công bố chính thức (bằng văn bản) người phát ngôn của đơn vị mình.

Song khi gặp phải những vụ việc đang được dư luận đặc biệt quan tâm, bức xúc..., thì cánh nhà báo thường phải tự “bơi” trong những đống thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Hệ quả của việc tự tìm thông tin là có không ít bài báo sau khi đăng tải đã nhận được văn bản phản hồi của cơ quan chức năng, cho rằng “thông tin trên thiếu chính xác”, "một chiều", "không khách quan", “đề nghị đính chính” hoặc “nói lại cho rõ”...

Tuy nhiên, khi báo chí cần tới thì thường bị người phát ngôn tìm đủ mọi cách thoái thác, đại loại, như: “chưa nghe báo cáo vụ việc này”, “để kiểm tra lại...".

Kèm theo những chỉ đạo cần thiết trên, đã đến lúc cần quy định rõ những biện pháp chế tài, nhằm kịp thời xử lý những cơ quan, đơn vị “né” cung cấp thông tin cho báo chí. Phải làm sao cho người phát ngôn hiểu rằng, họ không chỉ phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của người đứng đầu chính phủ mà đây còn là trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân.

Minh Nam

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111102/trach-nhiem-nguoi-phat-ngon.aspx