Trách nhiệm pháp lý vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong ở Đồng Nai

Chuyên gia pháp lý nhận định, trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến vụ tai nạn xảy ra, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội 'Vi phạm quy định về an toàn lao động' theo Điều 295, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hiện trường vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong ở tỉnh Đồng Nai chỉ còn cảnh hoang tàn, đổ nát. Ảnh: CTV

Xác định nguyên nhân vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng

CA tỉnh Đồng Nai đang điều tra nguyên nhân liên vụ nổ lò hơi tại Công ty TNHH Gỗ Bình Minh, nằm trên địa bàn xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Bước đầu cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ nổ lò hơi là do lỗi kỹ thuật. Để kịp thời khắc phục hậu quả của vụ tai nạn cũng như ngăn chặn các vụ tai nạn tương tự, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã chỉ đạo khẩn Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp UBND huyện Vĩnh Cửu thăm hỏi động viên gia đình các nạn nhân. Đồng thời phối hợp với CA tỉnh và các đơn vị liên quan điều tra, xác định nguyên nhân, xử lý nghiêm sai phạm liên quan vụ tai nạn lao động. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn lao động trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và các đơn vị liên quan tập trung tối đa lực lượng y, bác sĩ, thuốc men, thiết bị, vật tư y tế để cứu chữa các nạn nhân bị thương, làm thủ tục cho các nạn nhân tử vong.

Còn Giám đốc CA tỉnh Đồng Nai chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương phối hợp làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất. Sớm điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có). Trước đó, vào lúc 08h30 ngày 1/5, một vụ tai nạn lao động nổ lò hơi đã xảy ra tại Công ty TNHH Gỗ Bình Minh. Vụ nổ đã làm 6 công nhân tử vong tại hiện trường và 5 người bị thương.

Làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan

Luận bàn dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong, nguyên nhân bắt đầu xác định là do nổ lò hơi.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động để xem xét giải quyết trách nhiệm pháp lý. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến vụ tai nạn xảy ra, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động” theo Điều 295, Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 12 năm” - luật sư Nguyễn Hồng Thái nhận định. Còn trường hợp vụ tai nạn lao động xảy ra thuộc trường hợp bất khả kháng, không thể lường trước được và không có lỗi của những người có liên quan, mọi quy tắc đảm bảo an toàn đã được tuân thủ, cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự, chỉ xác định là tai nạn rủi ro trong lao động.

Ngoài trách nhiệm pháp lý về hình sự có thể đặt ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tai nạn lao động cũng được đặt ra đối với người có lỗi hoặc đối với doanh nghiệp trên. Theo đó, tại khoản 8 Điều 3, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 nêu rõ, nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ xác định nạn nhân trong vụ nổ lò hơi thuộc trường hợp tai nạn lao động thì dù lỗi thuộc về bên nào thì người sử dụng lao động vẫn phải có trách nhiệm bồi thường.

Nếu lỗi thuộc về đơn vị cung cấp thiết bị không thực hiện việc kiểm tra, sửa chữa kịp thời, đảm bảo sự an toàn của thiết bị khi vận hành thì đơn vị này sẽ phải chịu trách nhiệm. Sau khi có kết luận của cơ quan chức năng liên quan đến yếu tố lỗi, mức độ suy giảm khả năng lao động, nguyên nhân xảy ra tai nạn sẽ xác định mức bồi thường.

Điều 38, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau: ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% - 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11 - 80%; ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; ngoài ra, người sử dụng lao động phải trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

Nếu người lao động đủ điều kiện được hưởng chế độ tai nạn lao động thì sẽ được trợ cấp tùy theo suy giảm khả năng lao động, cụ thể suy giảm khả năng lao động từ 5 - 30% thì được hưởng trợ cấp một lần và từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng.Với người lao động tử vong, thân nhân của họ được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//trach-nhiem-phap-ly-vu-no-lo-hoi-khien-6-nguoi-tu-vong-o-dong-nai-379424.html