Trải lòng của cô giáo 20 năm gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số

'Nụ cười hiền, ánh mắt biết nói của cô giáo chủ nhiệm hồi lớp 1 đã giúp tôi bỏ qua cái è dè, sợ hãi của đầu cấp để nuôi lớn ước mơ trở thành cô giáo'.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Cao Lộc cùng học trò. Ảnh NVCC.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Cao Lộc cùng học trò. Ảnh NVCC.

Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Kim Dung - giáo viên Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn).

Nuôi ước mơ cho trẻ vùng cao

Cô Kim Dung tâm sự: "Đối với những đứa trẻ vùng cao như chúng tôi, những năm tháng học phổ thông cái đói, nghèo bủa vây, số người được đi học đầy đủ rất ít, chỉ đếm đầu ngón tay.

Bởi vậy để trò gắn bó với trường lớp, thầy cô chính là nguồn động viên, tấm gương chúng tôi noi theo, xem đó là động lực phấn đấu".

Nhờ thầy cô mà ước mơ trở thành giáo viên nhen nhóm trong cô Kim Dung từ khi mới đi học. Sau khi tốt nghiệp THPT, cô quyết định chọn ngành Sư phạm học. Năm 1999, cô đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, năm 2001 tốt nghiệp.

Năm 2002, cô được phân công về Trường Phổ thông cấp 2 – 3 huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) công tác.

Trường cách nhà 25 km, đường đi lại khó khăn, cô chọn ở nội trú cùng đồng nghiệp; đây cũng là khoảng thời gian cô giáo trẻ có thời gian nghiên cứu bài vở, trò chuyện, gần gũi cùng trò nhiều hơn.

Một tiết học của cô Kim Dung và học trò. Ảnh NVCC.

Một tiết học của cô Kim Dung và học trò. Ảnh NVCC.

Cô Kim Dung trải lòng: “Cũng từng là học sinh, tôi hiểu tâm lý học trò rất rụt rè, e ngại khi lần đầu tiếp xúc với giáo viên. Bởi vậy, thầy cô phải là người chủ động gần gũi để xóa khoảng cách giữa thầy trò, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ đó khuyến khích các em học tập”.

Năm 2013, cô Kim Dung được điều chuyển công tác về Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) giảng dạy. Với đặc thù là trường nội trú, học sinh trường tôi chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng, Dao ở các xã đặc biệt khó khăn của huyện, 11 tuổi đã rời gia đình đi học nội trú. Nhiều em ở xã vùng III, sử dụng tiếng phổ thông phần nào đó bị hạn chế bởi gia đình chủ yếu giao tiếp bằng tiếng dân tộc.

Vì thế cô thường tạo không khí lớp học thoải mái để tạo hứng thú cho các em, lồng ghép những câu chuyện cuộc sống giản dị, ý nghĩa; liên hệ bài học đến với hiện thực cuộc sống nhằm khuyến khích học sinh tương tác với giáo viên và bạn bè để nâng cao năng lực ngôn ngữ.

Cùng với đó, cô luôn dành tình yêu thương, quan tâm để dìu dắt những học sinh sức học còn yếu; động viên, khuyến khích, khơi dậy niềm đam mê khám phá môn kiến thức, cho các học trò có năng khiếu, tố chất.

Cô Kim Dung chia sẻ thêm, có những em học sinh người dân tộc Dao ngại giao tiếp, không muốn chơi với ai, cô luôn phải dành thời gian trò chuyện riêng; kết nối với các bạn cùng lớp để giao nhiệm vụ giúp đỡ tăng cường giao tiếp để cho các em mạnh dạn hơn.

Đối với những học sinh ham chơi, chưa chú ý vào học việc học, cô luôn tìm đến động viên, dành thời gian lấp những kiến thức hổng của các em, khơi gợi mong ước của bố mẹ khi gửi em ra học tập tại trường nội trú.

“Riêng những học sinh mới nhập học, những buổi trực, tôi mời học sinh lên phòng trực để giảng giải, phân tích cho các em hiểu rằng các em yên tâm ở trường học với thầy cô thì bố mẹ, ông bà mới yên lòng đi làm. Sau những buổi nói chuyện, tư vấn như vậy, các em cảm nhận được thầy cô gần gũi như cha mẹ, trường học là nhà, bạn là anh em”, cô Kim Dung nói.

Trăn trở khi có học sinh nghỉ học

Gắn bó 11 năm với học sinh trường dân tộc nội trú, cô Kim Dung nhớ mãi kỷ niệm năm học 2015 – 2016, khi được phân công chủ nhiệm lớp 6A3, lớp có 30 học sinh. Sau khi đón học sinh, sắp xếp chỗ ở, nề nếp sinh hoạt cô về nhà thì 23h00 giờ, cô nhận được điện thoại của giáo viên trực đêm thông báo học sinh khóc đòi về, không đi ngủ làm các bạn trong phòng khóc.

Trong đêm, cô đã đến trường đi từng phòng có học sinh mình chủ nhiệm động viên động viên. Riêng với em học sinh đòi về, cô đã phải ngủ cùng, tâm sự phân tích.

Cô Kim Dung luôn tận tâm, sáng tạo phương pháp giảng dạy để học trò hiểu bài.

Cô Kim Dung luôn tận tâm, sáng tạo phương pháp giảng dạy để học trò hiểu bài.

Cô Kim Dung nhớ lại: “Khi biết tin học sinh nhớ nhà đòi về, phụ huynh đã nóng ruột muốn đón con về cho học gần nhà. Tôi đã thuyết phục phụ huynh cho em ấy ở trường 1 tuần, nếu sau một tuần vẫn đòi về thì lúc đó lên đón cũng chưa muộn”.

Trong tuần đó, cô Kim Dung ở trường cùng học trò. “Sau một tuần em ấy đã yên tâm và hòa nhập với cuộc sống ở trường học tập”, cô Kim Dung kể lại.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo cô đã có 10 sáng kiến cấp cơ sở được Hội đồng khoa học ngành Giáo dục Lạng Sơn xếp loại Khá và 1 sáng kiến cấp tỉnh. Các sáng kiến mang lại cho học sinh hứng thú học tập, niềm đam mê, yêu thích bộ môn Ngữ văn; phát huy tối đa tính tích cực, năng lực tự học, tự kiểm tra đánh giá của học sinh, giúp học sinh tư duy tốt, có phương pháp học tập khoa học.

9 năm liền cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 1 năm chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 14 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện; 2 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 1 Bằng khen của Bộ GD&ĐT (năm học 2021 - 2022); Có 6 giấy khen của UBND huyện, 3 Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Cô Nguyễn Tuyết Chinh - Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Cao Lộc chia sẻ: "Cô Nguyễn Thị Kim Dung là một giáo viên mẫu mực, trách nhiệm, tâm huyết với nghề và luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Quá trình giảng dạy, cô luôn dành toàn tâm, toàn ý để hướng dẫn học trò, tận dụng thời gian rảnh để gia cố lại kiến thức khi các em chưa hiểu. Đối với học sinh yếu, cô cố gắng sử dụng nhiều biện pháp để học sinh hiểu và nắm được kiến thức cơ bản”.

Đức Duy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trai-long-cua-co-giao-20-nam-gan-bo-voi-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-post682856.html