Trách nhiệm vòng quanh

13/20 con tàu vỏ sắt do Cty TNHH MTV Nam Triệu đóng mới theo Chương trình 67/CP cho ngư dân Bình Định và 5/5 tàu khác (tức 100%) cung cấp bởi Cty TNHH Đại Nguyên Dương trở thành đống sắt bất động không lâu sau thời điểm bàn giao. Một “tai biến” chưa từng có tiền lệ và hậu quả.

Các tàu cá của ngư dân Phú Yên được đóng mới theo Nghị định 67. Ảnh: Báo Phú Yên

Vụ bê bối đang đối mặt với khả năng bị xem xét trách nhiệm hình sự. Chỉ bằng bước đi đó, câu chuyện về trách nhiệm đối với khối tài sản nhiều trăm tỉ đồng của Nhà nước (qua chính sách hỗ trợ) và ngư dân mới được mổ xẻ đầy đủ, thích đáng.

Trong khi chờ đợi kết cục ngã ngũ, quả bóng trách nhiệm cứ được đá loanh quanh. Nhà sản xuất không ngần ngại đổ lỗi cho... biển mặn; truy vấn chủ tàu chạy rô-đa chưa; có thay dầu nhớt đúng bài bản hay không... Đỉnh điểm tâm thế đổ lỗi là phát ngôn của lãnh đạo Cty TNHH MTV Nam Triệu hôm 12.6, khi màn kịch vung tiền mua im lặng bị lật tẩy và khi chuyên gia Mitsubishi phơi bày sự thật 8/9 động cơ dán nhãn thương hiệu này là không chính hãng. Phần trách nhiệm Cty - pháp nhân trực tiếp ký hợp đồng với ngư dân - Tổng Giám đốc Nam Triệu Đặng Ngọc Oanh hứa hẹn “kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc”!

Vụ tàu sắt nằm bờ, cơ quan đăng kiểm “chạy trời không khỏi nắng”, nhưng hãy nghe cách họ trả lời: Thép mác A Trung Quốc đủ tiêu chuẩn đóng tàu; do chủng loại thép ghi ở khái toán thay vì trong văn bản hợp đồng nên chỉ chủ tàu và doanh nghiệp được biết. Trên hết, các bước đăng kiểm đã được thực hiện đúng quy định, đăng kiểm viên được cơ sở đóng tàu cung cấp đầy đủ giấy tờ gốc; đối chiếu giấy tờ và thực tế phù hợp nên cho lắp máy (trích giải trình của tổ đăng kiểm giám sát 20 tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng tại Nam Triệu).

Đòi hỏi từ cơ quan quản lý địa phương và cũng là từ tinh thần Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ là phải thay thế toàn bộ động cơ bị hỏng hóc chứ không chắp vá bằng vài linh kiện riêng lẻ. Vì vậy cần một cuộc điều tra, truy xét “ra ngô ra khoai” về nguyên nhân vật vạ, xuống cấp của những con tàu vỏ sắt ở Bình Định, Phú Yên là cần thiết.

Câu hỏi trách nhiệm chắc chắn không chỉ lơ lửng trên đầu doanh nghiệp, chủ tàu, cơ quan đăng kiểm, mà còn mở rộng ra tầng nấc quản lý khác như ban chỉ đạo địa phương, Bộ NNPTNT, mà trực tiếp là Tổng cục Thủy sản, nơi Tổng cục phó Nguyễn Ngọc Oai từng phát biểu: Sự cố xảy ra tại Bình Định là không bất ngờ, là đã được dự báo trước!

XUÂN NHÀN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/trach-nhiem-vong-quanh-674449.bld